Cuộc tranh tranh giữa những người tìm việc trong độ tuổi 16-24 ngày càng gay gắt, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng như kỳ vọng.

COVID-19 khiến khủng hoảng thất nghiệp ở Trung Quốc gay gắt cỡ nào?

Đan Thuỳ | 01/09/2022, 11:11

Cuộc tranh tranh giữa những người tìm việc trong độ tuổi 16-24 ngày càng gay gắt, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng như kỳ vọng.

David Tong được cha mẹ gửi đến Mỹ và học chơi bóng đá tự do. Anh trở về Trung Quốc trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019.

Ở tuổi 21, sau khi không tìm được việc làm ở Trung Quốc trong lĩnh vực bóng đá, Tong đã xin vào làm trong một phòng tập thể dục với tư cách là một huấn luyện viên thể hình. Song chỉ làm việc được 3 năm, anh bị cho nghỉ việc.

Tong cho biết: "Việc kinh doanh của phòng tập đã đi xuống vì các biện pháp kiểm soát COVID-19. Tôi không ngạc nhiên khi bị sa thải sau khi người quản lý nhiều lần ám chỉ câu lạc bộ phải cắt giảm chi phí hoạt động. Song, khi điều đó xảy ra, tôi vẫn hoàn toàn suy sụp. Tôi không biết phải nói với cha mẹ mình chuyện này như thế nào, có lẽ họ sẽ rất thất vọng". 

Phải mất hàng tuần sau, cha mẹ của Tong mới bình tĩnh trước sự việc xảy ra. Tong cho biết, phần lớn họ được xoa dịu bởi thực tế là nhiều người trẻ trong họ hàng, hàng xóm và con cái của bạn bè cha mẹ anh cũng không có việc làm vì đại dịch COVID-19. Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đã làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. 

"Tôi đã nói với cha mẹ rằng, vấn đề nhiều người mất việc làm đang rất phổ biến. Cuối cùng, họ đã ngừng đổ lỗi cho tôi và gọi tôi là kẻ thất bại. Tôi nói mình sẽ tiếp tục tìm việc nhưng đến giờ tôi vẫn chưa tìm được", Tong chia sẻ. 

Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát tại Trung Quốc đối với những người từ 16 - 24 tuổi, nhiều nhất ở các sinh viên tốt nghiệp trung học và đại học đã tăng mạnh trong năm nay khi quốc gia này tăng cường các biện pháp chống dịch khắc nghiệt. 

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng từ 15,3% trong tháng 1 lên 19,9% vào tháng 7. Điều này có nghĩa là, cứ 6 thanh niên Trung Quốc thì có gần 1 người không có việc làm. Đó là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Bắc Kinh (Trung Quốc) bắt đầu công bố chỉ số thất nghiệp của thanh niên vào tháng 1.2018 ở mức 9,6%. 

anh-chup-man-hinh-2022-09-01-luc-10.45.07.png
Khoảng 10 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc đã tham gia thị trường việc làm trong năm nay - Ảnh: Internet

Đại dịch COVID-19 đã tàn phá các thị trường lao động trẻ trên khắp thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc, số lượng thanh niên trên toàn cầu không thể tìm được việc làm trong năm nay sẽ lên tới 73 triệu, nhiều hơn 6 triệu so với thời kỳ trước đại dịch. 

Cơ quan lao động dự báo, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 14,9% lao động trẻ vẫn đang tìm kiếm cơ hội việc làm vào cuối năm nay.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở Trung Quốc có thể là do các biện pháp kiểm soát COVID-19 khắc nghiệt và số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia thị trường việc làm.

"Các công ty đang gặp khó khăn giữa đại dịch COVID-19 và ít có khả năng tuyển dụng thêm lao động mới. Trong khi đó, sự phục hồi của khu vực dịch vụ, một nguồn cung cấp lớn việc làm cho thanh niên, lại rất chậm", phát ngôn viên Fu Linghui của NBS cho biết hồi đầu tháng.

Trong 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất dịch vụ giảm 0,3% so với một năm trước đó. Các ngành du lịch, khách sạn và ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Ngoài ra, các công ty giáo dục tư nhân và dịch vụ internet đã sa thải nhân viên hoặc cắt giảm tuyển dụng trong bối cảnh chính phủ phát động các cuộc đàn áp toàn ngành.

Trên toàn cầu, những người tìm việc lần đầu, những người bỏ học và những sinh viên mới ra trường với ít kinh nghiệm luôn dễ bị tổn thương trong thị trường việc làm, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.

Tại Liên minh châu Âu năm 2009, thất nghiệp ảnh hưởng nặng nề nhất đến giới trẻ ở Tây Ban Nha, nơi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng lên 37,8%, Hy Lạp (25,8%) và Ý (25,3%) và tăng vọt lên hơn 40% vào năm 2014.

Ở Tây Ban Nha, tỷ lệ lao động dưới 25 tuổi và không có việc làm đạt mức 50% trong các năm 2012, 2013 và 2014, do GDP của nước này giảm gần 9% trong giai đoạn 2009-2013. Do đó, nhiều người Tây Ban Nha, chủ yếu là thanh niên chưa lập gia đình phải đi di cư để tìm việc làm.

