Mặt hàng thép Việt Nam liên tục dính vào các vụ kiện phòng vệ thương mại khi ngày càng tham gia sâu vào thị trường quốc tế.
Một thống kê gần đây cho thấy, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép, chiếm 1/2 số vụ kiện. 3/4 số vụ kiện chống trợ cấp cũng liên quan đến mặt hàng sắt thép.
Một vụ việc đáng chú ý gần đây là Mexico đã chính thước điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Vụ việc được quốc gia này khởi xướng điều tra từ tháng 10 vừa qua. Đây là vụ kiện phòng vệ thương mại đầu tiên Mexico nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cùng là vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên mà một nước thành viên CPTPP điều tra Việt Nam sau khi hiệp định có hiệu lực.
Nhìn từ vụ việc này có thể thấy việc gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam đang khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra phòng vệ thương mại. Các nước cho rằng thép sản xuất tại Việt Nam thực ra là sản xuất từ nước khác, đang bị đánh thuế cao hơn, hợp thức hóa qua Việt Nam để tránh thuế cao.
Không chỉ Mexico, ngành thép Việt Nam trước đó đã bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Đáng nói, những vụ kiện này hầu hết đều đến từ những thị trường trọng yếu của xuất khẩu thép Việt Nam như: Mỹ, EU, ASEAN, thậm chí cả Liên minh Kinh tế Á - Âu... Trong 2 năm gần đây, mặt hàng thép khi bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ phải chịu mức thuế suất rất cao.
Có thể thấy, thép Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Về nguyên nhân khách quan, thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất nội địa nên các nước đều ra sức bảo hộ hàng hóa của họ. Khi Việt Nam tham gia sâu vào thị trường quốc tế với một loạt FTA song phương, đa phương thì nhiều mặt hàng, trong đó có thép, sẽ có mức thuế về 0% dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình.
Đặc biệt, thép xuất khẩu Việt Nam có giá thành tương đối rẻ, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng chóng mặt, đã làm tăng nguy cơ bị khiếu kiện phòng vệ thương mại. Trong khi khả năng dự đoán, nắm bắt tình hình, xử lý vụ việc của doanh nghiệp còn yếu.
Một nguyên nhân khách quan khác có thể thấy hiện này là xu hướng kiện chùm, kiện "domino". Các nước thường có xu hướng kiện nhiều nước, như các nước có thị phần xuất khẩu lớn vào nước điều tra, hoặc các nước nghi ngờ có sự chuyển tải hàng hóa nhằm lẩn tránh thuế.
Ngoài ra, việc Việt Nam đã bị một nước điều tra có thể dẫn tới hiệu ứng "domino", tức là các nước khác cũng tiếp tục kiện Việt Nam với cùng sản phẩm. Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói rằng: "Những cuộc điều tra phòng vệ thương mại có điểm tiêu cực, như khả năng áp thuế cao, hạn chế khả năng xuất khẩu và có tính lây lan, ví dụ như khi Mexico điều tra có thể khiến các thị trường khác cũng điều tra mặt hàng thép mạ nước ta".
Một lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có mặt hàng thép là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh. Bên cạnh đó, xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại còn từ một số nguyên nhân như: kinh tế suy thoái, tác động của đại dịch COVID-19, xu thế bảo hộ gia tăng tại các thị trường. Đây là những vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp đã lường trước.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận xu hướng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, thì sẽ có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị của mình để mở rộng không gian xuất khẩu nhằm phân tán rủi ro ở một vài thị trường.