Một nhà làm luật của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền cho biết Trung Quốc “chắc chắn” sẽ trả đũa việc Nhật Bản ủng hộ các hạn chế của chính quyền ông Biden với xuất khẩu chất bán dẫn.
Shigeharu Aoyama, người phục vụ trong Ủy ban Thương mại và Công nghiệp của đảng Dân chủ Tự do ở Nhật Bản, cho biết: “Trung Quốc sẽ quay trở lại với sự trả đũa mạnh mẽ hơn và các công ty Nhật Bản đang kinh doanh tại nước này có thể sẽ bị thiệt hại”.
Ông Shigeharu Aoyama đưa ra bình luận sau khi có thông tin cho biết Hà Lan và Nhật Bản sắp tham gia nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc. Nhật Bản và Hà Lan là nơi tập trung các nhà cung cấp chính thiết bị sản xuất chất bán dẫn, nhưng vẫn chưa rõ những hạn chế của họ sẽ diễn ra dưới hình thức nào.
“Họ nên coi đó là một bước ngoặt và tìm kiếm các thị trường khác”, Shigeharu Aoyama nói thêm, đồng thời cho biết ông ủng hộ việc Nhật Bản tham gia vào các biện pháp này.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Trung Quốc cho rằng nỗ lực từ chính quyền ông Biden cho thấy “lợi ích bá quyền ích kỷ” của Mỹ.
Vào tháng 10.2022, chính quyền Tổng thống Biden đã ban hành các quy tắc mới sâu rộng, gồm cả hạn chế về việc cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất của các công ty Mỹ cho khách hàng Trung Quốc và hạn chế người Mỹ làm việc cho các công ty bán dẫn Trung Quốc. Đây là động thái nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận một số chuyên môn nhất định của Trung Quốc.
Ngoài một số nhà cung cấp thiết bị của Mỹ như Applied Materials Inc, Lam Research Corp và KLA Corp, Tokyo Electron (Nhật Bản) và ASML (Hà Lan) là hai bên tham gia quan trọng cần thiết để các biện pháp trừng phạt Trung Quốc hiệu quả. ASML là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Mới đây, ASML nói với tờ Bloomberg rằng các biện pháp do Mỹ dẫn đầu cũng có thể thúc đẩy Trung Quốc phát triển công nghệ của riêng mình trong máy móc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.
Tháng trước, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đảo ngược các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ áp đặt. Trung Quốc cũng có lịch sử triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế trong bối cảnh tranh chấp chính trị với các nước láng giềng.
Đầu tháng 1, Trung Quốc đã ngừng cấp thị thực cho du khách từ Nhật Bản và du khách ngắn hạn từ Hàn Quốc để trả đũa việc hai quốc gia này yêu cầu xét nghiệm nCoV và đưa ra các hạn chế khác với những người đi du lịch đến từ Trung Quốc.
Năm 2010, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản khi căng thẳng gia tăng về các đảo ở Biển Hoa Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Năm 2017, Trung Quốc cũng cắt giảm đáng kể hoạt động thương mại với Hàn Quốc sau khi Tổng thống thời đó là Moon Jae-in đồng ý tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
ASML dự báo lạc quan về doanh thu ở Trung Quốc dù bị Mỹ kìm kẹp
ASML dự báo doanh thu 2023 sẽ tăng vọt do ngành công nghiệp bán dẫn sẽ có sự tăng tốc trở lại trong nửa cuối năm nay. ASML là một trong những công ty quan trọng nhất thế giới trong chuỗi cung ứng chip. Công ty Hà Lan này sản xuất máy in thạch bản cực tím (EUV) cần thiết để tạo ra những chip tiên tiến nhất thế giới.
Trong quý 4/2022, doanh thu thuần của ASML đã tăng hơn 29% lên 6,4 tỉ euro (7 tỉ USD). Công ty cho biết thông tin này hôm 25.1. Trong cả năm 2022, doanh thu thuần của ASML đạt 21,1 tỉ euro, tăng hơn 13% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, thu nhập ròng cả năm thực tế của ASML đã giảm hơn 4% xuống còn 5,6 tỉ euro.
ASML dự báo doanh thu thuần của họ trong năm 2023 sẽ tăng hơn 25% so với 2022.
