Đơn vị Apple và Google ở Hàn Quốc nằm trong số 188 công ty bị phạt vì vi phạm Đạo luật về Bảo vệ và sử dụng thông tin vị trí, trang Yonhap News đưa tin chiều 12.6.
Thế giới số

Apple, Google nằm trong số 188 công ty ở Hàn Quốc bị phạt vì vi phạm luật dữ liệu vị trí

Sơn Vân 16:50 12/06/2024

Đơn vị Apple và Google ở Hàn Quốc nằm trong số 188 công ty bị phạt vì vi phạm Đạo luật về Bảo vệ và sử dụng thông tin vị trí, trang Yonhap News đưa tin chiều 12.6.

Đơn vị của Google tại Hàn Quốc nhận yêu cầu nộp phạt 3 triệu won (2.180 USD) vì bị cáo buộc vi phạm điều khoản về tiết lộ chính sách liên quan đến dữ liệu vị trí, theo Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC).

KCC cho biết Apple của Hàn Quốc bị phạt nặng hơn với số tiền đến 210 triệu won vì cáo buộc thu thập dữ liệu vị trí của người dùng mà không có sự đồng ý, đồng thời cũng vi phạm điều khoản về tiết lộ chính sách dữ liệu vị trí và các thứ khác.

KCC đã phạt 188 công ty, gồm cả đơn vị Google và Apple của Hàn Quốc, vì vi phạm Đạo luật Bảo vệ và sử dụng thông tin tị trí.

Biện pháp hành chính này là kết quả của đợt kiểm tra thường xuyên các công ty xử lý dữ liệu vị trí, được thực hiện theo Đạo luật về Bảo vệ và sử dụng thông tin vị trí sửa đổi vào năm 2022.

Kim Hong-il, Chủ tịch KCC, cho biết: “Thông tin vị trí là nguồn tài nguyên quan trọng để cải thiện tiện ích của người dùng và là nền tảng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, chúng tôi cần xem xét công việc bảo vệ quyền riêng tư và an ninh xã hội của cá nhân khi thông tin này bị sử dụng”.

apple-google-nam-trong-so-188-cong-ty-o-han-quoc-bi-phat-vi-vi-pham-luat-du-lieu-vi-tri.jpg
Đơn vị Apple và Google ở Hàn Quốc bị phạt vì vi phạm Đạo luật về Bảo vệ và sử dụng thông tin vị trí - Ảnh: Internet

Gần đây, hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ này nhận án phạt ở một số nơi khác nhau.

Ngày 10.6, Ủy ban Cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ đã xử phạt hành chính Google 482 triệu lira (khoảng 14,88 triệu USD) vì vi phạm lệnh cấm liên quan đến thuật toán tìm kiếm khách sạn.

Theo ủy ban này, Google đã không thực hiện các biện pháp phòng ngừa được đề xuất cho việc tìm kiếm khách sạn, cản trở các công cụ tìm kiếm địa phương cạnh tranh trên nền tảng của mình và làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng.

Quyết định xử phạt hành chính Google được đưa ra sau khi Ủy ban Cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc điều tra về công ty này trong tháng 3 và áp đặt khoản tiền phạt hàng ngày tương đương với mức 0,05% doanh thu của Google trong năm 2023 bắt đầu từ giữa tháng 4 cho đến khi công ty này tuân thủ lệnh cấm trên.

Hồi năm 2020, Ủy ban Cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phạt Google khoảng 26 triệu USD vì cho rằng Google lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình trong lĩnh vực quảng cáo.

Động thái mới nêu trên diễn ra sau quyết định tương tự của khi Ủy ban Cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3, khi ban hành lệnh cấm tạm thời với công ty Meta Platforms vì có nguy cơ lạm dụng ưu thế trên mạng xã hội Threads và Instagram.

Ngày 20.3, cơ quan quản lý cạnh tranh Pháp (ADLC) ra án phạt 250 triệu euro (270 triệu USD) với Google do tranh chấp kéo dài với các nhà xuất bản Pháp vì không đáp ứng những cam kết đưa ra vào tháng 6.2022.

