Sau khi thống trị ở Ấn Độ trong 5 năm, các hãng smartphone Trung Quốc đang dần chứng kiến thị phần của họ bị thu hẹp.

Lý do thị phần các hãng smartphone Trung Quốc ở Ấn Độ bị thu hẹp sau 5 năm thống trị

Sơn Vân | 24/07/2023, 11:01

Sau khi thống trị ở Ấn Độ trong 5 năm, các hãng smartphone Trung Quốc đang dần chứng kiến thị phần của họ bị thu hẹp.

Trong 5 năm qua, các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo chiếm lĩnh khoảng một nửa thị trường smartphone Ấn Độ. Kể từ năm 2017, smartphone nội địa ở Ấn Độ đã mất dần vị thế thống trị trước sự xuất hiện ồ ạt của các công ty Trung Quốc. Đến năm 2018, Xiaomi là công ty hàng đầu ở Ấn Độ, chiếm 29,7% tổng doanh số smartphone, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường IDC.

Giới thiệu các smartphone có giá cạnh tranh, Xiaomi dần dần xây dựng nền tảng vững chắc tại Ấn Độ trong 5 năm qua và gặt hái được nhiều thành công. Chiến lược định giá cạnh tranh, các smartphone đáng "đồng tiền bát gạo" và lượng khách hàng trung thành đã giúp Xiaomi ngày càng phát triển mạnh mẽ trước sự cạnh tranh gay gắt tại quốc gia Nam Á.

Tuy nhiên, theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Canalys, vị trí thương hiệu số 1 tại Ấn Độ của Xiaomi đã kết thúc vào quý 4/2022. “Sau 20 quý, Xiaomi đã đánh mất vị trí dẫn đầu vào quý 4/2022 và rơi xuống vị trí thứ ba với doanh số 5,5 triệu chiếc”, Canalys lưu ý trong báo cáo hàng quý về thị trường smartphone Ấn Độ.

Thế nhưng xét trong cả năm 2022, Xiaomi vẫn là thương hiệu smartphone số 1 tại Ấn Độ. Thị phần của Xiaomi giảm ở Ấn Độ báo hiệu tâm lý chung của người tiêu dùng với smartphone Trung Quốc trong bối cảnh chính phủ đưa ra hàng loạt cáo buộc về bất thường tài chính ở các công ty Trung Quốc. Theo một số chuyên gia thị trường, việc Ấn Độ tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc được thúc đẩy bởi Mỹ.

ly-do-thi-phan-cac-hang-smartphone-trung-quoc-o-an-do-bi-thu-hep-sau-5-nam-thong-tri.jpg
Sau khi thống trị Ấn Độ trong 5 năm, các hãng smartphone Trung Quốc đang dần chứng kiến thị phần của họ bị thu hẹp - Ảnh: Internet

Nhiều người có thể không nhận ra rằng sự xuất hiện của các nhà cung cấp Trung Quốc đã mở rộng thị trường smartphone Ấn Độ, giúp nó phát triển về quy mô và độ phức tạp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất smartphone địa phương. Giờ đây, khi Ấn Độ đã trở thành nước sản xuất ĐTDĐ lớn thứ hai trên thế giới, chính phủ đang gây áp lực pháp lý với các công ty Trung Quốc.

Chính phủ Ấn Độ gần đây nhất đã làm gì?

Ngày 13.6, tờ The Economic Times dẫn các nguồn tin cho biết chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các nhà sản xuất ĐTDĐ Trung Quốc tại nước này, bao gồm Xiaomi, Oppo, Realme và Vivo, bổ nhiệm người địa phương vào các vị trí quan trọng của công ty, như giám đốc điều hành, vận hành, tài chính và kỹ thuật.

Các công ty Trung Quốc cũng được yêu cầu lựa chọn nhà sản xuất theo hợp đồng của Ấn Độ và nhà phân phối địa phương. Động thái diễn ra sau khi Xiaomi nhận được thông báo chính thức về cáo buộc chuyển trái phép hơn 55,5 tỉ rupee (677 triệu USD) cho các tổ chức nước ngoài. Kể từ năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã đóng băng một số tiền tương tự của Xiaomi (chiếm hơn một nửa lợi nhuận ròng 2022 của công ty Trung Quốc).

Theo trang SCMP, Xiaomi giải thích rằng hơn 84% khoản thanh toán là tiền bản quyền được trả cho tập đoàn Qualcomm (Mỹ). Tuy nhiên, các nhà chức trách Ấn Độ đến nay vẫn từ chối giải phóng số tiền này. Ấn Độ hành động như vậy là hệ quả trong mục tiêu nội địa hóa sản xuất smartphone của chính quyền địa phương, bao gồm áp dụng thuế với các linh kiện nhập khẩu, khuyến khích lắp ráp smartphone trong nước, sau đó là sản xuất linh kiện.

Dù chủ nghĩa dân tộc kinh tế không mới với Ấn Độ, việc trừng phạt các công ty Trung Quốc trở nên đặc biệt nghiêm khắc trong những năm gần đây. Điều này có liên quan đến việc quan hệ Trung - Ấn xấu đi và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ, vốn coi Ấn Độ là đồng minh.

Chủ nghĩa dân tộc kinh tế là lý thuyết hoặc hệ tư tưởng liên quan đến việc phát triển và quản lý kinh tế của một quốc gia nhằm đạt được lợi ích tối đa cho người dân trong nước.

