Foxconn, nhà cung cấp lớn nhất của Apple, đã tăng các gói lương và thưởng cho những công nhân mới làm việc tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu (thủ phủ của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) trước mùa sản xuất dòng iPhone 15.

Công nhân mới ở nhà máy iPhone lớn nhất được tăng lương, thưởng trước mùa sản xuất iPhone 15

Sơn Vân | 29/05/2023, 18:35

Foxconn, nhà cung cấp lớn nhất của Apple, đã tăng các gói lương và thưởng cho những công nhân mới làm việc tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu (thủ phủ của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) trước mùa sản xuất dòng iPhone 15.

Từ ngày 29.5, các công nhân mới sẽ được nhận tiền thưởng lên tới 3.000 nhân dân tệ (424 USD) cho ít nhất 90 ngày làm việc tại nhà máy này, đồng thời được trả lương mỗi giờ lên tới 21 nhân dân tệ. Thông tin này được đăng trên WeChat bởi Nhóm Kinh doanh Sản phẩm Kỹ thuật số tích hợp của Foxconn (Đài Loan), đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất iPhone.

Theo bài đăng, các công nhân hiện tại ở nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu có thể nhận được tiền thưởng 500 nhân dân tệ.

Foxconn đã tăng phúc lợi cho công nhân hai lần trong tháng này. Ví dụ, khoản thưởng lòng trung thành cao nhất cho công nhân mới có thời gian làm việc ít nhất ba tháng đã được tăng lên 2.500 nhân dân tệ vào ngày 22.5, từ 2.000 nhân dân tệ hôm 3.5.

Với khoảng 200.000 công nhân, nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu đang chuẩn bị cho một đợt sản xuất các mẫu iPhone 15 bận rộn khác trong năm nay trước khi Apple dự kiến giới thiệu sản phẩm  vào tháng 9 tới.

Các gói lương và thưởng cao hơn dành cho công nhân ở Trịnh Châu nhấn mạnh cam kết của Foxconn trong việc tiếp tục lắp ráp iPhone tại thành phố này, bất chấp sự dịch chuyển liên tục chuỗi cung ứng sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc.

Dù Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất chính của Foxconn, chi phí lao động tăng cao và sự gián đoạn do các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt vào cuối năm ngoái đã thúc đẩy công ty đa dạng hóa hoạt động sản xuất sang các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam.

Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, hồi tháng 2 cho biết sự gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc vào tháng 11 và tháng 12.2022 khiến công ty sụt giảm doanh thu hàng quý đầu tiên kể từ đầu năm 2019, cụ thể là liên quan đến tình trạng bất ổn ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn điều hành tại Trịnh Châu.

Đầu tháng 5, Liu Young-way, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Foxconn, đã đến thăm thành phố Thành Đô (thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Tại đây, ông nói với các công nhân rằng Foxconn không có kế hoạch rời Thành Đô và cơ sở sản xuất quan trọng của họ ở đó.

Điều này diễn ra sau khi công ty Đài Loan mở trung tâm kinh doanh toàn cầu mới tại Trịnh Châu vào tháng 4, một phần trong nỗ lực củng cố cam kết của họ với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Foxconn có kế hoạch bổ sung thêm hai tòa nhà tại nhà máy sản xuất iPhone của mình ở thành phố Chennai (thủ phủ của bang Tamil Nadu, Ấn Độ), theo báo cáo vào tháng trước của tờ The Economic Times. Liu Young-way đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hai lần trong năm qua.

Trong khi đó, Tata Group chuẩn bị trở thành nhà sản xuất iPhone thứ tư theo hợp đồng của Apple, sau khi tập đoàn này mua lại nhà máy của công ty Wistron Corp (Đài Loan) ở miền nam Ấn Độ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu TrendForce (Đài Loan).

Ấn Độ có thể sẽ lắp ráp tới 50% số iPhone của Apple vào năm 2027, tăng từ mức dưới 5% hiện nay, theo dự báo của hãng DigiTimes Research (Đài Loan) vào tháng 1. Nếu xảy ra, điều đó sẽ đặt Ấn Độ ngang bằng với quy mô sản xuất iPhone ở Trung Quốc.

nhan-vien-moi-o-nha-may-iphone-lon-nhat-duoc-tang-luong-thuong-truoc-mua-san-xuat-iphone-15.jpg
Đưa ra các gói thưởng và lương cho công nhân cao hơn, Foxconn nhấn mạnh cam kết trong việc tiếp tục lắp ráp iPhone tại thành phố Trịnh Châu - Ảnh: Shutterstock

Apple loại 8 và thêm 5 nhà cung cấp Trung Quốc

Apple đã thêm 5 nhà cung cấp mới tại Trung Quốc nhưng loại bỏ 8 nhà cung cấp ở nước này trong năm tài chính gần nhất kết thúc vào tháng 9.2022. Quyết định này được đưa ra sau khi việc kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc gây gián đoạn cho sản xuất iPhone trong mùa lễ cuối năm 2022.