ADLC cho rằng Google đã dùng nội dung của các tòa soạn để huấn luyện chatbot Bard, đã được đổi tên thành Gemini, mà không thông báo cho đối tác.

Trong thỏa thuận trước đó, Google cam kết sẽ "thương lượng một cách thiện chí dựa trên các tiêu chí minh bạch, khách quan và không phân biệt đối xử". Tuy nhiên, ADLC nhận thấy Google không cung cấp tùy chọn "từ chối" dành cho nhà xuất bản khi thương lượng về phí bản quyền.

Sulina Connal, phụ trách quan hệ đối tác tin tức và xuất bản của Google, thông báo rằng công ty chấp nhận đóng phạt nhưng mức này "quá nặng" so với những vi phạm được ADLC ghi nhận.
Sulina Connal tuyên bố Google là nền tảng đầu tiên và duy nhất đã ký thỏa thuận cấp phép quan trọng về các quyền liên quan với 280 nhà xuất bản báo chí Pháp. Googlee đã trả hàng chục triệu euro mỗi năm cho hơn 450 ấn phẩm. Tuy nhiên, khoản tiền phạt ADLC đã thể hiện sự mất cân bằng về những giá trị công ty nhận được từ nội dung tin tức.

Theo trang Guardian, Pháp đã đấu tranh trong nhiều năm để bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản và doanh thu của báo chí trước các nền tảng công nghệ. Google và các công ty khác bị cáo buộc kiếm hàng tỉ USD từ tin tức mà không chia sẻ doanh thu với tòa soạn. Để giải quyết vấn đề, Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng luật bản quyền mới, cho phép các phương tiện truyền thông được quyền yêu cầu bồi thường khi nội dung bị sử dụng.

Pháp là quốc gia thử nghiệm sớm luật này. Sau sự phản đối ban đầu, Google và Facebook đều đồng ý trả tiền cho một số công ty truyền thông Pháp.

Khi tranh cãi giữa các hãng công nghệ với nhà xuất bản chưa đi đến hồi kết, sự bùng nổ của chatbot tiếp tục xoáy sâu vào vấn nạn bản quyền. Năm 2022, cơ quan quản lý của Anh phạt công ty AI Clearview khoảng 9 triệu USD vì thu thập dữ liệu sinh trắc học để nhận dạng khuôn mặt. Án phạt được hủy bỏ một năm sau đó.

Cuối năm 2023, tờ New York Times (Mỹ) cũng kiện OpenAI, cáo buộc công ty vi phạm luật khi dùng nội dung của họ để đào tạo ChatGPT. Đến nay vụ kiện vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Trong khi đó, một số nhà xuất bản như Axel Springer, công ty mẹ của trang Business Insider, đã đạt được thỏa thuận với các công ty như OpenAI về bản quyền.

Đầu tháng 3, Apple đã bị phạt 1,8 tỉ euro (gần 2 tỉ USD) trong vụ kiện chống độc quyền của EU liên quan đến Spotify (dịch vụ phát nhạc trực tuyến Thụy Điển).

Đây là mức phạt đầu tiên mà Apple đối mặt ở EU, xuất phát từ hành động ngăn chặn Spotify và các dịch vụ phát nhạc khác thông báo cho người dùng về các phương thức thanh toán nằm ngoài App Store thuộc công ty Mỹ.

Quyết định này được Ủy ban châu Âu đưa ra sau khi có khiếu nại năm 2019 của Spotify về hạn chế từ Apple và khoản phí 30% trên App Store.

Cơ quan chống độc quyền của EU cho biết các hạn chế từ Apple tạo ra điều kiện giao dịch không công bằng, lập luận khá mới mẻ trong một vụ kiện chống độc quyền, nhưng từng được cơ quan chống độc quyền Hà Lan sử dụng trong một quyết định chống lại Apple vào năm 2021 trong vụ kiện do các nhà cung cấp ứng dụng hẹn hò đưa ra.