“Khi nhìn vào tình trạng của ngành công nghiệp ngày nay, chúng ta không được cách ly khỏi nỗi sợ suy thoái hoặc lạm phát cao hoặc lãi suất cao. Sau đó, chúng tôi thấy tác động của điều này với hoạt động kinh doanh của khách hàng”, Peter Wennink - Giám đốc điều hành ASML nói với đài CNBC.
Máy in thạch bản cực tím của ASML được mua bởi các công ty lớn như Intel và TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở Đài Loan). TSMC sản xuất chip cho các sản phẩm cuối như máy tính xách tay hoặc smartphone.
Peter Wennink nói rằng “tồn kho chip liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng đang tăng lên do nhu cầu với các thiết bị điện tử này không tốt lắm”. Thế nhưng, ông cho biết khách hàng của ASML tin rằng điều này sẽ “chỉ tồn tại trong thời gian ngắn” và do đó sẽ không hủy đơn đặt hàng.
“Hầu hết khách hàng của chúng tôi nói rằng họ mong đợi sự phục hồi trong nửa cuối năm nay. Nếu bạn cân nhắc rằng thời gian hoàn thành trung bình của các công cụ của chúng tôi là một năm rưỡi đến hai năm và khi bạn nhìn vào những dự báo tương đối ngắn của cuộc suy thoái tiềm ẩn thì đương nhiên khách hàng không hủy đơn đặt hàng vì họ có thể thấy mình đứng đợi cuối hàng đợi khi sự phục hồi trở lại”, Peter Wennink nói.
Các công ty như TSMC, Intel đã và đang tăng cường năng lực trên toàn cầu, đặc biệt là khi Mỹ và châu Âu cố gắng đưa hoạt động sản xuất chip về gần quê nhà hơn. Chẳng hạn, TSMC chuẩn bị mở hai nhà máy bán dẫn ở bang Arizona.
ASML trở thành tâm điểm trong cuộc chiến bán dẫn giữa Mỹ - Trung
ASML tạo ra máy in thạch bản cực tím (EUV), cần thiết để tạo ra những chip tiên tiến nhất trên thế giới, chẳng hạn chip do TSMC và Samsung sản xuất, dùng trong các sản phẩm như iPhone của Apple.
Đây là công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất EUV nên bị kéo vào cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ lo lắng rằng nếu ASML vận chuyển EUV đến Trung Quốc, các hãng chip ở nước châu Á này có thể bắt đầu sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến và quân sự rộng rãi.
Kể từ năm 2018, Mỹ đã gây áp lực lên chính phủ Hà Lan để ngăn ASML vận chuyển các EUV đến Trung Quốc. Mỹ đã đưa ra các hạn chế xuất khẩu sâu rộng nhằm cắt đứt Trung Quốc khỏi các thiết bị sản xuất chip và chất bán dẫn quan trọng. Do đó, ASML đã yêu cầu các nhân viên Mỹ ngừng phục vụ khách hàng Trung Quốc.
Trong tháng 1, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tới Mỹ để gặp Tổng thống Joe Biden. Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có đang thúc đẩy lệnh cấm hoàn toàn thiết bị vận chuyển ASML đến Trung Quốc hay không.
Ông Mark Rutte nói với đài CNBC vào tuần trước bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở thị trấn Davos, Thụy Sĩ rằng ông hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết trong “một vài tháng, thậm chí có thể sớm hơn”.
“Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được điều đó theo cách có thể thực hiện một cách thân thiện, kể cả với những quốc gia mà bạn không muốn sử dụng công nghệ cao và hệ thống phòng thủ”, Mark Rutte nói với CNBC.
Hiện tại, ASML có thể vận chuyển các công cụ cũ hơn được gọi là máy in thạch bản tia cực tím sâu (DUV) tới Trung Quốc, nhưng không phải các EUV.
Peter Wennink, Giám đốc điều hành ASML, cho biết Trung Quốc chiếm khoảng 15% doanh số bán hàng của công ty vào năm 2022 và sẽ ở mức tương tự trong 2023.
Cuối cùng, Peter Wennink nói rằng các chính phủ phải giải quyết tình hình. “Không chỉ giữa người Hà Lan và người Mỹ, nó liên quan đến các nước châu Âu khác, liên quan đến các nước châu Á, vì vậy đó là một tình huống phức tạp. Điều này tùy thuộc vào các chính phủ. Tôi chỉ cần làm theo những gì sẽ đến”, Peter Wennink nói.