Đức, Pháp và Hungary đưa ra cảnh báo chống lại việc cấm thị thực du lịch đối với người Nga, dù đề xuất này được các nước thành viên EU khác ủng hộ.
Chia rẽ về việc cấm thị thực du lịch với du khách Nga là trọng tâm của Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ở Prague (Czech) vào hai ngày 30 và 31.8, khi hội nghị thảo luận về những bước có thể thực hiện tiếp theo để trừng phạt Nga.
Cộng hòa Czech - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) - đã phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ một số quốc gia thành viên EU về đề xuất cấm công dân Nga du lịch trong khối này. Prague muốn đình chỉ thỏa thuận năm 2007 về nới lỏng cấp thị thực cho du khách Nga và một số nước EU khác cũng đã thúc giục một lệnh cấm thị thực hoàn toàn đối với công dân Nga. Song, một số thành viên EU như Đức, Pháp, Hungary, Luxembourg hay Áo đã lên tiếng phản đối.
“Chúng tôi cảnh báo việc chống lại những hạn chế sâu rộng đối với chính sách thị thực của chúng ta, để ngăn chặn những cái cớ cho sự tuyên truyền của Nga và kích hoạt các cuộc biểu tình chính trị ngoài ý muốn hoặc đe dọa các thế hệ tương lai”, Pháp và Đức cho biết trong một tuyên bố chung. Hai quốc gia này đồng thời kêu gọi EU rà soát kỹ nguy cơ an ninh khi duyệt đơn xin cấp thị thực của người Nga, và khuyến nghị khối vẫn cho phép sinh viên, nghệ sĩ, nhà khoa học và chuyên gia Nga nhập cảnh.
"Cần phân biệt rõ ai là người chịu trách nhiệm về xung đột Nga - Ukraine. Chúng ta cần duy trì quan hệ với những bên không liên quan", Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng phản đối điều này khi cho rằng lệnh cấm thị thực không phải là một quyết định phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. "Tôi không nghĩ việc cấm thị thực người Nga là quyết định phù hợp trong bối cảnh hiện tại", ông Szijjarto nói.
Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cũng bày tỏ sự thận trọng khi cho rằng không nên có "bức màn sắt" như thời Chiến tranh lạnh mới ở châu Âu. Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg cũng đồng tình với các ý kiến trên khi cho rằng EU không nên đưa ra quyết định ảnh hưởng sâu rộng đến hơn 140 triệu người dân Nga.
“Cần phân biệt "nhà nước Nga và người dân Nga", nhưng cho tới nay, điều dễ thấy là chỉ những người Nga "nhiều tiền và có quan hệ chặt chẽ với chính quyền của ông Putin, và họ đã ngang nhiên sang EU du lịch”, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra nói và cho biết nước ông ủng hộ lệnh cấm nhắm vào du khách Nga.
Trước đó, các nước Ba Lan, CH Czech, Estonia, Latvia, Lithuania và Phần Lan đã ra quyết định riêng của từng quốc gia: hạn chế hoặc cấm hẳn du khách Nga.
“Thật là khó chịu đối với tôi khi bạn nhìn thấy những người đàn ông Nga trên các bãi biển ở miền nam châu Âu, trong khi những người đàn ông Ukraine từ 18 đến 60 tuổi, thậm chí không thể rời khỏi đất nước mà phải đấu tranh cho tự do của họ”, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod nói vào tuần trước.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell - người chủ trì cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao của EU - hôm 28.8 cho rằng, cần áp dụng biện pháp mang tính chọn lọc chứ không nên dừng cấp thị thực cho toàn bộ công dân Nga.
Ông Borrell cho rằng EU sẽ không nhất trí thông qua lệnh cấm thị thực đối với toàn bộ công dân Nga. “Tôi không nghĩ việc cắt đứt quan hệ với người dân Nga sẽ giúp ích và tôi cũng không tin ý tưởng này sẽ có được sự nhất trí cần thiết để áp dụng”, ông nói và tiết lộ rằng khối này sẽ gặp phải “những thách thức lớn” do các lệnh trừng phạt mà Brussels đã áp đặt lên Moscow.
Về phần mình, Điện Kremlin hôm 30.8 đã lên án một số lãnh đạo châu Âu kêu gọi cấm thị thực với du khách Nga. “Từng bước một, thật đáng tiếc, cả Brussels và các quốc gia châu Âu đang thể hiện sự vô lý. Đây là những quyết định rất nghiêm trọng có thể chống lại công dân của chúng tôi và tất nhiên, những quyết định đó sẽ bị đáp trả. Chúng tôi sẽ có cách phản ứng tốt nhất để bảo vệ lợi ích của chúng tôi và công dân của mình”, phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho hay.
EU đối mặt nguy cơ rạn nứt nội bộ xoay quanh xung đột Ukraine
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 29.8 nói cho biết, sự chia rẽ đang gia tăng trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) xoay quanh xung đột Nga - Ukraine. Theo ông, nguyên nhân là do một số quốc gia thành viên EU muốn tìm kiếm hòa bình hơn là gắn bó với Ukraine cho đến khi nước này giành được ưu thế trong cuộc xung đột.
Ông Morawiecki cho rằng Moscow sẽ lợi dụng sự chia rẽ giữa các thành viên EU để thuyết phục phương Tây chấm dứt các lệnh trừng phạt và đưa thương mại hai bên trở lại bình thường. “Nguy cơ mâu thuẫn nội bộ EU là hiện hữu, điều quan trọng là phải duy trì đối thoại giữa các nước thành viên để tìm ra tiếng nói chung”, Thủ tướng Morawiecki cho hay.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Ba Lan được đưa ra sau khi quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại EU Josep Borrell hôm 23.8 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhìn ra "sự mệt mỏi và miễn cưỡng của người dân châu Âu khi phải gánh chịu hậu quả từ việc ủng hộ Ukraine".
Quan chức đối ngoại hàng đầu của EU đã cáo buộc ông chủ Điện Kremlin đang đặt cược rằng, phản ứng đoàn kết của EU với xung đột ở Ukraine sẽ bị phá vỡ khi tình trạng giá cả tăng vọt ảnh hưởng tới người dân châu Âu.
Được biết, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, các quốc gia thành viên EU đã nhất trí loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các những lĩnh vực chủ chốt của Moscow như năng lượng và vàng. Song, tình trạng giá năng lượng và lạm phát tăng vọt hiện nay đã khiến một số thành viên EU phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trầm trọng.