Margrethe Vestager, Giám đốc Cơ quan chống độc quyền của EU, tuyên bố: “Trong một thập kỷ, Apple đã lạm dụng vị trí thống trị của mình trên thị trường phân phối các ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông qua App Store. Họ làm như vậy bằng cách hạn chế các nhà phát triển thông báo cho người tiêu dùng về dịch vụ âm nhạc thay thế, rẻ hơn có sẵn bên ngoài hệ sinh thái Apple. Điều này là bất hợp pháp theo quy định chống độc quyền của EU”.

Apple chỉ trích phán quyết của EU và nói rằng sẽ thách thức quyết định này trước tòa.

Apple cho biết trong một tuyên bố: "Quyết định này được đưa ra bất chấp việc Ủy ban châu Âu không phát hiện ra bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về thiệt hại cho người tiêu dùng và bỏ qua thực tế về một thị trường đang phát triển mạnh, cạnh tranh và phát triển nhanh chóng.

Đối tượng ủng hộ chính cho quyết định này và hưởng lợi lớn nhất là Spotify, công ty có trụ sở tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển. Spotify có ứng dụng phát nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới và đã gặp Ủy ban câu Âu hơn 65 lần trong cuộc điều tra này".

Apple nói rằng Spotify không phải trả tiền hoa hồng cho hãng vì bán các gói đăng ký trên trang web của mình chứ không phải trên App Store.

Lệnh của Margrethe Vestager yêu cầu Apple dỡ bỏ các hạn chế trên App Store, lặp lại yêu cầu tương tự theo các quy tắc công nghệ mới của EU được gọi là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) mà công ty Mỹ phải tuân thủ từ ngày 7.3.

Tuy nhiên, mức phạt của Apple chỉ bằng khoảng 1/4 số tiền phạt 8,25 tỉ euro mà cơ quan quản lý EU áp dụng cho Google trong ba vụ kiện ở thập kỷ trước.

Apple đang tìm cách giải quyết một cuộc điều tra chống độc quyền khác ở EU bằng cách đề nghị mở hệ thống thanh toán di động tap-and-go của mình cho các đối thủ.

Đã tìm kiếm phản hồi từ các đối thủ của Apple và người dùng, cơ quan quản lý của EU có khả năng sẽ chấp nhận đề xuất này mà không phạt công ty Mỹ.

Hệ thống tap-and-go là phương thức thanh toán mà người dùng có thể thực hiện bằng cách đơn giản là chạm thiết bị thanh toán của họ lên máy chấp nhận thanh toán không dây. Điều này thường được thực hiện thông qua công nghệ gần trường (NFC).

Thông tin thanh toán sẽ được truyền một cách an toàn và nhanh chóng giữa hai thiết bị. Thông thường, các thẻ thanh toán không dây (ví dụ thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ) hoặc các ứng dụng thanh toán di động có khả năng sử dụng công nghệ NFC để thực hiện giao dịch này.

Hệ thống thanh toán tap-and-go giúp tăng cường sự thuận tiện và tốc độ trong quá trình thanh toán, giảm thời gian mà người dùng phải dành để nhập mã PIN hoặc ký tên. Điều này thường được sử dụng rộng rãi trong các môi trường bán lẻ, nhà hàng và các địa điểm khác nơi mà quá trình thanh toán nhanh chóng và hiệu quả là quan trọng.

Bài liên quan
Tòa bác bỏ cáo buộc của nhiều học khu trong hàng trăm vụ kiện Meta, Google, TikTok, Snap
Meta Platforms và các công ty truyền thông xã hội khác đã thành công trong việc bác bỏ cáo buộc mới trong hàng trăm vụ kiện do nhiều học khu (khu học chánh) đưa ra. Các cáo buộc yêu cầu những công ty trên bồi thường chi phí giải quyết những tác động tiêu cực từ việc học sinh sử dụng mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chia sẻ bí quyết giúp nền giáo dục phổ thông Việt Nam phát triển
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Tại tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Thủ tướng đã chia sẻ về bí quyết giúp Việt Nam có nền giáo dục với giáo dục phổ thông phát triển đạt kết quả cao hơn các nước trong khu vực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple, Google nằm trong số 188 công ty ở Hàn Quốc bị phạt vì vi phạm luật dữ liệu vị trí