Cuộc gặp kéo dài 4 giờ giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại Istanbul ngày 29.3 nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine đã kết thúc.

Ukraine bất ngờ muốn Trung Quốc tham gia bảo lãnh hòa bình sau khi đàm phán với Nga

Anh Tú | 30/03/2022, 07:22

Cuộc gặp kéo dài 4 giờ giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại Istanbul ngày 29.3 nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine đã kết thúc.

Theo hãng thông tấn Ukraine, trong một cuộc họp ngắn sau cuộc hội đàm với phái đoàn Nga tại Istanbul hôm 29.3, ông David Arahamiya, thành viên của phái đoàn Ukraine nói: "Về một hệ thống đảm bảo an ninh mới cho Ukraine. Chúng tôi nhấn mạnh rằng đây là một thỏa thuận quốc tế, được ký kết bởi tất cả các bên bảo đảm an ninh, được phê chuẩn, để không lặp lại sai lầm đã từng có trong Bản ghi nhớ Budapest. Chúng tôi muốn nó trở thành một cơ chế quốc tế hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh cụ thể cho Ukraine".

nga-ukr.jpg

Ông Arahamiya nhấn mạnh rằng thỏa thuận, theo đề xuất của Ukraine, sẽ quy định nghĩa vụ của các nước bảo lãnh phải cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong trường hợp bị tấn công, tương tự như Điều 5 của Hiến chương NATO.

"Nhưng cơ chế kích hoạt thậm chí còn nghiêm ngặt hơn, bởi vì không có giới hạn nào về số lượng các cuộc tham gia mà NATO có thể thực hiện. Nghĩa là, nếu có điều gì đó xảy ra, các cuộc tham gia có thể kéo dài một năm. Chúng tôi nói rằng cuộc tham gia phải diễn ra trong vòng ba ngày, ngay cả khi nó là một cuộc chiến xâm lược, nó có thể là một hoạt động quân sự, nó có thể được ngụy trang...”

Đồng thời, ông Arahamiya nhấn mạnh: “Trong vòng ba ngày sau khi tham gia, và sau đó các quốc gia bảo lãnh cam kết cung cấp cho chúng tôi sự hỗ trợ hợp pháp dưới hình thức viện trợ quân sự: lực lượng vũ trang, vũ khí, đóng cửa bầu trời, tất cả những gì chúng ta cần bây giờ và những gì chúng ta không thể nhận được. Đây là đề xuất của chúng tô”.

Ông nói rõ rằng trong số những người bảo lãnh an ninh của Ukraine, trước hết Kyiv nhìn thấy các quốc gia của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đặc biệt là Anh và Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Canada, Ý, Ba Lan và Israel.

"Chúng tôi đang đề xuất tham gia thỏa thuận bảo lãnh một cách tự do - nghĩa là chúng tôi muốn có số lượng bảo lãnh tối thiểu mà chúng tôi chấp nhận, nhưng nếu các quốc gia khác cũng muốn tham gia, chúng tôi sẽ gửi gắm họ quyền hợp pháp như vậy", Arahamiya nói thêm.

Theo hãng thông tấn Ukraine, đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của các khu vực Donetsk và Luhansk, cũng như bán đảo Crimea, các đảm bảo an ninh quốc tế sẽ tạm thời không áp dụng.

Thỏa thuận cũng sẽ quy định rằng tất cả các nước bảo lãnh không những không được từ chối việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu mà còn phải ủng hộ quá trình này.

Arahamiya cho biết: "Chúng tôi đã liên lạc bằng các phương thức liên lạc chính thức với các quốc gia bảo lãnh và chúng tôi nhận thấy sự quan tâm thực sự của nhiều quốc gia trong số họ. Một số quốc gia đã đồng ý trước, nhưng chúng tôi đang chờ thông báo chính thức".

Sau vòng đàm phán ở Istanbul, trưởng phái đoàn Nga, ông Vladimir Medinsky, đã gọi đó là các cuộc đàm phán mang tính xây dựng. Ông lưu ý rằng phía Nga đã nhận được từ Ukraine để xem xét "một quan điểm được công thức rõ ràng để đưa vào thỏa thuận".

"Những đề xuất này sẽ được xem xét trong thời gian tới, trình Tổng thống Liên bang Nga và chúng tôi sẽ cung cấp phản hồi", người đứng đầu phái đoàn cho biết.

Ông cũng nói rằng một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky có thể diễn ra cùng lúc với việc ký kết hiệp ước hòa bình.

Còn theo báo Nga dẫn lời ông Medinsky cho biết sau cuộc gặp, hai bên đã có cuộc thảo luận có ý nghĩa và các đề xuất của Ukraine trong ngày đàm phán đầu tiên sẽ được trình lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo ông, phái đoàn Ukraine đã đưa ra các đề xuất sau bằng văn bản để hai bên cùng thảo luận:

- Nga sẽ không phản đối Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU)

- Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định lấy lại Crimea và vùng Donbass bằng vũ lực quân sự

- Ukraine sẽ không tìm cách sở hữu các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân.

- Ukraine đề xuất một danh sách các nước cung cấp bảo trợ an ninh cho mình, trong đó các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như Đức, Canada, Ba Lan, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu được đảm bảo an ninh, Ukraine sẽ trở thành quốc gia trung lập.

- Đề xuất của Ukraine về đảm bảo an ninh từ cộng đồng quốc tế không bao gồm các vùng lãnh thổ Donbass và Crimea.

- Ukraine sẽ không tham gia các liên minh quân sự hay cho phép đặt các căn cứ quân sự nước ngoài tại nước này.

Các đề xuất cũng sẽ bao gồm thời gian tham vấn giữa hai bên trong 15 năm về tình trạng của bán đảo Crimea, vốn được Nga sáp nhập hồi năm 2014. Các đề xuất này sẽ chỉ có hiệu lực khi Nga và Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn.

Người đứng đầu phái đoàn Nga cũng lưu ý rằng khả năng các tổng thống gặp mặt đã được thảo luận ngay từ đầu, với điều kiện là các nguyên thủ đã sẵn sàng ký thỏa thuận khi hiệp định đã được chuẩn bị.

Báo Nga cũng dẫn lời ông Oleksander Chaly, thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, nói rõ nếu Ukraine cố gắng thực hiện đầy đủ những điều khoản chủ chốt này, nước này sẽ có thể giải quyết thực trạng hiện nay như một quốc gia phi hạt nhân và không thuộc khối nào trong một định dạng trung lập vĩnh viễn. Tuy nhiên, ông Chaly cho biết thêm các cuộc tập trận quân sự sẽ vẫn được phép diễn ra tại Ukraine với các quốc gia “bảo lãnh”.

Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine trong hơn 2 tuần qua. Trước đó, hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus và vòng thứ 4 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ukraine bất ngờ muốn Trung Quốc tham gia bảo lãnh hòa bình sau khi đàm phán với Nga