Chủ nghĩa dân tộc kinh tế thường tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và trình độ sống của người dân trong nước. Điều này có thể đạt được thông qua các biện pháp như bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, đề xuất các chính sách kinh tế phù hợp với nhu cầu và điều kiện của dân tộc, tăng cường sản xuất trong nước và thúc đẩy doanh nghiệp do người trong nước điều hành.

Các phương thức cụ thể và ưu tiên của chủ nghĩa dân tộc kinh tế có thể khác nhau tùy theo tình hình cụ thể của từng quốc gia cũng như nguyên tắc lý tưởng được tôn trọng bởi các nhà lãnh đạo và triết gia thuộc trường phái này.

“Trừng phạt các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc chỉ là bước đầu tiên”

Trong ý kiến trên trang SCMP, Liu Zongyi, thành viên cấp cao kiêm Tổng thư ký của Trung tâm Nam Á và Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho rằng việc chính phủ Ấn Độ trừng phạt các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc như Xiaomi chỉ là bước đầu tiên.

Ông nói thêm: “Chính sách như vậy có thể sẽ được mở rộng cho các nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như máy tính xách tay, thiết bị gia dụng và các sản phẩm năng lượng mặt trời”.

Theo một bài viết riêng trên Thời báo Hoàn cầu, dù chính phủ Ấn Độ tăng cường nỗ lực thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực sản xuất của nước này, nhưng vẫn cần các công ty Trung Quốc để đạt được mục tiêu trong lĩnh vực ĐTDĐ vào thập kỷ tới. Điều có vẻ chắc chắn là Ấn Độ vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để cấm hoàn toàn smartphone Trung Quốc khỏi thị trường nước này.

Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng CNTT Ấn Độ, nói rằng dù các công ty Ấn Độ có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái điện tử của đất nước, nhưng điều đó không có nghĩa là các thương hiệu nước ngoài nên bị loại trừ để nhường chỗ. Tuy nhiên, điều chắc chắn là chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các công ty Trung Quốc.

Samsung và Apple dẫn đầu thị trường smartphone quý 2/2023, Xiaomi gặp khó ở Trung Quốc và Ấn Độ

Trong quý 2/2023, doanh số smartphone toàn cầu của tất cả các hãng giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 5% so với quý 1/2023.

Theo báo cáo mới nhất từ hãng nghiên cứu Counterpoint Research, Samsung Electronics và Apple tiếp tục thống trị thị trường smartphone toàn cầu trong quý 2/2023, đồng thời dẫn đầu phân khúc ĐTDĐ cao cấp khi ngành này chứng kiến doanh số bán hàng trên toàn thế giới giảm trong quý thứ 8 liên tiếp.

Ngược lại, Xiaomi (nhà cung cấp smartphone số 3 thế giới) đã phải đối mặt với những cơn gió ngược ở hai thị trường lớn nhất của họ là Trung Quốc và Ấn Độ trong quý 2/2023, Counterpoint Research cho biết.

Samsung Electronics đứng đầu doanh số smartphone toàn ngành trong quý 2/2023 với 22% thị phần, nhờ hiệu suất mạnh mẽ của dòng Galaxy A toàn cầu. Tuy nhiên, gã khổng lồ Hàn Quốc đã chứng kiến tổng doanh số bán smartphone trong quý 2/2023 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là công ty có giá trị nhất thế giới, Apple đã ghi nhận thị phần smartphone trong quý 2/2023 cao nhất từ trước đến nay ở mức 17%, theo Counterpoint Research.

Tổng doanh số smartphone toàn cầu của Apple đã giảm 2% trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, sức mạnh của Apple trong phân khúc cao cấp giúp doanh số smartphone ở Ấn Độ tăng trưởng kỷ lục 50% vào quý 2/2023. Ấn Độ là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Hiệu suất bán smartphone mạnh mẽ của Samsung Electronics và Apple đã nhấn mạnh rằng phân khúc cao cấp trên thị trường smartphone toàn cầu (giá từ 600 USD) không bị ảnh hưởng như những mẫu máy giá thấp hơn.

Theo Counterpoint Research, hơn 1/5 smartphone được bán trên toàn cầu trong quý 2/2023 thuộc về phân khúc cao cấp. Đây là phân khúc duy nhất tăng trưởng trong giai đoạn này.

Counterpoint Research nhận định: "Thị trường smartphone toàn cầu dường như đã vượt qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng”. Báo cáo cho thấy người tiêu dùng giữ thiết bị của họ lâu hơn do kinh tế tăng trưởng chậm lại, điều này làm giảm nhu cầu cho các smarthone tầm trung và cấp thấp.

Trong khi đó, Xiaomi (có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc) vẫn giữ vị trí thứ 3 về doanh số smartphone toàn cầu quý 2/2023 với 12% thị phần. Thế nhưng, doanh số smartphone toàn cầu của công ty Trung Quốc giảm 12% trong giai đoạn này.

"Xiaomi đang tìm cách bù đắp sự sụt giảm này bằng việc mở rộng vào các thị trường khác và cập nhật danh mục sản phẩm", Counterpoint Research nêu rõ.

Bài liên quan
Apple giúp hãng Trung Quốc xây dựng dây chuyền ở Ấn Độ để sản xuất iPhone 16 Pro Max
Luxshare Precision có thể ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2023 và 2024 khi Apple giúp công ty Trung Quốc này xây dựng các dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ, đồng thời cung cấp cho họ lắp ráp iPhone 16 Pro Max.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do thị phần các hãng smartphone Trung Quốc ở Ấn Độ bị thu hẹp sau 5 năm thống trị