Cổ phiếu hầu hết các mega cap (công ty vốn hóa thị trường lớn) toàn cầu tiếp tục trượt dốc trong tháng 10, chịu ảnh hưởng bởi lãi suất ở Mỹ tăng và một số hãng công nghệ hàng đầu có thu nhập quý 3/2023 không như mong đợi.

Vốn hóa nhiều hãng công nghệ lớn giảm khi lãi suất ở Mỹ tăng, Microsoft là ngoại lệ

Sơn Vân | 01/11/2023, 19:00

Cổ phiếu hầu hết các mega cap (công ty vốn hóa thị trường lớn) toàn cầu tiếp tục trượt dốc trong tháng 10, chịu ảnh hưởng bởi lãi suất ở Mỹ tăng và một số hãng công nghệ hàng đầu có thu nhập quý 3/2023 không như mong đợi.

Saudi Arabian Oil Co

Vốn hóa thị trường của Saudi Arabian Oil Co giảm gần 5% xuống 2.100 tỉ USD, do ảnh hưởng bởi xung đột đang diễn ra ở Trung Đông giữa Israel với nhóm Hồi giáo Hamas và giá dầu sụt giảm.

Alphabet và Microsoft

Vốn hóa thị trường của Alphabet (công ty mẹ Google) đã giảm gần 6% xuống còn 1.560 tỉ USD vào cuối tháng 10, do hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của công ty phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm nhất trong 11 quý, chủ yếu do doanh nghiệp giảm chi tiêu cho các dịch vụ liên quan đến đám mây để ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu.

Google từ lâu đã theo sau Amazon và Microsoft trên thị trường điện toán đám mây, trong đó các công ty bán không gian trên máy chủ và phần mềm của họ cho các khách hàng doanh nghiệp.

Lần đầu tiên báo cáo lợi nhuận vào đầu năm nay, Google Cloud đã thu hút hoạt động kinh doanh từ các công ty khởi nghiệp tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, đà tăng trưởng của Google Cloud không như mong đợi trong quý gần đây nhất, gây ra một số lo ngại rằng khoảng cách giữa Google và các đối thủ đang ngày càng gia tăng.

Max Willens, nhà phân tích của hãng Insider Intelligence, bình luận: “Điện toán đám mây là lĩnh vực kinh doanh phức tạp hơn nhiều so với quảng cáo và là lĩnh vực mà Google đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Dù sức hút của nó với các công ty khởi nghiệp AI có thể mang lại kết quả về lâu dài, nhưng hiện tại chưa giúp Google Cloud đủ để làm hài lòng các nhà đầu tư”.

Ruth Porat - Chủ tịch Alphabet nói rằng doanh số bán hàng của Google Cloud đã bị ảnh hưởng do việc cắt giảm chi phí của một số khách hàng.

von-hoa-nhieu-hang-cong-nghe-lon-giam-khi-lai-suat-o-my-tang1.jpg
Hoạt động kinh doanh Google Cloud gặp khó khăn, còn Microsoft Azure thành công trong quý 3/2023 - Ảnh: Internet

Trong khi vốn hóa thị trường của Microsoft đã tăng 7,1% lên 2.500 tỉ USD, nhờ kết quả tài chính quý đầu tiên khả quan ở tất cả phân khúc. Sự tăng trưởng này là nhờ hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của mảng kinh doanh điện toán đám mây và PC, được thúc đẩy bởi sự quan tâm ngày càng tăng từ khách hàng với các dịch vụ trí AI của hãng.

Bob O'Donnell, nhà phân tích chính của hãng TECHnalysis Research, cho biết: “Dù một quý không tạo nên xu hướng lớn, nhưng kết quả hoạt động kinh doanh đám mây trong quý này cho thấy Azure đang giành được thị phần so với đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, có thể thông điệp rất mạnh mẽ của Microsoft về Copilot và công nghệ generative AI (AI tạo sinh) đang khiến các công ty xem xét chúng một cách nghiêm túc hơn".

Microsoft đã nổi lên như một hãng đi đầu về AI, phần lớn là nhờ khoản đầu tư đáng kể vào công ty khởi nghiệp OpenAI, nhà sản xuất chatbot AI ChatGPT.

Microsoft đã tích hợp công nghệ từ OpenAI vào danh mục sản phẩm của mình, từ công cụ tìm kiếm Bing đến bộ phần mềm năng suất làm việc Microsoft 365 và nền tảng mã phần mềm Github.

Alphabet cũng triển khai AI trong hàng chục sản phẩm của mình, chẳng hạn như smartphone Pixel hàng đầu, và gần đây đã thử nghiệm thêm generative AI trong công cụ tìm kiếm của mình. Đầu năm nay, công ty đã ra mắt chatbot AI Bard cạnh tranh với ChatGPT.

Amy Hood, Giám đốc tài chính Microsoft, nói trong một cuộc gọi hội nghị với các nhà phân tích rằng mức độ sử dụng AI cao hơn mong đợi đã giúp tăng 3 điểm % phần trăm cho hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của hãng.

Alphabet đã ưu tiên thu hút các công ty khởi nghiệp AI làm khách hàng cho đơn vị đám mây Google Cloud của mình, trong khi Microsoft dựa vào các mối quan hệ hiện có để thu hút những khách hàng lớn hơn. Chiến lược đó phản ánh qua kết quả, theo Krishna Chintalapalli, nhà quản lý danh mục đầu tư tại hãng Parnassus Investments, cổ đông của Alphabet và Microsoft.

