Do an ninh năng lượng của Nhật Bản bị đe dọa và giá điện tăng cao, Tokyo sẽ sử dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân mới, kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng cũ kỹ.
Các kế hoạch này là một sự thay đổi chính sách, cho thấy tác động tiêu cực từ chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine lên giá năng lượng ở Nhật. Nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á hiện phải nhập khẩu 98% nhiên liệu và đang đối mặt với một mùa đông đầy bất trắc, khi khí hóa lỏng (LNG) tăng giá mạnh, còn quan hệ với Nga - nước cung cấp 9% lượng LNG cho Nhật đã xấu đi nghiêm trọng do cuộc chiến tại Ukraine.
Tại một cuộc họp ngày 24.8 của Hội đồng thực hiện Chuyển đổi xanh, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida chỉ đạo các quan chức chính phủ và chuyên gia năng lượng xem xét các việc nối lại các hoạt động của nhiều nhà máy điện hạt nhân (ĐHN), kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng, khai thác khả năng xây các nhà máy ĐHN thế hệ mới.
Ông Kishida còn chỉ đạo phải lập các kế hoạch vững chắc để có thể tái sử đụng ĐHN trước cuối năm nay, tuyên truyền cho công chúng hiểu rõ giá trị của năng lượng hạt nhân và năng lượng bền vững.
Dân Nhật đã giảm phản đối ĐHN
Đó là một sự thay đổi đáng kể về chính sách của Nhật, 11 năm sau thảm họa ở nhà máy ĐHN Fukushima và nhiều đời chính phủ Nhật đã chọn thái độ cẩn trọng đối với ĐHN, không xây các lò phản ứng mới.
Năng lượng hạt nhân từng bị công chúng Nhật phản đối mạnh mẽ sau thảm họa Fukushima. Đây là một trong những thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới, làm chết 15.000 người.
Nguyên nhân sự cố này là trận động đất mạnh hơn 9 độ richter kéo theo sóng thần tràn vào nhà máy ngày 11.3.2011, gây mất điện ở 3 lõi lò phản ứng, khiến 3 lõi này tan chảy và giải phóng một lượng phóng xạ lớn.
Tuy nhiên, dư luận Nhật cũng đã thay đổi trước tình hình hiện nay: giá nhiên liệu tăng và thời tiết nóng bức. Thăm dò của Yahoo Japan hồi tháng 7 có kết quả 74% số người được hỏi đã nói họ ủng hộ nối lại hoạt động của nhiều lò phản ứng.
Đấy là sự thay đổi lớn về tư tưởng, khác với 80% phản đối ĐHN ngay sau khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần đã dẫn đến vụ rò rỉ phóng xạ ở nhà máy ĐHN Fukhushima.
Vẫn còn những nhóm phản đối ĐHN, vốn cho rằng vẫn còn những lựa chọn an toàn hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Nhật.
Theo báo Đức Deutsche Welle, hiện 10/54 lò phản ứng -từng hoạt động trước khi xảy ra thảm họa Fukushima - đã hoạt động trở lại, sau khi chúng đã trải qua những lần kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn cùng khả năng chống động đất.
Chính phủ Nhật đang hy vọng sẽ có thêm 7 lò phản ứng được phục hồi và hoạt động từ mùa hè 2023, hy vọng các nhà máy ĐHN sẽ đáp ứng khooảng 20% nhu cầu năng lượng của đất nước kể từ năm 2030.
Các chuyên gia cũng đang xem xét khả năng nâng thời hạn sử dụng lò phản ứng hiện nay từ 40 năm, vài lò đang nhanh đạt đến giới hạn này, lên 60 năm.
Hisanori Nei, Giáo sư Khoa Năng lượng, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng sự thay đổi chính sách ĐHN của chính phủ Nhật “chẳng có gì đáng ngạc nhiên”.
Ông giải thích, trước cuộc bầu cử hạ viện hồi tháng 7, chính phủ Nhật không muốn công bố kế hoạch này vì sợ đụng phải phản ứng dữ dội, nhưng ông Kishida đã thắng cử và nay có 3 năm để làm việc trước khi có cuộc bầu cử kế tiếp.
Các lò phản ứng module cỡ nhỏ là đáp án
Giáo sư Nei còn nói chính phủ Nhật chọn cách tái sử dụng các lò phản ứng bởi chiến tranh ở Ukraine đã làm tăng giá điện, mà Nhật lại không có nguồn tài nguyên năng lượng trong nước nên dựa cậy mạnh vào nguồn nhập khẩu.
