Hôm 12.1.2022, Pfizer cho biết có thể kết hợp liều tăng cường vắc xin COVID-19 cùng vắc xin ngừa viêm phổi để tạo ra các đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ và an toàn ở những người từ 65 tuổi trong nghiên cứu giai đoạn cuối.
Được khởi xướng vào tháng 5.2021, nghiên cứu đã thử nghiệm kết hợp vắc xin cộng hợp phế cầu khuẩn thế hệ tiếp theo của Pfizer mang tên PREVNAR 20 với liều thứ ba vắc xin COVID-19 trên 570 người tham gia.
Mục đích nghiên cứu là kiểm tra tính an toàn của sự kết hợp và đáp ứng miễn dịch sau khi bổ sung vắc xin ngừa viêm phổi vào vắc xin COVID-19 hiện có.
Pfizer cho biết các đáp ứng do PREVNAR 20 và liều tăng cường vắc xin COVID-19 tạo ra là tương tự nhau khi được tiêm chung hoặc với giả dược.
Dữ liệu cung cấp bằng chứng hỗ trợ tiềm năng sử dụng PREVNAR 20 với vắc xin COVID-19 của Pfizer cùng lúc, giảm số lần người dân đến hiệu thuốc hoặc gặp bác sĩ để chủng ngừa theo đề nghị.
PREVNAR 20 đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào tháng 6.2020 để giúp bảo vệ người lớn chống lại hầu hết các bệnh do phế cầu khuẩn xâm nhập và bệnh viêm phổi.
Những tình nguyện viên được tuyển chọn từ nghiên cứu vắc xin COVID-19 giai đoạn cuối của Pfizer và những người nhận liều thứ hai vắc xin COVID-19 của hãng dược Mỹ ít nhất 6 tháng trước đó.
Thời gian qua, ở Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, nhiều người đổ xô đi tiêm vắc xin ngừa cúm và viêm phổi vì tin rằng phòng thêm được COVID-19. Điều này dẫn đến tình trạng 2 loại vắc xin này trở nên khan hiếm.
Các chuyên gia cho biết nếu tiêm vắc xin ngừa viêm phổi thì khả năng bội nhiễm phế cầu sẽ giảm đi nếu chẳng may mắc COVID-19, nhất là người lớn tuổi. Nếu tiêm được 2 loại vắc xin này thì tốt nhưng chúng không thay thế được vắc xin COVID-19.
Pfizer và BioNTech phát triển vắc xin phòng bệnh zona công nghệ mRNA
Cách đây 5 ngày, Pfizer và đối tác là công ty công nghệ sinh học BioNTech (Mỹ) cho biết đang cùng nghiên cứu phát triển vắc xin bệnh zona (còn được gọi là giời leo) bằng công nghệ mRNA.
Ông Ugur Sahin, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành BioNTech, nói công ty đang hợp tác với Pfizer để phát triển vắc xin mRNA chống lại bệnh zona dựa vào chuyên môn và nguồn lực của hai bên.
Bệnh zona là bệnh nhiễm trùng da do vi rút thần kinh varicella zoster (vi rút gây bệnh thủy đậu, thuộc họ vi rút herpes) gây ra. Hầu như không nguy hiểm đến tính mạng song bệnh zona có thể khiến cơ thể khó chịu, đau đớn và biến dạng, thậm chí trong một số trường hợp hiếm gặp là liệt mặt, điếc, mù.
BioNTech và Pfizer muốn phát triển loại vắc xin phòng bệnh zona cải tiến có hiệu quả cao và khả năng dung nạp tốt hơn các sản phẩm hiện có.
Theo thông cáo chung, BioNTech và Pfizer tiết lộ đã ký thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa vắc xin phòng bệnh zona, dự kiến tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào nửa cuối 2022.
Công nghệ kháng nguyên do Pfizer phát triển và quy trình mRNA từ BioNTech sẽ được sử dụng trong bào chế vắc xin này. Hai hãng muốn chia sẻ chi phí phát triển cũng như lợi nhuận từ việc bán sản phẩm trong tương lai.
Vắc xin cúm có thể là bước đột phá lớn tiếp theo của mRNA với Pfizer
Nghiên cứu và phát triển vắc xin COVID-19 đã thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm một loại vắc xin phòng cúm mạnh và lâu dài hơn. Các nhà khoa học tại Pfizer và Moderna, hai công ty tạo ra vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA, đang sử dụng cùng một bí quyết đó để phát triển vắc xin phòng cúm.
“Như đã được chứng minh thông qua vắc xin COVID-19, mRNA cung cấp tiềm năng sản xuất vắc xin cúm hiệu lực cao hơn, nhanh hơn so với vắc xin cúm hiện tại. Đại dịch cho phép chúng tôi mang lại cơ hội khoa học to lớn cho mRNA”, theo Pirada Suphaphiphat, Phó chủ tịch nghiên cứu vắc xin tại Pfizer.
Vào năm 2020, số ca mắc bệnh cúm ở Mỹ giảm đáng kể, chủ yếu là do các biện pháp hạn chế về COVID-19. Song khi mùa đông năm nay bắt đầu, các ca nhiễm cúm và nhập viện tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở các bang miền đông và miền trung nước Mỹ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) luôn khuyến cáo tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm là cách tốt nhất để bảo vệ chống lại việc lây nhiễm vi rút và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tiêm phòng cúm trong mùa này thấp hơn so với năm ngoái, có thể do sự chần chừ tiêm vắc xin trong đại dịch COVID-19.