Trên toàn cầu, Apple đã thêm 18 nhà cung cấp mới trong khi cắt giảm 19 nhà cung cấp, dẫn đến sự điều chỉnh nhỏ trong chuỗi cung ứng của hãng và giúp Ấn Độ hưởng lợi.

Số lượng địa điểm sản xuất của Apple tại Ấn Độ đã tăng lên 14 vào năm 2022 so với 11 hồi năm 2021, báo hiệu sự mở rộng nhanh chóng của công ty Mỹ tại quốc gia Nam Á. Apple cũng mở hai cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở Ấn Độ trong năm nay.

Tại Trung Quốc, 5 nhà cung cấp mới của Apple gồm hai công ty gia công kim loại Cathay Tat Ming và Bichamp Cutting Technology, Zhuhai CosMX Battery Co (sản xuất và kinh doanh pin lithium-ion polymer mềm dành cho người tiêu dùng), Sunny Optical Technology (cung cấp ống kính góc rộng cao cấp lớn nhất cho dòng iPhone 14) và Shenzhen Forceblack Technology (sản xuất thiết bị điện tử).

8 nhà cung cấp Trung Quốc bị Apple loại bỏ gồm CTM Holdings Limited, Future Hi Tech Company Limited, Paishing Technology Company, Shenzhen Fortunta Technology Company Limited, Trio Metal Company Limited, Zhenghe Group, Tianma Micro-Electronics (Hong Kong) Limited và Consumer HK Holdco II Limited.

Danh sách nhà cung cấp mới nhất cho Apple chiếm 98% chi tiêu trực tiếp của công ty Mỹ về nguyên vật liệu, sản xuất và lắp ráp trên toàn thế giới. Chuỗi cung ứng của Apple được theo dõi chặt chẽ vì những thay đổi sẽ ảnh hưởng đến vai trò của Trung Quốc trong sản xuất toàn cầu.

Phần lớn hoạt động sản xuất của Apple vẫn được tiến hành tại Trung Quốc, nơi có 151 nhà cung cấp hàng đầu trong tổng số 188 được công bố, so với con số 150 vào năm 2021. Tuy nhiên, chi phí lao động tăng cao cùng căng thẳng địa chính trị với Mỹ và ba năm hạn chế do đại dịch mới chỉ kết thúc vào 2023 đã thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch sản xuất nhiều hơn sang các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam.

Tháng 11.2022, cuộc di cư của hàng chục công nhân do sự kiểm soát dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc và những lời phàn nàn về tiền trợ cấp làm xáo trộn nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, dẫn đến việc giao các mẫu iPhone 14 chậm trễ trong mùa mua sắm lễ Giáng sinh. Sau đó, Apple giảm bớt sự phụ thuộc sản xuất iPhone tại Trung Quốc.

Apple cũng đang đa dạng hóa hoạt động sản xuất iPhone sau khi trở nên cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào Foxconn.

Luxshare Precision (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) và Pegatron (Đài Loan) đều nhận được đơn đặt hàng sản xuất dòng iPhone 15, bao gồm cả các mẫu cao cấp. Điều này đánh dấu lần đầu tiên Apple sử dụng ba nhà cung cấp để sản xuất mẫu iPhone cao cấp nhất, theo tờ Economic Daily News (Đài Loan).

Eddie Han, nhà phân tích cấp cao tại hãng Isaiah Research, nói rằng: “Apple nên cố gắng đạt được sự cân bằng trong chuỗi cung ứng thay vì giảm hoặc tăng nhà cung cấp từ bất kỳ khu vực cụ thể nào. Cân bằng chuỗi cung ứng của mình sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho Apple”.

Bài liên quan
'BOE vượt Samsung về đơn đặt hàng làm màn hình iPhone 15 và 15 Plus'
Theo nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo của hãng TF International Securities, Apple đã đặt hàng với BOE cung cấp màn hình cho iPhone 15 và ‌iPhone 15‌ Plus trong nửa cuối năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhân mới ở nhà máy iPhone lớn nhất được tăng lương, thưởng trước mùa sản xuất iPhone 15