Sam Altman có kế hoạch sử dụng hàng tỉ USD mà ông đang cố gắng huy động cho một liên doanh chip nhằm thiết lập mạng lưới các nhà máy sản xuất chip AI, trang Bloomberg đưa tin, trích dẫn những người có kiến thức về kế hoạch.
Bloomberg cho biết Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) đã đàm phán với một số nhà đầu tư tiềm năng với hy vọng huy động được số tiền lớn cần thiết cho các nhà máy sản xuất chip (thường được gọi là fab).
Theo báo cáo, dự án sẽ liên quan đến việc hợp tác với những nhà sản xuất chip hàng đầu và mạng lưới các nhà máy sẽ có phạm vi toàn cầu.
Sản xuất chip rất tốn kém và đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, bên cạnh hàng tỉ USD tài trợ. Chi phí đã tăng lên trong những năm qua khi công nghệ sản xuất chip được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tiến bộ.
Tập đoàn G42 (UAE) và SoftBank Group (Nhật Bản) nằm trong số các công ty đã tổ chức thảo luận với Sam Altman, nhưng các cuộc đàm phán vẫn còn trong giai đoạn đầu và danh sách đầy đủ đối tác cùng nhà tài trợ liên quan vẫn chưa được thiết lập.
Theo Bloomberg, các cuộc đàm phán với G42, mà OpenAI hợp tác hồi tháng 10.2023, tập trung vào việc huy động từ 8 tỉ USD đến 10 tỉ USD, nhưng tình trạng hiện tại của các cuộc thảo luận vẫn chưa rõ ràng.
Báo cáo cho biết thêm Intel, TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới), Samsung Electronics (hãng chip nhớ số 1 thế giới) là những đối tác tiềm năng của OpenAI.
OpenAI, SoftBank Group, Intel, TSMC, G42 và Samsung Electronics không trả lời ngay lập tức các câu hỏi của Reuters. Microsoft từ chối bình luận.
Sam Altman bị hội đồng quản trị OpenAI sa thải hôm 17.11.2023 gây chấn động ngành công nghệ, song ông được khôi phục chức vụ giám đốc điều hành chỉ vài ngày sau đó.
Bloomberg cho biết doanh nhân 38 tuổi người Mỹ đã làm việc chăm chỉ trong dự án chip cho đến lúc tạm thời bị sa thải và khi trở lại OpenAI, ông tiếp tục với nỗ lực đó. Sam Altman đã đánh tiếng với Microsoft về kế hoạch này và gã khổng lồ về phần mềm Mỹ tỏ ra quan tâm, báo cáo cho biết thêm.
Tại hội nghị nhà phát triển Ignite hồi tháng 11.2023 ở thành phố Seattle (bang Washington, Mỹ), Microsoft đã giới thiệu hai chip AI được thiết kế tùy chỉnh.
Microsoft cho biết không có kế hoạch bán hai chip này mà thay vào đó sẽ sử dụng chúng để cung cấp sức mạnh cho các dịch vụ phần mềm đăng ký của riêng mình và như một phần của dịch vụ điện toán đám mây Azure.
Tại hội nghị nhà phát triển Ignite, Microsoft đã trình làng chip Maia để tăng tốc các tác vụ điện toán AI và cung cấp nền tảng cho dịch vụ Copilot giá 30 USD/tháng với người dùng phần mềm doanh nghiệp cũng như các nhà phát triển muốn để tạo ra các dịch vụ AI tùy chỉnh.
Chip Maia được thiết kế để chạy các mô hình ngôn ngữ lớn, loại phần mềm AI làm nền tảng cho dịch vụ Azure OpenAI của Microsoft và là sản phẩm hợp tác giữa Microsoft với OpenAI.
OpenAI là công ty khởi nghiệp phát triển ChatGPT, được Microsoft đầu tư hàng tỉ USD.
Microsoft và những gã khổng lồ công nghệ khác, gồm cả Alphabet, đang phải vật lộn với chi phí cao khi cung cấp dịch vụ AI, có thể lớn hơn 10 lần so với các dịch vụ truyền thống như công cụ tìm kiếm.
Các lãnh đạo Microsoft cho biết có kế hoạch giải quyết vấn đề chi phí đó bằng cách thực hiện gần như toàn bộ nỗ lực sâu rộng nhằm đưa AI vào các sản phẩm của công ty thông vào một bộ mô hình AI nền tảng chung. Họ nói rằng chip Maia được tối ưu hóa cho công việc đó.
Scott Guthrie, Phó chủ tịch điều hành nhóm đám mây và AI của Microsoft, nói: “Chúng tôi nghĩ rằng điều này mang lại cho chúng tôi một cách để có thể cung cấp các giải pháp tốt hơn cho khách hàng của mình với tốc độ nhanh hơn, chi phí thấp hơn và chất lượng cao hơn”.
