Bức tranh tài chính ngành ngân hàng 2023 đang dần lộ diện. Nhiều nhà băng có tăng trưởng lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là gánh nặng, bào mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Nợ xấu vẫn là gánh nặng, bào mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng

Tuyết Nhung 03/02/2024 09:08

Bức tranh tài chính ngành ngân hàng 2023 đang dần lộ diện. Nhiều nhà băng có tăng trưởng lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là gánh nặng, bào mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng.

no-xau.jpg
Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh năm 2023 - Ảnh: Minh họa

Nợ xấu ngân hàng được phân loại theo tiêu chí thời gian quá hạn trả. Nợ xấu gồm các khoản nợ quá hạn trên 3 tháng trở lên tương ứng với 3 nhóm: 3, 4 và 5 (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn).

Theo báo cáo tài chính ở một số nhà băng đã công bố cho thấy nợ nhóm 3, 4 giảm nhưng nhóm 5 lại tăng mạnh. Đáng chú ý, một số ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp cũng ghi nhận nợ xấu tăng đều cả 3 nhóm.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho biết năm 2023, nợ xấu tăng gần gấp đôi về giá trị tuyệt đối, từ mức 3.032 tỉ đồng lên mức gần 6.000 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng tương ứng từ mức 0,74% lên 1,19%. Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh từ 691 tỉ đồng quý 4/2022 lên 1.634 tỉ đồng quý 4/2023. Tính chung cả năm, ngân hàng này đã phải dành ra 3.921 tỉ đồng để dự phòng rủi ro, tăng hơn gấp đôi so với con số 1.936 tỉ đồng năm 2022.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), tổng nợ xấu tại ngày 31.12.2023 là hơn 4.200 tỉ đồng, gấp 3 lần đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 0,84% đầu năm lên 2,05%. Ngân hàng đã phải dùng tới 1.970 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 4, gấp 17 lần cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 1.855 tỉ đồng. Lũy kế cả năm, ngân hàng này đã phải trích lập 3.946 tỉ đồng, gấp 2,1 lần năm trước.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) ghi nhận tính đến cuối năm 2023, tổng nợ xấu của ngân hàng này ở mức 4.280 tỉ đồng, cao gấp đôi đầu năm.

Đến cuối năm 2023, tổng nợ xấu Ngân hàng Bản Việt (BVBank) 1.913 tỉ đồng, tăng 35% sau một năm. Trong đó, nhóm có khả năng mất vốn vượt nghìn tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của BVBank cũng tăng từ mức 2,79% lên 3,31%.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (Bac A Bank), báo cáo tài chính cho thấy tổng nợ xấu cuối năm 2023 của Bac A Bank đạt gần 914 tỉ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2022. Đến hết năm 2023, tổng nợ xấu của PGBank là 904 tỉ đồng, cũng tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều tăng, bù lại nợ có khả năng mất vốn lại giảm. Kết quả, tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng là 2,55%.

Đối với nhóm ngân hàng Big4, tại cuộc họp tổng kết cuối năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, kết thúc năm vừa qua, chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỉ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỉ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng 0,68%. Vietcombank duy trì 6 năm liên tiếp ghi nhận tỉ lệ nợ xấu ở dưới 1% tại thời điểm cuối năm.

Theo báo cáo, quy mô nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của Vietcombank đã đạt con số rất lớn, dù so với các ngân hàng thương mại khác đây là con số nhỏ nhưng so sánh biến động qua các thời kỳ của Vietcombank thì con số nợ xấu năm 2023 là con số lớn nhất trong các thời kỳ.

Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh trong quý 4/2023, thậm chí còn xuống mức thấp hơn cuối năm 2022. Ngân hàng này cho biết, tỉ lệ nợ xấu cuối năm 2023 chỉ còn 1,12%. Trong khi trước đó, tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của VietinBank cuối năm 2022 là 1,24%.

Tương tự tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỉ lệ nợ xấu cũng có chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 12.2023, tỉ lệ nợ xấu chỉ còn 1,1%. Hết năm 2023, Agribank duy trì tỉ lệ nợ xấu dưới mức 2%, theo báo cáo của ngân hàng này.

Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng đi lên buộc các nhà băng phải tăng trích dự phòng rủi ro. Điều này đã tác động lên kết quả kinh doanh và ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng.

Có thể thấy, chi phí trích lập dự phòng của ngành ngân hàng gia tăng trong quý 4/2023 và cả năm 2023 là do áp lực nợ xấu tăng. Việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ sẽ bảo đảm xử lý các khoản nợ xấu tốt hơn. Điều này cho thấy các ngân hàng đã chủ động sử dụng nguồn lực nhằm bao phủ nợ xấu, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức quy định, đồng thời giảm áp lực dự phòng cho các năm tới, giảm tác động của nợ xấu trong tương lai.

Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc dừng hiệu lực Thông tư 02 vào tháng 6.2024 sẽ khiến áp lực nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh. "Khi Thông tư 02 hết hiệu lực thì các khoản nợ đang được cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại nợ và có thể nợ xấu xuất hiện nhiều hơn. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải xuất quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu, lợi nhuận ngân hàng vì thế cũng sẽ bị bào mòn", ông Thịnh cho hay

Do vậy, vị chuyên này dự báo nợ xấu sẽ có xu hướng tiếp tục tăng trong năm 2024. Trong đó, bất động sản được cảnh báo là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất khi thị trường suy yếu, khiến các khoản nợ của lĩnh vực này có nguy cơ nhảy nhóm thành nợ xấu nhiều nhất.

Chỉ ra nguyên nhân khiến nợ xấu tăng mạnh thời gian qua, ông Thịnh giải thích do trong năm 2023, một số doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh không tốt, nên việc vay nợ, trả nợ gặp khó khăn.

Kể từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được giãn, hoãn nợ, khoanh nợ, không nâng nhóm nợ xấu cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp không trả được nợ, phải khoanh nợ trong tương lai gần như đều sẽ trở thành nợ xấu. Khi các khoản nợ hết thời hạn được hoãn, giãn nợ đều chuyển thành nợ xấu, đẩy nợ xấu tăng lên.

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét các đề nghị gia hạn Thông tư 02.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn tín dụng cho thị trường bất động sản hồi đầu tháng 11.2023, chia sẻ về vấn đề này, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Việc kéo dài sử dụng Thông tư 02, xét về góc độ vĩ mô cần phải cân nhắc hài hoà. Trong ngắn hạn, thông tư rất có hiệu quả, nhưng trong trung và dài hạn, Thông tư 02 sẽ để lại gánh nặng về an toàn, tài chính và an toàn cho các tổ chức tín dụng.

Bài liên quan
Nợ xấu BĐS gia tăng, nhà đầu tư vỡ nợ vì tham lam, lạm dụng đòn bẩy
Nhiều nhà đầu tư vỡ nợ, bị ngân hàng phát mãi do “tham lam", không tính toán, lên phương án tài chính, lạm dụng đòn bẩy tài chính để đầu cơ nhà đất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ xấu vẫn là gánh nặng, bào mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng