SenseTime, công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, cho biết cảnh sát đại lục đang điều tra một người trước đây làm việc cho đơn vị sở hữu trí tuệ (IP) của họ.

Cảnh sát điều tra cựu giám đốc quyền sở hữu trí tuệ của hãng AI hàng đầu Trung Quốc

Sơn Vân | 02/10/2023, 10:00

SenseTime, công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, cho biết cảnh sát đại lục đang điều tra một người trước đây làm việc cho đơn vị sở hữu trí tuệ (IP) của họ.

Một cựu nhân viên của bộ phận Sở hữu Trí tuệ của SenseTime hiện bị Cục Công an điều tra trong một vụ án bị nghi ngờ liên quan đến thương mại”, công ty cho biết trong một tuyên bố gửi tới trang SCMP.

Công ty có trụ sở tại Hồng Kông nói thêm rằng họ duy trì cam kết về hành vi đạo đức và có “chính sách không khoan nhượng với tham nhũng và bất kỳ hình thức hoạt động bất hợp pháp nào” mà không nêu rõ chi tiết.

SenseTime không bình luận về danh tính của người đang bị điều tra. Nghi phạm được mô tả là cựu giám đốc điều hành quyền sở hữu trí tuệ, bị điều tra về các vấn đề tài chính, trong một báo cáo của tờ Shanghai Securities News do nhà nước hậu thuẫn.

canh-sat-dieu-tra-cuu-giam-doc-quyen-so-huu-tri-tue-cua-hang-ai-hang-dau-trung-quoc.jpg
Logo của SenseTime tại văn phòng ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters

Xu Li, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành SenseTime, cho biết khách hàng tiềm năng của công ty gồm các hãng internet như nhà điều hành thương mại điện tử và nhà phát triển game.

Được thành lập vào năm 2014, SenseTime phát triển công nghệ AI sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lái xe tự động đến thực tế tăng cường (AR) và hình ảnh y tế. Đây là nhà cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt AI hàng đầu của Trung Quốc.

SenseTime từng được coi là một trong “bốn con rồng nhỏ” đầy hứa hẹn của Trung Quốc về AI, nhưng đã gặp khó khăn trong kinh doanh kể từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) rất được mong đợi ở Hồng Kông vào tháng 12.2021.

SenseTime từng phải tái khởi động đợt IPO với bản cáo bạch sửa đổi và loại trừ các nhà đầu tư Mỹ, sau khi chính quyền Biden cấm người Mỹ đầu tư vào công ty, cáo buộc rằng công nghệ của họ góp phần vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương (Trung Quốc).

SenseTime đã phản đối những tuyên bố này và cho biết họ tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp ở các quốc gia cùng khu vực có liên quan. Lệnh cấm tuân theo các hạn chế thương mại mà Bộ Thương mại Mỹ đặt ra với SenseTime vào năm 2019 vì vai trò bị cáo buộc của hãng ở Tân Cương. Điều đó ngăn công ty AI hàng đầu Trung Quốc kinh doanh với các công ty Mỹ nếu không có giấy phép.

Trong khi tăng tới 23% khi ra mắt, giá cổ phiếu SenseTime đã giảm gần 75% so với mức đỉnh đến nay, sau khi công ty báo lỗ ròng, do các vấn đề như chi phí phát triển lớn và nhân sự cồng kềnh.

Trong báo cáo tài chính mới nhất, SenseTime báo cáo khoản lỗ ròng 3,1 tỉ nhân dân tệ (432 triệu USD) trong sáu tháng đầu năm 2023.

Một điểm sáng đến vào tháng 8 khi SenseTime là một trong những hãng công nghệ đầu tiên được chính phủ Trung Quốc chấp thuận để mở rộng các dịch vụ AI tương tự ChatGPT ra công chúng.

Ngoài việc kiềm chế việc cung cấp dịch vụ AI, Trung Quốc còn đưa ra các quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Gan Lin, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà nước về Quản lý Thị trường Trung Quốc, nói với truyền thông Trung Quốc vào tháng 4 rằng chính phủ đã đưa ra một số quy định về sở hữu trí tuệ hồi năm 2022 để tối ưu hóa hệ thống pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Gan Lin cho biết các cơ quan quản lý thị trường đã xử lý khoảng 44.000 vụ vi phạm nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ vào năm ngoái, liên quan đến 1,62 tỉ nhân dân tệ. Bà nói thêm rằng các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp đã thực hiện 27.000 vụ truy tố liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tháng 4, SenseTime công bố một loạt sản phẩm mới được trang bị AI bao gồm chatbot SenseChat và trình tạo hình ảnh từ văn bản. SenseTime cho biết các sản phẩm này dựa trên phiên bản mới nhất mô hình ngôn ngữ lớn SenseNova mà công ty đã phát triển trong 5 năm qua.

SenseChat có khả năng trò chuyện với con người, đưa ra lời khuyên cho người dùng, giúp họ làm bài luận, viết email … giống như ChatGPT của OpenAI.

5 công ty Trung Quốc được phép tung sản phẩm cạnh tranh ChatGPT

Cuối tháng 8, năm hãng công nghệ Trung Quốc, trong đó có SenseTime và Baidu, đã phát hành chatbot AI của riêng họ trong nỗ lực để cạnh tranh với ChatGPT. Quyết định được đưa ra sau sự chấp thuận từ chính phủ Trung Quốc.

Baidu, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, cho biết Ernie Bot đã có sẵn để mọi người có thể trải nghiệm.

Chia sẻ với hãng tin Reuters, người phát ngôn SenseTime nói rằng SenseChat cũng đã “có sẵn để phục vụ tất cả người dùng”.

Ba công ty khởi nghiệp khác về AI gồm Baichuan Intelligence Technology, Zhipu AI và MiniMax cũng công bố phát hành chatbot AI tương tự với công chúng hôm 31.8.

Không giống như các quốc gia khác, Trung Quốc yêu cầu các công ty gửi đánh giá bảo mật và nhận được giấy phép trước khi tung ra thị trường đại chúng các sản phẩm AI.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin tổng cộng 11 công ty đã nhận được sự chấp thuận từ chính phủ, gồm cả ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và Tencent Holdings, về việc phát triển sản phẩm AI của họ.

Theo Robin Li - Giám đốc điều hành của Baidu, bằng cách ra mắt Ernie Bot, Baidu sẽ "thu thập lượng lớn phản hồi có giá trị của con người trong thế giới thực" để cải thiện hơn nữa chất lượng của chatbot. Baidu cũng có kế hoạch phát hành một loạt "ứng dụng gốc AI".

Kai Wang, nhà phân tích tại hãng Morningstar, nói: “Tôi nghĩ những công ty được phê duyệt có lợi thế đi đầu để có thể tinh chỉnh sản phẩm của họ nhanh hơn so với các đối thủ cạnh tranh”.

Trước đó, Trung Quốc đã công bố một bộ quy tắc tạm thời nhằm quản lý các sản phẩm AI mang tính sáng tạo cho công chúng, có hiệu lực vào ngày 15.8.

Trước đây, các công ty chỉ được phép tiến hành thử nghiệm công khai quy mô nhỏ các sản phẩm AI, nhưng với các quy định mới, họ đã mở rộng thử nghiệm sản phẩm AI của mình bằng cách kích hoạt nhiều tính năng hơn và tham gia nhiều hoạt động tiếp thị hơn.

Bài liên quan
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ
Ngày 14.11, trong chuyến công tác tại Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kiểm tra công tác của tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ cho Bộ Công an Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh sát điều tra cựu giám đốc quyền sở hữu trí tuệ của hãng AI hàng đầu Trung Quốc