Microsoft tiết lộ vào năm 2024 sẽ cung cấp cho khách hàng Azure các dịch vụ đám mây chạy trên chip hàng đầu mới nhất của Nvidia và AMD. Microsoft đang thử nghiệm mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 của OpenAI trên chip AMD.
Ben Bajarin, Giám đốc điều hành công ty phân tích Creative Strategies, cho biết: “Chip Maia không phải là thứ có thể thay thế Nvidia”. Ông cho biết chip Maia sẽ cho phép Microsoft bán các dịch vụ AI trên đám mây cho đến khi máy tính cá nhân và smartphone đủ mạnh để xử lý chúng.
“Microsoft có một mô hình kinh doanh đặc biệt và thành công với việc cung cấp các dịch vụ mà người dùng sẵn sàng trả chi phí để sử dụng”, Ben Bajarin nhận xét.
Cobalt, chip thứ hai mà Microsoft giới thiệu tại hội nghị nhà phát triển Ignite, được thiết kế vừa để tiết kiệm chi phí nội bộ vừa là câu trả lời cho đối thủ đám mây chính của công ty là Amazon Web Services.
Cobalt là bộ xử lý trung tâm (CPU) được sản xuất theo công nghệ của Arm Holdings. Microsoft tiết lộ rằng đã thử nghiệm Cobalt để hỗ trợ Teams, công cụ nhắn tin doanh nghiệp của mình.
Thế nhưng, Scott Guthrie nói Microsoft cũng muốn bán quyền truy cập trực tiếp vào Cobalt để cạnh tranh với loạt chip nội bộ Graviton do Amazon Web Services cung cấp.
Scott Guthrie cho biết: “Chúng tôi đang thiết kế giải pháp Cobalt của mình để đảm bảo rằng có khả năng cạnh tranh rất cao cả về hiệu suất cũng như giá cả trên hiệu suất (so với chip của Amazon)”.
Microsoft đã đưa ra một số chi tiết kỹ thuật cho phép đánh giá khả năng cạnh tranh của Maia và Cobalt so với các nhà sản xuất chip truyền thống.
Rani Borkar, Phó chủ tịch tập đoàn phụ trách hệ thống phần cứng và cơ sở hạ tầng Azure, cho biết cả hai chip mới đều được sản xuất bằng công nghệ 5 nanomet của TSMC. Rani Borkar nói thêm rằng chip Maia sẽ được kết hợp với mạng cáp Ethernet tiêu chuẩn, thay vì công nghệ mạng Nvidia tùy chỉnh đắt tiền hơn mà Microsoft đã sử dụng trong các siêu máy tính mà hãng xây dựng cho OpenAI. “Bạn sẽ thấy chúng tôi đi theo con đường tiêu chuẩn hóa nhiều hơn”, bà chia sẻ với Reuters.
Trong khi đó, Sam Altman và Jony Ive (nhà thiết kế huyền thoại của Apple) đã tuyển dụng Tang Tan (cựu Giám đốc thiết kế iPhone và Apple Watch tại Apple) để làm việc trên dự án phần cứng AI mới, với mục tiêu tạo ra các thiết bị với khả năng tiên tiến nhất.
Là một phần của nỗ lực này, Tang Tan gia nhập công ty thiết kế LoveFrom của Jony Ive, nơi sẽ định hình hình thức và chức năng của các sản phẩm mới, theo nguồn tin của Bloomberg từ những người am hiểu về vấn đề này.
Sam Altman, doanh nhân đã trở thành biểu tượng của AI hiện đại, có kế hoạch cung cấp nền tảng phần mềm cho LoveFrom.
Công việc nêu trên đánh dấu một trong những nỗ lực đầy tham vọng nhất được Jony Ive thực hiện kể từ khi rời Apple vào năm 2019 để sáng lập LoveFrom. Nhà thiết kế mang tính biểu tượng này nổi tiếng với những sản phẩm mà ông góp phần tạo ra dưới thời Steve Jobs (người đồng sáng lập Apple), bao gồm iMac, iPhone và iPad. Theo nguồn tin Bloomberg, hy vọng của Jony Ive là biến dự án thiết bị AI thành một công ty mới, nhưng việc phát triển sản phẩm vẫn còn ở giai đoạn đầu. Những nỗ lực cho đến nay vẫn tập trung vào việc tuyển dụng nhân tài và tạo ra các ý tưởng.
Nguồn tin cho biết Tang Tan sẽ phụ trách kỹ thuật phần cứng tại dự án trong thời gian làm việc cho LoveFrom. Bloomberg trước đó đã đưa tin Tang Tan đã từ chức Phó chủ tịch phụ trách thiết kế sản phẩm iPhone và Apple Watch. Tang Tan dự kiến sẽ không rời Apple cho đến tháng 2.2024, dù trách nhiệm của ông đã được Apple phân chia trong tháng này.
Sam Altman đã thuyết phục Masayoshi Son, Chủ tịch SoftBank Group, về việc đầu tư hàng tỉ USD vào LoveFrom. Các dự án ở giai đoạn ý tưởng bao gồm các thiết bị dành cho gia đình.