Đại sứ Rahm Emanuel cho biết Mỹ-Nhật cùng các nước khác đồng quan điểm đang đối phó việc Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế để ép có những thay đổi chính trị trên toàn thế giới.
Ông Emmanuel từng là Chánh văn phòng Nhà Trắng thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói ông đang thúc đẩy điều được gọi là “ngoại giao thương mại”. Đây là ý tưởng về Mỹ - Nhật và các nước xây dựng quan hệ chặt chẽ về nhiều mặt, vào lúc có những mối lo về dịch COVID-19, việc Nga gây chiến ở Ukraine và việc Trung Quốc o ép kinh tế thế giới.
Ông Emmanuel nói: “Từ ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ đến sự o ép phải phụ thuộc vào món nợ mà Trung Quốc tạo ra, dù họ nói “chúng tôi không o ép” nhưng có rất nhiều ví dụ trên toàn thế giới việc họ sử dụng thị trường kinh tế để buộc sự thay đổi chính trị ở quốc gia nào đó... Tôi nghĩ rằng mọi người đều biết về điều này”.
Đại sứ Mỹ từng là thị trưởng Chicago, đã đến Nhật Bản nhậm chức từ đầu năm nay. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin AP, ông dẫn chứng nhiều sự o ép của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, Úc, các nước châu Âu.
Trug Quốc từng o ép Nhật Bản, nước đã chứng kiến các chuyến tàu Trung Quốc vét đất hiếm ở một vùng tranh chấp. Doanh nghiệp Hàn Quốc từng bị Trung Quốc tẩy chay khi Hàn Quốc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Sức mạnh kinh tế ngày càng lớn cùng các khoản chi ở nước ngoài của Trung Quốc đã khiến nhiều nước phải lo ngại, rằng Bắc Kinh đang gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị và chiến lược ở các vùng chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã trở nên một trong những chủ nợ lớn nhất của các nước phát triển, thông qua dự án “Vành đai - Con đường” để mở rộng thương mại bằng cách xây dựng cầu đường cùng các dự án cơ sở hạ tầng khác ở khắp châu Á, châu Phi, châu Âu và Trung Đông. Từ đó đã có những cáo buộc Bắc Kinh dùng bẫy nợ để giành ưu thế chính trị, nhưng các quan chức Trung Quốc phủ nhận.
Đại sứ Emmanuel nói một trong những vấn đề đầu tiên mà ông đề cập với Ngoại trưởng Nhật, là tìm cách để Mỹ - Nhật cùng đối phó sự o ép kinh tế của Trung Quốc.
Đại sứ Emmanuel hoan nghênh cam kết của Thủ tướng Fumio Kishida rằng Nhật sẽ tăng đáng kể khoản chi quốc phòng và tăng cường khả năng quân sự.
Thủ tướng Kishida đang nỗ lực xem xét lại chiến lược an ninh quốc gia của Nhật và các đường lối quốc phòng vốn là di sản của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người vừa bị ám sát hồi tháng 7.
Đại sứ Emmanuel cũng nhấn mạnh những cơ hội kinh tế cho Nhật - Mỹ ở các lĩnh vực pin xe điện, năng lượng, nghiên cứu mới, công nghệ lò phản ứng hạt nhân công suất nhỏ, công nghệ hàng không và chất bán dẫn...