Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc đến năm 2019 là 64.658 tấn/ngày, tăng 46% so với năm 2010.

Hơn 64.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên toàn quốc

Thu Anh | 17/11/2020, 13:00

Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc đến năm 2019 là 64.658 tấn/ngày, tăng 46% so với năm 2010.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2019 về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ số 09/NQ-CP ngày 3.2.2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với 63 tỉnh thành trực thuộc Trung ương tiến hành tổng rà soát, kiểm tra đánh giá thực trạng công tác quản lý chất thải rắn trên toàn quốc, trong đó trọng tâm là chất thải rắn sinh hoạt và hoàn thiện Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia với chủ đề Chất thải rắn sinh hoạt.

Báo cáo thống kê được các nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm hộ gia đình, khu thương mại, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ…), công sở (cơ quan, trường học, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện…), khu công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố…), dịch vụ vệ sinh (quét đường, cắt tỉa cây xanh…), các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất.

ik-1.jpg
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng đáng kể - Ảnh: Internet

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2019, con số này là 64.658 tấn/ngày (khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày), tăng 46% so với năm 2010.

Các địa phương có khối lượng chất thải rắn phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% (trong đó có Hà Nội và TP.HCM phát sinh trên 6.000 tấn/ngày).

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng đáng kể ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao và du lịch như TP.HCM (9.400 tấn/ ngày), Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hoá (2.175 tấn/ngày), Hải Phòng (1.982 tấn/ngày), Bình Dương (2.661 tấn/ngày), Đồng Nai (1.885 tấn/ngày)...

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị phụ thuộc vào quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa của đô thị và đang có xu thế ngày càng tăng. Tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày (13.002.592 tấn/năm), chiếm 55% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của cả nước, trong đó TP.HCM có khối lượng phát sinh lớn nhất cả nước, tiếp đến là Hà Nội.

Chỉ tính riêng 2 đô thị này, tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh tới 12.000 tấn/ngày, chiếm 33,6% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên cả nước. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại 5 đô thị đặc biệt/loại 1 là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ chiếm khoảng 40% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị trong cả nước.

Triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết một số địa phương đã triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Cụ thể, Hà Nội và TP.HCM đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt; đến nay nhiều địa phương trên cả nước cũng đã triển khai thí điểm chương trình này như Hưng Yên (2012 - 2014), Bắc Ninh (2014), Lào Cai (2016), Bình Dương (2017 - 2018), Đồng Nai (2016 - 2018), Đà Nẵng (2017), Hà Tĩnh (2019)...

Năm 2007, TP.Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm). Đây là dự án phân loại chất thải tại nguồn (3R Hà Nội) được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện.

Dự án bước đầu đã đưa khái niệm phân loại, thu gom, xử lý chất thải vào chương trình giáo dục tiểu học tại địa phương trong năm học 2007 - 2008 và nhân rộng mô hình sang các khu vực tiếp theo trên địa bàn (Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ). Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội không được duy trì.

Tại TP.HCM, 69% lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 20% được sử dụng để chế biến compost, 11% áp dụng công nghệ đốt. Để giảm tỷ lệ chôn lấp, TP.HCM đã triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn qua nhiều giai đoạn từ thí điểm một cụm dân cư hoặc một phường trên địa bàn quận, đến nhân rộng trên địa bàn 6 quận giai đoạn 2015 - 2016 và sau đó nhân rộng phạm vi thực hiện trên địa bàn 24 quận/huyện từ năm 2017 đến nay.

Bên cạnh một số quận, huyện triển khai khá tốt công tác, báo cáo cũng thể hiện vẫn có nhiều quận, huyện còn lúng túng trong thực hiện. Để đẩy mạnh công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 24.11.2018 quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM.

Bài liên quan
Ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý chất thải rắn
Xử lý chất thải bằng biện pháp sinh học là bắt chước quá trình phân giải hữu cơ trong tự nhiên: quá trình tự làm sạch. Muốn thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy, ngoài việc tăng cường các điều kiện lên men, cần phải bổ sung các chủng vi sinh vật phù hợp và phân hủy mạnh nguồn các chất cần xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
7 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 64.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên toàn quốc