Đài Loan cho biết sẽ không sợ mối đe dọa từ các quan chức côn đồ Trung Quốc và tiếp tục kỷ niệm ngày Song thập (10.10) của mình trên toàn thế giới.
Ngày 8.10 vừa qua, Văn phòng thương mại của Đài Loan tại Fiji (đảo quốc châu Đại Dương) chiêu đãi khoảng 100 vị khách quý tại khách sạn Grand Pacific sang trọng ở thủ đô Suva nhân kỷ niệm ngày Song thập (10.10).
Song thập là ngày kỷ niệm xảy ra Cách mạng Tân Hợi năm 1911, mang ý nghĩa quan trọng với Đài Loan.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan cáo buộc hai quan chức Trung Quốc bắt đầu chụp ảnh và cố gắng thu thập thông tin về các vị khách. Nhân viên ngoại giao Đài Loan yêu cầu họ rời đi đã bị hành hung dẫn đến chấn thương ở vùng đầu và phải vào bệnh viện điều trị.
Sau đó, người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Loan, bà Âu Giang An lên tiếng: "Chúng tôi kịch liệt lên án hành động của các nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Fiji vì vi phạm nghiêm trọng pháp quyền và chuẩn mực ứng xử ngoại giao văn minh".
Trong khi Trung Quốc lại đưa ra giải thích khác về vụ việc. Đại sứ quán của Trung Quốc ở Fiji cho biết nhân viên họ đã ở "khu vực công cộng bên ngoài địa điểm tổ chức sự kiện" để thực hiện "nhiệm vụ chính thức" và cáo buộc các quan chức Đài Loan đã có hành động "khiêu khích" và gây "thương tích lẫn thiệt hại cho một nhân viên ngoại giao Trung Quốc".
Fiji là đồng minh thân thiết của Trung Quốc và là đảo quốc Thái Bình Dương đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1975. Hiện Đài Loan vẫn giữ được quan hệ ngoại giao chính thức với 4 quốc gia tại khu vực này là Nauru, Palau, Quần đảo Marshall và Tuvalu, không bao gồm Fiji.
Phát biểu tại Đài Bắc hôm nay, bà Âu Giang An cho biết Đài Loan “yêu chuộng hòa bình", đã mời mọi người tham dự các sự kiện trên khắp thế giới nhân ngày Song thập.
“Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các buổi chiêu đãi. Điều này sẽ không thay đổi", bà nói.
Theo Reuters, bà Âu Giang An nói Trung Quốc có thể phát tán bao nhiêu lời nói dối tùy thích nhưng Đài Loan không nên quá chú ý. “Thực tế là năm nay chúng tôi có 108 văn phòng tổ chức các sự kiện Song thập theo những cách khác nhau, mời cả thế giới tham gia sinh nhật của chúng tôi”.
Người đứng đầu nhánh hành pháp của Đài Loan - ông Tô Trinh Xương nói thế giới cần xem những gì Trung Quốc làm và cho rằng đó là "hành động côn đồ".
“Các quan chức của Trung Quốc ở nước ngoài đang hành động như những kẻ côn đồ; đánh người là không thể chấp nhận được. Chúng tôi kiên quyết lên án điều này”, ông Tô Trinh Xương nói với các phóng viên.
Ông Tô Trinh Xương cho biết thêm, vấn đề khó giải quyết vì các nhà ngoại giao Trung Quốc ở đó có quyền miễn trừ ngoại giao nhưng “chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế với các bằng chứng liên quan”.
Miễn trừ ngoại giao là hình thức miễn trừ pháp lý chiếu theo quy ước ngoại giao giữa hai chính phủ. Quyền này bảo đảm cho các nhà ngoại giao được đi lại tự do, không bị chi phối bởi hình sự tố tụng hay truy tố địa phương của nước chủ nhà.
Bộ ngoại giao của Fiji vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ việc, mặc dù bà Âu Giang An cho biết chính phủ nước này đã cố gắng hòa giải để giải quyết vấn đề.