Phiên giao dịch đầu ngày 25.2 ghi nhận giá dầu tăng gần 2 USD/thùng khi xung đột quân sự Nga - Ukraine đang tiếp diễn, làm dấy lên lo ngại nguồn cung toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Giá dầu Brent toàn cầu tăng 1,99 USD (tương đương 2%) lên 101,07 USD/thùng, giá dầu WTI (thị trường Mỹ) cũng tăng 1,89 USD lên 94,70 USD/thùng.
Ở biến động Nga sáp nhập Crimea năm 2014, giá dầu từng vượt qua mức 100 USD/thùng, đặc biệt dầu Brent từng chạm mốc 105 USD/thùng.
Tình hình hiện tại tồi tệ không kém. Quân đội Nga tiến hành tấn công trên bộ, trên biển lẫn trên không, khiến hàng nghìn người phải từ bỏ nhà cửa sơ tán. Phương Tây ban hành loạt trừng phạt mới cứng rắn hơn.
Nhà phân tích Vivek Dhar thuộc ngân hàng Commonwealth cảnh báo: “Thị trường dầu mỏ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc về nguồn cung do kho dự trữ dầu toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong 7 năm qua”.
Năng suất dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng một số đối tác (nhóm OPEC+) đã bị nghi ngờ vì tăng trưởng nguồn cung đáng thất vọng do nhiều vấn đề trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất. Theo khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện, sản lượng tháng 1 của các thành viên OPEC thấp hơn mức tăng kế hoạch theo thỏa thuận với các đối tác.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ giải phóng kho dự trữ chiến lược để hạ giá dầu, nhà phân tích Dhar lưu ý rằng làm vậy chỉ có tác dụng tạm thời.
Bộ trưởng Dầu khí Nigeria tuyên bố OPEC+ không cần tăng sản lượng như kế hoạch vì thỏa thuận tiềm năng giữa Iran và các cường quốc trên thế giới sẽ làm tăng nguồn cung.
Mỹ - Iran đang tiến hành đàm phán gián tiếp tại Vienna. Trong số nội dung đàm phán có một thỏa thuận có thể dẫn đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với hoạt động bán dầu của Iran và tăng nguồn cung toàn cầu. Giới chức Iran ngày 24.2 cho biết đàm phán đã đưa ra quyết định với một số vấn đề quan trọng.