Tờ The Wall Street Journal cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đẩy mạnh thuyết phục Guinea Xích đạo không cho Trung Quốc lập căn cứ quân sự trên bờ biển Đại Tây Dương của nước này.
Một phái đoàn gồm quan chức ngoại giao và quân sự cấp cao của Mỹ chuẩn bị sang Guinea Xích đạo vào tuần tới bàn về hỗ trợ đối phó cướp biển cũng như thuyết phục Tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Obiang Nguema Mbasogo từ chối Trung Quốc. Dẫn đầu phái đoàn là bà Molly Phee - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi - cùng thiếu tướng Kenneth Ekman thuộc Bộ Chỉ huy châu Phi.
Theo ông Tibor Nagy – người tiền nhiệm của bà Phee: “Chúng tôi thực sự không muốn thấy một căn cứ Trung Quốc ở Đại Tây Dương”.
Năm ngoái, The Wall Street Journal từng dẫn báo cáo tình báo mật tiết lộ Mỹ nhận định Trung Quốc muốn lập một căn cứ quân sự Đại Tây Dương đầu tiên trên lãnh thổ Guinea Xích đạo – nhiều khả năng là thành phố Bata. Tại Bata hiện đã có một thương cảng nước sâu do Trung Quốc xây dựng đủ sức cho tàu hải quân neo đậu.
Đầu tháng 1 qua, người đứng đầu Bộ Chỉ huy châu Phi Stephen Townsend cũng từng nói rằng Trung Quốc đang tính xây dựng một căn cứ không quân hoặc hải quân tại Guinea Xích đạo.
Nhiều công ty Trung Quốc đang nhận thầu xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng trên khắp châu Phi, từ đường cao tốc ở Kenya đến bệnh viện ở Guinea Xích đạo. Giới chuyên gia Trung Quốc cũng nhận định một căn cứ tại Bata phù hợp với mô hình hạ tầng phục vụ cả mục đích chính trị lẫn thương mại – đem lại cho quân đội Trung Quốc một địa điểm tái trang bị trên Đại Tây Dương, đồng thời cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận vùng Trung Phi nội địa thông qua đường cao tốc ở Guinea Xích đạo.
Guinea Xích đạo dường như hiểu rõ giá trị của mình. Tháng 12.2021, Phó tổng thống Teodoro “Teodorin” Nguema Obiang Mangue viết trên Twitter: “Trung Quốc là hình mẫu của một quốc gia thân thiện và đối tác chiến lược, nhưng hiện tại không có thỏa thuận nào cả”.
Tháng 10 năm ngoái từng có quan chức Mỹ cấp cao sang thăm Guinea Xích đạo để tỏ ý phản đối kế hoạch lập căn cứ mà Trung Quốc đang theo đuổi. Tướng Townsend từng phát biểu: “Chúng tôi không yêu cầu Guinea Xích đạo lựa chọn giữa Trung Quốc hay Mỹ. Chúng tôi chỉ mong họ cân nhắc các đối tác quốc tế khác lẫn mối lo ngại của họ, vì một căn cứ quân sự Trung Quốc là mối lo ngại lớn đối với Mỹ cùng các đối tác khác”.
Mỹ lâu nay lên án chính quyền Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo tham nhũng, vi phạm nhân quyền, độc tài. Lo ngại về tham nhũng và vi phạm nhân quyền hạn chế công cụ mà chính quyền Tổng thống Biden có thể sử dụng để thuyết phục quốc gia châu Phi không cho Trung Quốc lập căn cứ quân sự.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ tin rằng họ có thể đạt được tiến bộ bằng cách giúp Guinea Xích đạo bảo vệ vùng biển Vịnh Guinea khỏi cướp biển.
Vùng biển Vịnh Guinea đem lại nguồn thu lớn cho Guinea Xích đạo, từ nhiều mỏ dầu khí ngoài khơi do các công ty năng lượng của Mỹ phát triển. Thế nhưng nạn cướp biển vài năm gần đây đe dọa cả ngành công nghiệp dầu mỏ lẫn giao thông đường biển, dữ liệu hàng hải do hải quân Anh và Pháp thu thập cho thấy trong 2 năm qua đã có đến 54 vụ cướp biển xâm nhập tàu tư nhân hay tàu thương mại, 4 vụ nổ súng.
Đầu tháng qua, tướng Townsend cho biết Mỹ ủng hộ thành lập một đội đặc nhiệm quốc tế chống cướp biển trên Vịnh Guinea – một nỗ lực từng thành công khi triển khai ngoài khơi vùng Sừng châu Phi.