Câu hỏi rất lớn được đặt ra là liệu rằng sau ngày 3.11 nếu Joe Biden thắng cuộc, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc nói riêng và Đông Nam Á nói chung có gì thay đổi hay không?
Về câu hỏi trên, có rất nhiều chiến lược gia Mỹ đi đến một đồng thuận rằng: Căng thẳng Biển Đông và Hoa Đông sẽ tiếp tục với cường độ gia tăng giữa Mỹ-Trung Quốc; cuộc chiến thương mại vẫn còn đó và tranh cãi vẫn sẽ tiếp diễn.
Riêng khối ASEAN mong muốn Mỹ tiếp tục tái bổ nhiệm Đặc sứ Á châu - chức vụ mà trước đây Donald Trump đã hủy bỏ. Người ta mong mỏi Mỹ hãy chấm dứt nhìn Á Châu qua lăng kính Trung Quốc. Vì Trung Quốc là Trung Quốc còn các thành phần trong khối Á Châu hoàn toàn không phụ thuộc vào Trung Quốc. Do đó, Đặc sứ Mỹ tại khu vực Á Châu là cầu nối giữa Mỹ cùng các quốc gia trong khu vực, hoàn toàn đứng ngoài Trung Quốc.
Vấn đề quan trọng khác, nếu Joe Biden thắng cử, chính sách của ông đối với Trung Quốc sẽ về đâu? Cũng câu hỏi trên, các nhà nhận định về chính sách cho rằng cho dù Biden mềm dẻo hơn, nhưng chính sách đối với Trung Quốc của Trump vẫn được Biden tiếp tục duy trì con đường ấy. Bởi, đã đến lúc người Mỹ nhận ra rằng trong nhiều thập niên qua, Hoa Thịnh Đốn đã dành quá nhiều dễ dãi đối với Trung Quốc. Chính nhờ những cơ hội này mà Trung Quốc ngày nay đã thành đối thủ nguy hiểm chẳng những đối với Mỹ mà cả thế giới.
Tuy nhiên, riêng các quốc gia Đông Nam Á cho rằng các biện pháp trừng phạt Trung Quốc của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của họ. Do đó, mong muốn những bất đồng giữa Mỹ - Trung giải quyết càng sớm càng tốt, cho dù Dân chủ hay Cộng hoà nắm quyền.
Quan hệ ổn định giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn không tuỳ thuộc ở Mỹ, mà tuỳ thuộc vào Trung Quốc. Trước hết Trung Quốc sẽ phải chấm dứt tình trạng ăn cắp sản phẩm trí tuệ của Mỹ, sau đó hàng hóa muốn xuất khẩu vào Mỹ phải chịu đóng thuế theo quy định. Vấn đề tiếp theo, Trung Quốc phải chấm dứt tình trạng đoạt chiếm Biển Đông và Hoa Đông một cách vô lý, hoàn toàn trái với tinh thần Liên Hiệp Quốc. Dĩ nhiên, Hoa Thịnh Đốn tìm kiếm chính sách hoà hoãn để cả 2 cùng quay lại hợp tác phát triển mang lại lợi ích chung trên toàn Châu Á. Sự kích hoạt thương trường và yếu tố chính trị tuỳ thuộc ở não trạng của lãnh đạo Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh tôn trọng sự ngay thẳng và công bằng, hợp tác theo đúng các quy trình và quy tắc, chúng ta tin rằng thế giới sẽ sống trong hoà bình và phát triển.