Chính phủ của Thủ tướng Kishida nhận định có giải pháp đáng hứa hẹn là lò phản ứng module cỡ nhỏ (SMR).
Công nghệ mới này cung cấp nguồn năng lượng sạch và rẻ hơn khi xây, khiến ĐHN trở nên rẻ hơn, dễ lắp đặt và vận hành an toàn hơn, không gây ra một cuộc khủng hoảng lớn nếu xảy ra tai nạn.
Mấu chốt lợi thế của lò phản ứng SMR là kích thước nhỏ và thiết kế dạng module. Thay vì xây lò phản ứng tại chỗ và điều chỉnh phù hợp với địa điểm, người ta có thể sản xuất hàng loạt SMR và sau đó vận chuyển khắp thế giới để lắp đặt tương đối nhanh và dễ dàng. SMR có sản lượng 300.000 kilowatt thay vì 1 triệu kw của một lò phản ứng thông thường.
Chính phủ Nhật đang xem xét triển khai nhiều SMR để đáp ứng nhu cầu năng lượng của từng tỉnh thành. Nhật ngày 26.8 đã tuyên bố đạt được thỏa thuận với Mỹ và 9 quốc gia khác để hợp tác phát triển công nghệ SMR.
Rủi ro tái diễn những thảm họa Fukushima
Nhưng quyết định tái sử dụng ĐHN của chính phủ Kishida “không đem lại hiệu quả tích cực nào”, theo nhà hoạt động Aileen Mioko-Smith của tổ chức Nhật Bản Hành động xanh. Bà nói "mỗi lò phản ứng mà họ muốn tái hoạt động hoặc kéo dài tuổi thọ đều có tiềm năng trở thành một thảm họa Fukushima khác. Họ nói đã rút bài học và công nghệ SMR an toàn, nhưng họ không thể bảo đảm điều họ nói”.
Bà Mioko-Smith nhấn mạnh: “Vượt trên các vấn đề an toàn, đây chỉ là một chính sách năng lượng tệ. Phát triển các lò phản ứng mới sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Rồi quy trình phê chuẩn mất thêm một thời gian nữa, rồi họ cần có sự ủng hộ của người dân sống trong khu vực có các nhà máy ĐHN mới. Chúng tôi làm gì có nhiều thời gian để trông vào các công nghệ mới vốn có thể mất cả 10 năm mới có thể bắt đầu hoạt động nhưng cũng có thể không hề đạt hiệu quả”.
Bà cho rằng cần có sự thay đổi mô hình để trở nên hiệu quả hơn và tiết kiệm năng lượng hơn, không lãng phí sản xuất. Cách nhiệt hiệu quả hơn cho các tòa nhà là một biện pháp đơn giản, đồng thời nhiệt thải từ các quy trình công nghiệp cũng nên được thu hồi và tái sử dụng.
Bà Mioko-Smith nói: “Sau vụ Fukushima, khi tất cả các lò phản ứng ngừng hoạt động và có một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự ở Nhật Bản, công chúng đã phản ứng tích cực. Họ đã giảm đáng kể lượng điện năng sử dụng và ý thức rất rõ về việc không lãng phí tài nguyên. Tôi nghĩ không có lý do gì mà công chúng lại không phản hồi lại theo cách giống hệt như vậy, nếu họ được yêu cầu".
Thông điệp tuân thủ giảm thải phát khí carbon của Nhật
Tuy nhiên, Giáo sư Nei nhận định rằng rõ ràng đang có một sự phục sinh của ĐHN: “Các diễn biến ở Ukraine đã cho thế giới, trong đó có Nhật, thấy tầm quan trọng về an ninh năng lượng của một quốc gia. Chính phủ Nhật sẽ tiếp tục đề cập tầm quan trọng này cho người dân vốn đã bị sốc vì giá xăng tăng và giá điện tăng”.
Ông còn nói: “Một thông điệp khác mà chính phủ Nhật sẽ phát đi, là Nhật phải tuân thủ cam kết giảm đáng kể thải phát khí carbon kể từ năm 2050, nếu muốn được đánh giá chính xác là một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, và ĐHN là cần thiết để đạt mục tiêu ấy”.
Gíao sư Nei kết luận: “Chúng tôi đã biết cách tái thiết, phục hồi và bảo đảm an toàn. Bây giờ chúng tôi cần đưa những bài học này vào thực tiễn, để Nhật trở thành nhà sản xuất hàng đầu về công nghệ hạt nhân mới và để bảo vệ nguồn cung năng lượng của chúng tôi”.