Dù vi rút cúm A H3N2 thường chiếm ưu thế hàng năm ở Bắc Mỹ, vắc xin quadrivalent (phòng 4 biến thể cúm mùa) được thiết kế để bảo vệ chống lại 3 chủng khác có thể gây nhiễm trùng khi vi rút đột biến từ tháng này sang tháng khác.
Song trên thực tế là vắc xin cúm chỉ có hiệu quả từ 40% đến 60% trong việc ngăn ngừa nhiễm vi rút và đôi khi vào cuối mùa cúm chỉ có hiệu quả 10%.
Vắc xin ngừa cúm thông thường được thử nghiệm trong trứng gà hoặc tế bào động vật có vú và mất khoảng 6 tháng để tạo ra hàng triệu liều cần thiết. Ngược lại, việc thiết kế vắc xin cúm dựa trên mRNA chỉ yêu cầu trình tự di truyền của vi rút chiếm ưu thế, điều này giúp đẩy nhanh đáng kể thời gian sản xuất.
Theo báo cáo của Pfizer, tính linh hoạt từ công nghệ mRNA và thời gian sản xuất nhanh chóng của nó có thể cung cấp độ tin cậy cao hơn, cơ hội tiềm năng để cải thiện hiệu quả của vắc xin cúm hiện tại.
“Chúng tôi nghĩ mRNA là công nghệ lý tưởng để thực hiện thách thức này”, Pirada Suphaphiphat cho biết thêm.
Hồi tháng 9.2021, Pfizer đã thông báo bắt đầu thử nghiệm vắc xin phòng cúm mRNA trên người giai đoạn 1 cho người lớn. Việc này đánh dấu chương trình vắc xin phòng cúm dựa trên mRNA đầu tiên của hãng dược Mỹ. Nó là một loại vắc xin quadrivalent giống những sản phẩm được sử dụng cho công chúng ngày nay, nhắm vào 4 biến thể cúm khác nhau.
Hồi tháng 12.2021, Moderna đã công bố dữ liệu tạm thời đầu tiên từ một nghiên cứu giai đoạn 1 về ứng cử viên vắc xin cúm quadrivalent có tên mRNA-1010 ở người lớn tuổi và trẻ hơn. Công ty công nghệ sinh học Mỹ cũng thông báo nghiên cứu giai đoạn 2 của mRNA-1010 hiện đã được đăng ký đầy đủ và việc chuẩn bị cho nghiên cứu giai đoạn 3 đang được tiến hành.
Dù đây là thông tin đáng khích lệ, những phát hiện ban đầu cho thấy rằng vắc xin cúm dựa trên mRNA của Moderna không hiệu quả hơn ở người lớn tuổi so với những mũi tiêm đã được phê duyệt trên thị trường, đặc biệt là Fluzone HD của hãng dược Sanofi (Pháp).
Sau thông tin này, cổ phiếu Moderna đã giảm 10%.
Vì thế, Pfizer và Moderna cần có bước tiến dài để cạnh tranh trong thị trường vắc xin cúm vốn có nhiều đối thủ hơn.
Thông thường, các công ty lớn như Pfizer và Moderna thường né tránh nghiên cứu và phát triển giai đoạn đầu về vắc xin cúm, bởi lịch sử thường tạo ra doanh thu khiêm tốn. Thị trường vắc xin cúm toàn cầu được Fortune Business Insights ước tính đạt 6,59 tỉ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên 10,73 tỉ USD vào năm 2028. Theo công ty nghiên cứu thị trường Statista, doanh thu trên toàn thế giới cho toàn ngành dược phẩm là 1,27 ngàn tỉ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, vắc xin COVID-19 hoàn toàn là câu chuyện khác.
Trong khi báo cáo thu nhập quý 3 của mình hồi tháng 11, Pfizer cho biết hy vọng vắc xin COVID-19 sẽ mang lại doanh thu 36 tỉ đô la vào 2021. Cùng lúc đó, Moderna đã hạ dự báo doanh thu vắc xin COVID-19 năm 2021 từ 18 tỉ USD xuống 15 tỉ USD, giảm từ ước tính trước đó là 20 tỉ USD, một phần do các vấn đề sản xuất.
Với số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở Mỹ hiện là hơn 863.000 người và hơn 5,52 triệu trên toàn thế giới, công chúng ít để mắt đến bệnh cúm theo mùa, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5. Tuy nhiên, nó có lịch sử gây chết chóc của riêng mình, với 4 trận đại dịch cúm xảy ra trong thế kỷ qua (1918, 1957, 1968, 2009), cướp đi sinh mạng của ít nhất 1 triệu người mỗi đợt.
Từ năm 2010 đến năm 2020, CDC ước tính rằng bệnh cúm đã gây ra từ 12.000 đến 52.000 ca tử vong hàng năm ở Mỹ, từ 9 triệu đến 41 triệu ca nhiễm trùng. Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng bệnh cúm giết chết từ 290.000 đến 650.000 người mỗi năm.