Tại Microsoft, doanh thu từ đơn vị Intelligent Cloud, nơi chứa nền tảng điện toán đám mây Azure, đã tăng lên mức 24,3 tỉ USD trong quý 3/2023, so với ước tính của các nhà phân tích là 23,49 tỉ USD, dữ liệu LSEG (Tập đoàn giao dịch chứng khoán London) cho thấy. Doanh thu từ Azure tăng 29% trong quý 3/2023, cao hơn ước tính tăng trưởng 26,2% từ công ty nghiên cứu thị trường Visible Alpha.

Hãng RBC Capital Markets trước đây ước tính rằng Microsoft sẽ đạt doanh thu hơn 3 tỉ USD từ các dịch vụ generative AI trong năm tài chính này.

Tesla

Vốn hóa thị trường của Tesla đã giảm gần 20% xuống còn 638 tỉ USD vào cuối tháng 10, chủ yếu do tác động của việc tăng lãi suất tại Mỹ lên nhu cầu về ô tô điện. Ngoài ra, Panasonic Holdings, nhà cung cấp chính của Tesla, đã thông báo giảm sản lượng pin ô tô tại Nhật Bản trong quý 3/2023, cho thấy doanh số bán ô tô điện đang sụt giảm trên toàn cầu.

Tesla, hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, gần đây không đạt được kỳ vọng về thu nhập quý 3/2023 của Phố Wall và không đạt được dự báo về số xe giao đến khách hàng của các nhà phân tích.

Nhà phân tích Dan Ives của công ty Wedbush đã hạ mục tiêu giá cổ phiếu Tesla từ 350 USD xuống còn 310 USD và mô tả cuộc họp trực tuyến của công ty này là một “thảm họa nhỏ”.

Nvidia

Vốn hóa thị trường của Nvidia (hãng chip có giá trị nhất thế giới) đã giảm 6,3% xuống còn 1.010 tỉ USD vào cuối tháng 10 do có báo cáo rằng họ có thể buộc phải hủy các đơn đặt hàng chip tiên tiến trị giá tới 5 tỉ USD sang Trung Quốc để tuân thủ các hạn chế mới từ chính phủ Mỹ.

Nvidia đã được thông báo rằng các đơn đặt hàng chip AI dự kiến giao vào năm tới cho các hãng công nghệ lớn Trung Quốc, gồm Alibaba, Tencent Holding, ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và Baidu, phải tuân theo các hạn chế xuất khẩu mới nhất được công bố bởi Bộ Thương mại Mỹ, Wall Street Journal đưa tin, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.

Tencent Holdings, ByteDance, Baidu và Alibaba đã đặt hàng chung khoảng 100.000 chip Nvidia A800 trị giá 1 tỉ USD sẽ được giao trong năm 2023 và thêm 4 tỉ USD GPU sẽ được giao vào năm 2024, tờ Financial Times đưa tin vào tháng 8, trích dẫn các nguồn ẩn danh.

Cổ phiếu Nvidia, vốn là một trong những động lực chính giúp chỉ số Nasdaq tăng 22% trong năm nay, hiện giảm gần 20% so với mức cao kỷ lục 493,55 USD đạt được vào ngày 31.8.

Tom Plumb, Giám đốc điều hành kiêm nhà quản lý danh mục đầu tư chính tại hãng Plumb Funds - cổ đông lớn của Nvidia, nhận xét: “Cổ phiếu Nvidia đang bị bán quá mức. Trước đây, Nvidia nói rằng biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ sẽ không có tác động ngắn hạn nhưng điều này sẽ có tác động lớn hơn về lâu dài. Chúng tôi vẫn mong đợi một quý khá mạnh mẽ của Nvidia và cho rằng đây là khoản nắm giữ dài hạn tuyệt vời, dù sẽ không mua thêm cổ phiếu mới nào vì sự biến động”.

Người phát ngôn Nvidia nói có "nhu cầu cao" với các chip tiên tiến của hãng, thường đòi hỏi thời gian sản xuất đáng kể, và đang nỗ lực phân bổ đơn đặt hàng cho nhiều khách hàng của mình ở Mỹ cùng nơi khác.

Người phát ngôn Nvidia cho hay: “Những biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới này sẽ không có tác động đáng kể trong thời gian tới”.

Hôm 17.10, chính quyền Biden đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới với các lô hàng chip AI tiên tiến do Nvidia và các hãng khác thiết kế sang Trung Quốc. Đây là động thái nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp nhận các công nghệ tiên tiến của Mỹ để tăng cường sức mạnh quân đội.

Các quy định mới đã có hiệu lực vào ngày 23.10, gồm cả biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip AI sang các nước như Iran và Nga.

Thomas Hayes, Chủ tịch của quỹ đầu tư Great Hill Capital ở thành phố New York (Mỹ), nhận xét: “Tôi nghĩ Nvidia được định giá ở mức cao và bất kỳ sự không thuận lợi nào cũng có thể có tác động lớn khi bạn có một cổ phiếu đang giao dịch với mức gấp 20 lần doanh thu và gấp 40 lần lợi nhuận”.

Bài liên quan
Twitter và Meta là hai hãng công nghệ lớn sa thải nhân viên ‘tàn bạo' nhất từ 2022 đến nay
Tình trạng sa thải tiếp tục càn quét ngành công nghệ, với một số công ty mạnh tay cắt giảm phần lớn lực lượng lao động của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vốn hóa nhiều hãng công nghệ lớn giảm khi lãi suất ở Mỹ tăng, Microsoft là ngoại lệ