Ở Trung Quốc, vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học cao và sự suy thoái kinh tế đang diễn ra trong những năm gần đây. Ở mức cao kỷ lục, có 10 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia thị trường việc làm trong mùa hè này, tăng từ 9,09 triệu người trong năm ngoái. Trong khi đó mức tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ không đạt mục tiêu khoảng 5,5% trong năm nay.

Theo các nhà kinh tế, mặc dù Trung Quốc chưa công bố khoảng thời gian loại bỏ dần các biện pháp chống dịch, nhưng triển vọng việc làm cho lao động trẻ được cho là vẫn khá ảm đạm.

Qian Lan (21 tuổi), tốt nghiệp một trường cao đẳng ở phía đông thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) vào mùa hè năm nay. Trước khi tốt nghiệp, cô đã làm thư ký cho một công ty nội thất trong 6 tháng. Song tháng trước cô đã mất công việc này vì công ty ngừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn. 

Kể từ đó, Qian đã gửi CV của mình đến khoảng 100 nơi. Cho đến nay cô vẫn chưa nhận được tin tức từ bất kỳ một công ty nào. "Mỗi đêm mất ngủ, tôi nhìn chằm chằm vào trần nhà và suy ngẫm về bản thân. 3 năm đại học của tôi bị che phủ bởi COVID-19, nó đã hủy hoại công việc của tôi. Song tôi tự nhủ một ngày nào đó, bằng cách nào đó tôi sẽ tìm được việc làm. Tôi không tuyệt vọng", Qian chia sẻ. 

Zhao Xiaoshan (44 tuổi), một công nhân nhập cư đến từ tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc thì lại cho rằng trường hợp của cậu con trai 18 tuổi của mình là vô vọng. Ông Zhao trở nên khá giả sau 20 năm làm việc trong lĩnh vực trang trí nhà cửa ở Bắc Kinh. Năm ngoái, ông đã đón con trai về quê đoàn tụ sau khi mua một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Bắc Kinh.

"Tôi nghĩ con trai mình nên có một công việc ổn định. Nó không quan tâm đến việc trang trí nhà cửa, vì vậy tôi đã xin cho nó làm việc trong một tiệm làm tóc", ông Zhao nói.

Khi con trai ông Zhao mới là việc được khoảng 2 tháng thì tiệm làm tóc phải tạm ngừng hoạt động do các biện pháp chống dịch. Một tháng sau, các biện pháp được gỡ bỏ song vì tình trạng hoạt động khó khăn, chủ tiệm đã quyết định đóng cửa vĩnh viễn. 

"Giờ đây, con trai tôi dành phần lớn thời gian trên giường để chơi trò chơi điện tử, giống như những ngày chúng tôi bị cách ly tại nhà. Tôi rất lo nếu như nó cứ sống thế này mãi", ông Zhao nói. 

Cụm từ "tang ping" trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc hồi đầu năm 2021. Đó là lối sống thay vì phải làm việc suốt một đời để mua nhà như trước, con người chỉ nên đeo đuổi một cuộc sống bình thường. Nói cách khác là... nằm thẳng cẳng và mặc kệ đời.

Trước sự bi quan ngày càng gia tăng trong giới trẻ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng phản đối và cam kết sẽ tạo ra một môi trường công bằng hơn cho mọi người trong thị trường việc làm. 

1000x-1.jpeg
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao phần lớn là hệ quả của chiến lược 'Zero-COVID' - Ảnh: Internet

Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng thị trường lao động việc làm, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định xã hội. Trung Quốc đã cam kết sẽ tạo ra hơn 11 triệu việc làm ở thành thị trong năm nay và hứa sẽ giữ tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 5,5%. Tỷ lệ này là 5,4% vào cuối tháng trước, theo NBS.

Nước này cũng đang cố gắng khuyến khích sinh viên tốt nghiệp tự khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng thêm sinh viên mới tốt nghiệp.

Lu Feng, một nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết để giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp của thanh niên, Trung Quốc cũng có thể giới thiệu các chương trình làm việc ngắn hạn do chính phủ tài trợ và trợ cấp cho các công ty cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên.

Ông cũng khuyến nghị nên tinh chỉnh chính sách 'Zero-COVID'. "Ngay cả khi chúng ta tuân theo nguyên tắc cơ bản của chính sách 'Zero-COVID', việc cải thiện một phần hoặc tận dụng tối đa các biện pháp có thể giúp giảm tác động lên nền kinh tế và thúc đẩy thị trường việc làm", ông Lu nói. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quy định siết việc phân lô bán nền: Hiểu sao cho đúng?
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng quy định hạn chế phân lô bán nền chỉ áp dụng đối với dự án bất động sản, không áp dụng với đất cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu tách thửa với mục đích cho/tặng, thừa kế, chuyển nhượng cho người khác.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19 khiến khủng hoảng thất nghiệp ở Trung Quốc gay gắt cỡ nào?