VEPR mới đây đưa ra nhận định rằng, việc cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước gần như không có sự tiến triển trong gần 2 năm qua do khó khăn về định giá tài sản, tâm lý sợ trách nhiệm...

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gần như không tiến triển gần 2 năm qua

29/05/2019, 11:08

VEPR mới đây đưa ra nhận định rằng, việc cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước gần như không có sự tiến triển trong gần 2 năm qua do khó khăn về định giá tài sản, tâm lý sợ trách nhiệm...

VEPR dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng năm 2019 - Ảnh: Internet

Trước khi nhắc đến vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nội dung Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố sáng 29.5 cho biết, ngay trong những tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do động lực từ bên trong và bên ngoài thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế đang yếu dần.

Trong bối cảnh đó, VEPR dự báo 2 kịch bản tăng trưởng. Trong kịch bản thứ nhất, tăng trưởng của nền kinh tế dự báo đạt mức thấp 6,56%, xấp xỉ mục tiêu của Quốc hội đề ra.

Kịch bản này có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi do tác động từ sự gia tăng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.

Ngoài ra, các nước khác cũng muốn chớp cơ hội từ cuộc chiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc nên việc Việt Nam tăng xuất khẩu sang hai thị trường này không phải là điều dễ dàng. Kịch bản thứ hai là khả thi hơn với mức 6,81%, đạt mục tiêu của Quốc hội.

“Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ”, VEPR nêu.

Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chuyển mình trên lĩnh vực thương mại quốc tế. Điều đó được thể hiện trong quý 1/2019 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cao hơn của khối doanh nghiệp FDI.

“Đây là điều khác biệt so với xu thế nhiều năm trước bởi doanh nghiệp FDI luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước”, báo cáo cho hay.

Về mức giá chung, VEPR chỉ ra lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4-5%. Trong kịch bản đầu tiên, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát chỉ đạt mức 4,21%.

Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm ở mức 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội. Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài.

Trong nước, các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn làm gia tăng lạm phát. Tính đến hết tháng 4.2019, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 2,93% và đang trong xu hướng đi lên.

Trong khi đó, mức gia tăng này mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ tác động từ những lần điều chỉnh giá của Chính phủ do có độ trễ. Bên ngoài, giá dầu thô thế giới có thể tiếp tục tăng do những căng thẳng ở Trung Đông leo thang và nguồn cung thế giới được cắt giảm.

Để kiềm chế lạm phát, các cơ quan điều hành sẽ cần phải tiếp tục theo sát diễn biến giá cả trong nửa sau của năm. NHNN cần thận trọng với việc điều tiết cung tiền, lãi suất và tín dụng trong thời gian tới nếu muốn duy trì mức lạm phát không vượt khỏi mức mục tiêu.

Theo VEPR, sức ép nhập siêu thời gian tới sẽ trầm trọng hơn từ Trung Quốc; gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam. Nguy cơ Trung Quốc có thể mượn đường Việt Nam, lách luật để xuất khẩu vòng sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại này cũng sẽ tạo cơ hội tăng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc; hưởng lợi từ những thay đổi trong chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp nước ngoài chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Cũng theo VEPR, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hay việc làm ngày càng phụ thuộc vào khu vực, thậm chí là một vài doanh nghiệp FDI, gây rủi ro lớn về môi trường, tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh với khu vực trong nước.

Cùng với đó, cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước gần như không có sự tiến triển trong gần 2 năm qua do khó khăn trong quá trình định giá tài sản và tâm lý sợ trách nhiệm. Lạm phát bình quân cả năm là 3,54% nhưng trong năm 2019 được dự đoán sẽ trở nên khó kiểm soát hơn do tác động của việc điều chỉnh giá năng lượng.

Lãi suất gần như không có cơ hội giảm trong năm 2019 do áp lực tỷ giá và lạm phát cùng với các quy định nâng cao tính an toàn của hệ thống ngân hàng sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng cao hơn. Việt Nam đang thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài (nếu có) như nhiều quốc gia khác. Nỗi lo tăng thuế phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách và chi trả nợ công của Chính phủ luôn thường trực.

Sự chuyển dịch của dòng FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định CPTPP, EVFTA và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo nhiều cơ hội tăng tăng trưởng của Việt Nam. Do đó, cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội này; đồng thời cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Lam Thanh

Bài liên quan
Chuyên gia khuyên Apple nên tạo ra iPhone cấp thấp giá 250 USD để phục hồi tăng trưởng
Mark Gurman, nhà báo công nghệ nổi tiếng của hãng tin Bloomberg, gợi ý cho Apple cách để phục hồi tăng trưởng mà không cần tạo ra một thiết bị hoàn toàn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gần như không tiến triển gần 2 năm qua