Các vụ tấn công vào cơ sở hậu cần đường sắt, cơ sở chỉ huy và liên lạc của quân Nga là cách Ukraine dọn đường phản công, theo cựu tướng bộ binh Mỹ Ben Hodges.
Từ nhiều tháng nay, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tuyên bố Ukraine mở cuộc tấn công ở miền nam. Vậy phải chăng các vụ tấn công bằng tên lửa vào các cơ sở hậu cần đường sắt, sở chỉ huy và cơ sở lliên lạc ở những vùng đất Ukraine bị quân Nga chiếm là để dọn đường cho cuộc phản công?
Hậu cần quân sự của Nga đã bị suy yếu là cơ hội để Ukraine phản công
Cựu tướng Hodges, người từng chỉ huy quân Mỹ ở châu Âu, nói với báo Đức Deutsche Welle: Có những dấu hiệu quân Nga đã bị suy yếu sau những vụ nổ ở căn cứ không quân của hải quân Nga tại bán đảo Crimea, và đạn pháo của Ukraine đã phá hủy nhiều kho đạn cùng các đơn vị biệt kích ở các vùng Nga.
Nga đã giành quyền kiểm soát rồi sáp nhập Crimea vào năm 2014. Bán đảo này đã trở thành tuyến đường tiếp tế chính cho các lực lượng Nga ở miền nam Ukraine, nơi Kiev đang lên kế hoạch phản công trong những tuần tới.
Tình báo quân đội Ukraine cho biết, sau các vụ nổ gần đây ở Crimea, phía Nga đã khẩn cấp di chuyển một số máy bay và trực thăng của họ vào sâu hơn trong bán đảo và các sân bay bên trong nước Nga.
Ông Hodges nói: “Điều đó cho thấy họ bị tổn thất, hệ thống hậu cần bị phá hủy. Nga thậm chí không đủ quân hoặc khả năng bảo vệ các cơ sở hậu cần quân sự của họ”.
Cựu tướng Mỹ còn so sánh tình hình hiện nay với nhiều tháng giao chiến giữa phát xít Đức với Hồng quân Liên Xô ở miền nam Ukraine hồi năm 1943, lúc Thế chiến 2 gần tàn: “Quân Đức đã phải dàn hàng trăm ngàn quân để bảo vệ các tuyến đường sắt ở Ukraine và Belarus”.
Ông nói thêm kích thước địa lý của Ukraine đã gây ra nhiều trở ngại cho phát xít Đức thế nào, thì nay cũng cản trở khâu tiếp viện của Nga ngày nay. Mỗi đợt pháo kích vào các kho đạn và sở chỉ huy của Ukraine đã buộc quân đội Nga phải kéo lùi các điểm tiếp viện về sâu hơn, điều gây khó khăn cho công tác sửa chữa và tái trữ kho đạn.
Hodges khẳng định: “Họ không thể thay thế các phương tiện. Có nhiều thiết bị cần dầu nhờn và bảo trì. Những bộ phận đó phải đến từ một nơi nào đó. Tất cả đều là gánh nặng đối với một hệ thống hậu cần rất mỏng manh, dễ bị tổn thương”.
Ukraine cần đươc hỗ trợ mạnh về vũ khí hiện đại để phản công
Ukraine đang tạo các điều kiện để phản công, nhưng Ukraine không có đủ xe bọc thép và xe tăng chiến đấu để thật sự có thể chiếm lại các vùng đất rộng ở miền nam Ukraine trong một cuộc phản công lớn.
Đó là nhận định của Nico Lange, một cố vấn an ninh và là cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer thời chính phủ Thủ tướng Angela Merkel.
Lange không bằng lòng việc chính phủ Đức hiện nay không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine: “Vào lúc Ukraine có cơ hội lại không có đủ sự hỗ trợ cần thiết. Thật đáng tiếc. Từ nhiều tháng qua tại Đức có nhiều ý kiến rằng Ukraine không thể học nhanh cách sử dụng các hệ thống vũ khí phương Tây. Nhưng với Hệ thống Pháo Phản lực Cơ động Cao HIMARS của Mỹ, người Ukraine đã chứng minh họ có thể học sử dụng rất nhanh. Nay thì họ cần có thêm các xe bọc thép”.
Cựu tướng Hodges nói quân đội Ukraine có thể tận dụng thời gian để xây dựng huấn luyện một lực lượng cho đến đủ lực sẵn sàng phản công. Mà để cuộc phản công thành công, Ukraine sẽ cần thêm sự ủng hộ của các đồng minh quốc tế.
Ông nói thêm: “Tôi thất vọng vì Đức không cung cấp thêm vũ khí. Là một thủ lĩnh được mọi người tôn trọng và cũng vì là một cường quốc kinh tế, Đức cần được ghi nhận là đang giúp Ukraine đánh bại Nga. Nếu Ukraine không đánh bại Nga, hoặc nếu chiến tranh kéo dài mãi, hoặc nếu Ukraine thua Nga mà không có sự giúp đỡ của Đức, thì sẽ không còn ai tôn trọng Đức. Nga và các nước châu Âu khác sẽ không tôn trọng Đức”.
Cựu tướng Hodges đã cùng các quan chức quân sự khác, các chính khách cùng các nhà phân tích kêu gọi chính quyền Mỹ và các đồng minh giao các hệ thống vũ khí thông minh hơn, ví dụ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân ATACMS có tầm bắn 300km.
HIMARS có thể phóng tên lửa tầm ngắn này, và đã được Ukraine đạt nhiều thành công chống lại quân Nga.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan không muốn giao các hệ thống vũ khí này vì lo ngại leo thang căng thẳng. Nhưng cựu tướng Hodges nói cách duy nhất để Nga leo thang tình hình là sử dụng vũ khí hạt nhân, mà ông cho rằng Nga sẽ không dùng đến giải pháp này: “Không có mục tiêu nào ở Ukraine để Nga phóng tên lửa hạt nhân nhằm xoay chuyển tình hình chiến trận có lợi cho Nga. Và việc dùng chỉ một tên lửa hạt nhân chiến thuật ở Ukraine thôi sẽ lập tức có hậu quả là lôi Mỹ và Anh vào cuộc chiến này”.
Ông nhận định chiến sự ở Ukraine sẽ được quyết định bằng chiến tranh qui ước. Và nếu các đồng minh của Ukraine luôn ủng hộ quân sự, thì từ cuối năm 2022, quân Nga có thể bị đẩy lui về vùng biên giới. Tiếp đó sẽ mất một hoặc hai năm đàm phán về vấn đề Crimea và Donbas.
Các diễn biến này còn tùy thuộc Ukraine có được giao vũ khí hiện đại và quân lính được huấn luyện tốt hay không.
Cựu tướng Hodges nói: “Điện Kremlin đang tính rằng Mỹ bớt quan tâm vì lạm phát cùng những thách thức trong nước và cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sắp tới. Anh thì chờ có thủ tướng mới. Đức cũng quá lo tác động của sự giảm nguồn cấp khí đốt từ Nga và hiện sông Rhine cạn nước. Người Nga đang nghĩ họ có thể chờ chúng ta bỏ cuộc. Nếu như họ nghĩ đúng, thì cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài suốt nhiều năm”.