Khoản vay kinh doanh bất động sản tại ngân hàng Agribank có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm ngày 31.1.2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.
Cụ thể, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.
Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31.12.2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31.1.2023 đến hết ngày 31.12.2024.
Đại diện Agribank cho biết, sẽ chủ động làm việc đối với khách hàng kinh doanh bất động sản đã được cấp tín dụng và thường xuyên giám sát về tình hình, tiến độ triển khai dự án, kế hoạch bán hàng, doanh thu, dòng tiền, đánh giá khả năng trả nợ, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của khách hàng và kịp thời có giải pháp tháo gỡ cụ thể như: cho vay bổ sung, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…
Dự kiến trong năm 2023, ngân hàng sẽ tiếp tục dành hơn 100.000 tỉ đồng để cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, giáo dục; giảm lãi suất đối với khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, năm 2022, Agribank đã thực hiện chính sách cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất 2%/năm; chủ động tiết giảm 2.000 tỉ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ gần 2,2 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỉ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Trước đó, tại hội nghị tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại đã thống nhất với nhau sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.
Theo khảo sát, lãi suất huy động cao nhất của nhóm Big 4 chỉ là 7,4%/năm đối với các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 hoặc 60 tháng – mức lãi suất thấp nhất thị trường.
Trong thời gian tới, các ngân hàng lớn - nhiều khả năng - sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động, điều này cũng sẽ tác động giảm lãi suất sang nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần. Một khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng sẽ hạ nhiệt hơn, qua đó sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp và người dân giảm áp lực gánh nặng lãi vay.
Ước tính, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh chiếm khoảng 45% thị phần tín dụng và thị phần huy động vốn toàn hệ thống.
Trong báo cáo phân tích mới đưa ra gần đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng và có thể sẽ giảm trở lại trong năm 2023 do điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn.
Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, BVSC cho rằng, áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. BVSC kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý 2 khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
Sau thông tin các ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất huy động, nhiều khách hàng đã tranh thủ gửi tiết kiệm để được hưởng lãi suất cao.