Trước đảo chính, quan hệ Myanmar - Trung Quốc đã rất phức tạp do các khoản đầu tư từ Trung Quốc và hàng loạt chiến dịch quân sự của lực lượng vũ trang Myanmar dọc biên giới hai nước.

Đảo chính làm quan hệ Myanmar - Trung Quốc thêm phức tạp

Cẩm Bình | 05/02/2021, 08:54

Trước đảo chính, quan hệ Myanmar - Trung Quốc đã rất phức tạp do các khoản đầu tư từ Trung Quốc và hàng loạt chiến dịch quân sự của lực lượng vũ trang Myanmar dọc biên giới hai nước.

Cuộc đảo chính diễn ra sau hơn 1 năm khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện sự ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi bằng chuyến thăm cấp cao, hai bên ký 33 thỏa thuận về hàng loạt vấn đề. Giờ đây quyền lực rơi vào tay Tổng tư lệnh Min Aung Hliang và chính quyền mới ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm.

Giới phân tích nhận định ngay cả khi không đóng vai trò gì trong lần lật đổ bà Suu Kyi này, Trung Quốc vẫn có khả năng đạt được lợi ích là tăng cường ảnh hưởng tại nước láng giềng – nếu phương Tây áp đặt trừng phạt lên Myanmar.

1000.jpeg
Ông Tập Cận Bình gặp bà Aung San Suu Kyi vào tháng 4.2019 - Ảnh: AP

Phản ứng ban đầu của giới chức Bắc Kinh với cuộc đảo chính khá thận trọng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 1.2 cho biết đang xem xét tình hình và khẳng định Myanmar là láng giềng thân thiện. Ông kêu gọi Myanmar xử lý một cách đúng đắn, theo pháp luật và hiến pháp để duy trì ổn định chính trị - xã hội.

Chưa chắc hưởng lợi

Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào khai khoáng, dầu khí và cơ sở hạ tầng tại Myanmar, là đối tác thương mại của quốc gia Đông Nam Á. Nhưng dù có xu hướng ủng hộ chế độ quân quản tại Myanmar thì giới chức Bắc Kinh vẫn thưởng tỏ ra khó chịu với chiến dịch chống lại nhiều nhóm vũ trang dân tộc thiểu số mà quân đội Myanmar tiến hành dọc biên giới, cũng như tình trạng buôn bán ma túy xuyên biên giới nhức nhối kéo dài.

Vài năm qua, bà Suu Kyi xích lại gần Trung Quốc khi bảo vệ quân đội Myanmar trước sự lên án dữ dội những hành động tàn bạo đối với dân tộc thiểu số Rohingya. Tuy nhiên như vậy lại khiến phía quân đội thêm hoài nghi, đặc biệt trong bối cảnh các đảng phái của họ thua bầu cử liên tiếp.

Nhà nghiên cứu Champa Patel thuộc tổ chức Chatham House (Luân Đôn) cho biết: “Nguy cơ quân đội can thiệp và củng cố quyền lực luôn hiện hữu. Họ bất an vì bà Suu Kyi không ngừng củng cố quyền lực trong nước, tăng cường quan hệ với một số nước như Trung Quốc”.

gettyimages_1230909858.0.jpg
Cuộc đảo chính 1.2 tại Myanmar khiến toàn thế giới bất ngờ - Ảnh: Getty Images

Ba tuần trước đảo chính, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp bà Suu Kyi cùng vài quan chức quân đội tại thủ đô Naypyitaw. Chuyến thăm được xác định nhằm chứng nhận chiến thắng mà đảng của bà Suu Kyi giành được tại cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, đồng thời gửi đi tín hiệu giới chức Bắc Kinh muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện số dự án hai bên đạt thỏa thuận trước đó.

Một số nhà phân tích lại suy đoán Trung Quốc âm thầm “gật đầu” đồng ý quân đội Myanmar đảo chính. Tuy nhiên giáo sư Triệu Ca Thành thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (SIIS) phản bác rằng một sự kiện như vậy chẳng hề được hoan nghênh mặc dù quân đội sau khi đoạt lại quyền lực sẽ phụ thuộc Trung Quốc nhiều hơn.

“Tôi nghĩ Trung Quốc với tư cách nước láng giềng chẳng thấy đảo chính tốt, vì họ cần môi trường ổn định cho đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng”, theo giáo sư Triệu. Một số dự án đáng chú ý do Trung Quốc đầu tư có thể kể đến là cảng nước sâu Kyaukphyu, khai thác quặng đồng Monywa Letpadaung, phát triển thành phố Yangon Mới cùng hàng loạt nhà máy thủy điện, nhiệt điện than.

Giáo sư Chris Ankersen thuộc Trung tâm nghiên cứu Toàn cầu (đại học New York) cũng nhận định Trung Quốc đạt lợi ích chiến lược khi giữ cho Myanmar ổn định, thay vì biến động như hiện tại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảo chính làm quan hệ Myanmar - Trung Quốc thêm phức tạp