Điều ấy là ước mơ gắn với một chiến thắng của Joe Biden, vì Biden sẽ có giải pháp trấn an sự hỗn loạn hiện nay theo cách hoà giải. Trên thực tế chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có thay đổi, mặc dầu về cơ bản không hoàn toàn. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp nhận chủ nghĩa đa phương hoá cùng với sức mạnh của đồng minh, nhằm duy trì ảnh hưởng của mình khắp nơi trên địa cầu. Ví dụ:
-Sẽ trở lại tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
-Sẽ tham gia năng động trong tổ chức NATO
-Sẽ có chương trình chống lại biến đổi khí hậu
-Sẽ trở lại thương thuyết với Iran chương trình hạn chế vũ khí nguyên tử
-Sẽ trao đổi chương trình hạt nhân với Triều Tiên qua hình thức kinh tế
-Sẽ không đưa quân trở lại Syria, Afghanistan và Iraq
-Sẽ giữ lại chương trình y tế ObamaCare
-Vân vân…
Đối với Trung Quốc, Hoa Thịnh Đốn phân loại Bắc Kinh là đối thủ cần quan tâm. Chính vì quan niệm đó, cho nên Trung Quốc vận động Nga thành hình một Liên minh quân sự chống lại Mỹ cùng đồng minh Âu châu và bộ tứ Quad. Nhìn một cách tổng quan, Mỹ hiện đang có một quan hệ tương đối ổn định với nhiều quốc gia. Trong khi Trung Quốc, không riêng gì Mỹ mà gần như cả thế giới đều đánh giá là nguy cơ tiềm ẩn. Rất nhiều lập luận cho rằng khi Biden làm chủ Nhà Trắng, chính sách của ông đối với Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn trong hành động, nhưng ngôn ngữ nhẹ nhàng đầy tính ngoại giao. Như chúng ta biết, cương lĩnh của đảng Dân Chủ năm 2020 đã nêu lên: “Đảng Dân chủ rõ ràng, mạnh mẽ và nhất quán trong hành động đẩy lui những quan ngại về kinh tế, an ninh, nhân quyền liên quan đến Trung Quốc”.
Ứng viên hàng đầu vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng cho Joe Biden là bà Michele Angelique Flournoy, từng là thứ trưởng đặc trách về chính sách dưới thời các bộ trưởng Robert Gates và Leon Panetta. Bà sẽ đưa ra chính sách “tái lập khả năng đối đầu và uy hiếp Trung quốc” qua hình thức cân bằng ngân sách quốc phòng, chú trọng vào khả năng công nghệ, nhằm bảo vệ mạng lưới an ninh và khả năng chiến đấu cũng như hệ thống chỉ huy. Ngoài ra, bà Michele Flournoy còn là kiến trúc sư (Mastermind) của chính sách ngăn chận chủ nghĩa phiêu lưu mới của Nga; liên kết châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Canada và Úc thành lập một Biên cương Mới (New Frontier) chống lại các nỗ lực của Nga-Trung.
Chính sách tiếp theo của Joe Biden sẽ là lựa chọn đối tác. Ông đã cho biết sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ của ông. Nguyên thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, một cố vấn chính sách đối ngoại lâu năm đã đề xuất thành lập Liên đoàn Dân chủ, với mục đích kết hợp và vận động cho cuộc đấu tranh nhân quyền mà mục tiêu hướng đến là nhằm giúp cho người dân Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ thoát khỏi tình trạng bị đàn áp.
Tiếp đến Jacob Jeremiah Sullivan, Tiến sĩ luật tại Đại học Yale, một nhà thiết kế chính sách dưới thời Obama, sẽ là ứng viên hàng đẩu trong nội các của Biden về chính sách. Ông đã đưa ra kế hoạch “Thoát Trung” qua hình thức Mỹ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, công nghệ và hạn chế sinh viên Trung Quốc vào Mỹ dưới vỏ bọc du sinh và đầu tư. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội phê chuẩn ngân sách quốc phòng với tài khoản theo nhu cầu (không hạn chế). Riêng về kinh tế, Sullivan đưa ra một lý thuyết mới rằng: mức độ quản lý một cách hiệu quả cho cơ sở hạ tầng và chính sách công nghiệp phải được hỗ trợ từ chính quyền Liên bang để bảo đảm cho việc sản xuất của tư nhân, từ thiết bị y tế lẫn quốc phòng, v.v...
Trên một tầm nhìn mang tính vĩ mô, Joe Biden sẽ tạo điều kiện cho các công ty rút ra khỏi Trung Quốc để tập trung về Mỹ, qua lăng kính thương mại công bằng nhiều hơn là thương mại tự do. Dưới góc cạnh khác, Joe Biden sẽ rời xa Donald Trump về phong cách và lối diễn đạt cũng như chính sách đối ngoại mang tính thực dụng hơn ở các giếng dầu Trung Đông, chương trình hạt nhân Iran và Bắc Hàn, tên lửa Nga-Trung. Dĩ nhiên, bên cạnh Trung Đông, Nga-Trung hay Iran và Bắc Hàn, chiến lược gia Sullivan đã vẽ ra một kinh tuyến mới Á Châu. Sullivan cho rằng Châu Á phải và sẽ thuộc người Châu Á chứ không phải Châu Á của riêng người Trung Quốc. Biển Đông và Hoa Đông là con đường tơ lụa không phải của riêng ai. Do đó Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để duy trì an ninh, hoà bình và công bằng.