Thượng Hải với nguồn lực y tế hàng đầu Trung Quốc vẫn cần sự trợ giúp quy mô lớn để vượt qua đợt dịch COVID-19. Trung Quốc thiếu các nguồn lực có thể đối phó hiệu quả với làn sóng các ca mắc COVID-19 khó kiểm soát.
Theo trang SCMP, hơn 1.000 nhân viên y tế đã trở lại tỉnh Hồ Bắc sau 59 ngày ở Thượng Hải để làm công việc trợ giúp y tế, trong khi 134 người khác ở lại để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng.
“Tôi rất vui vì cuối cùng cũng có thể trở về nhà. Không còn phong tỏa nữa có nghĩa là Thượng Hải đã trở lại bình thường”, Cheng Fang, y tá trưởng tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm Vũ Hán, nói trên truyền hình địa phương.
Họ nằm trong số khoảng 50.000 nhân viên y tế trên khắp đất nước, bao gồm cả quân đội, đã đến để đáp ứng nhu cầu y tế của Thượng Hải trong trận chiến chống lại đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất mà Trung Quốc từng chứng kiến.
Trong thời gian lưu trú, họ đã tiến hành xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân bằng y học cổ truyền Trung Quốc, quản lý các ca COVID-19 nhẹ tại các bệnh viện tạm thời và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng cũng như những ca nhẹ nhưng có bệnh nền nghiêm trọng.
Đến ngày 1.6, khi Thượng Hải cuối cùng thoát khỏi tình trạng phong tỏa sau 2 tháng, hơn 620.000 người đã nhiễm SARS-CoV-2 và 588 ca tử vong trong đợt dịch bắt đầu vào đầu tháng 3.
Thực tế là Thượng Hải, thành phố phát triển nhất ở Trung Quốc với nguồn lực y tế hàng đầu, vẫn cần sự trợ giúp quy mô lớn để vượt qua đợt dịch COVID-19. Điều này cho thấy hệ thống y tế của Trung Quốc mỏng manh như thế nào dưới chiến lược Zero COVID khi bị tấn công bởi biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao.
Hệ thống y tế không thể hoạt động bình thường. Các bệnh viện phải đóng cửa, bao gồm cả khoa cấp cứu và tai nạn, sau khi có bệnh nhân COVID-19 đến khám.
Hóa trị cho bệnh nhân ung thư và chăm sóc y tế không khẩn cấp khác đã bị hoãn lại. Xe cấp cứu không thể đáp ứng kịp thời các cuộc gọi, với hàng trăm bệnh nhân xếp hàng trong tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 cao điểm.
Đó là kịch bản mà thủ đô Bắc Kinh muốn tránh. Các quan chức y tế đã nhiều lần viện dẫn việc phân bổ chăm sóc y tế không đồng đều và hạn chế trong nước là một trong những lý do khiến Trung Quốc phải gắn bó với chiến lược Zero COVID của mình.
Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng bất chấp sự lo lắng chính đáng, Trung Quốc nên tận dụng thời gian phản ứng với COVID-19 trong 2 năm qua để giải quyết tình trạng thiếu hụt công suất. Thay vào đó, Trung Quốc lại đang ngày càng phân bổ nhiều nguồn lực hơn để xác định sớm và cách ly các ca mắc COVID-19.
Jin Dongyan, nhà vi rút học của Đại học Hồng Kông, cho biết: “Trung Quốc nhấn mạnh rằng nguồn lực hạn chế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, có thể đồng nghĩa một thảm họa lớn, với nhiều người chết, nếu Zero COVID bị loại bỏ. Tôi đồng ý rằng đây là mối lo lắng thực sự và hợp lý, nhưng bạn cần phải có kế hoạch hành động để khắc phục mọi thứ để nó không phải là thảm họa trong tương lai”.
Trung Quốc thiếu các nguồn lực có thể đối phó hiệu quả với làn sóng các ca mắc COVID-19 khó kiểm soát. Tỷ lệ dân số của Trung Quốc có ít bác sĩ và y tá hơn so với một số nước tiên tiến mà phản ứng với COVID-19 tập trung vào việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng và tử vong hơn là loại bỏ sự lây truyền vi rút.
Số bác sĩ hành nghề trung bình trên 1.000 dân ở Trung Quốc là 2,41 vào năm 2020, ít hơn so với 5,8 ở Anh, 4,3 tại Đức và 3,8 ở Úc, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia và Ngân hàng Thế giới. Số lượng y tá đăng ký trên 1.000 dân là 3,34 vào năm 2020, so với 18 ở Na Uy, 13,95 tại Đức và 11,79 ở Mỹ.
Tại Trung Quốc, các nguồn lực được phân bổ không đồng đều, với các bệnh viện cấp cao nhất trong hệ thống y tế nằm ở các thành phố, trong khi các khu vực nông thôn, nơi chiếm khoảng 36% dân số 1,4 tỉ người Trung Quốc, chỉ có các bệnh viện tuyến dưới và phòng khám thị trấn để chăm sóc ngay lập tức.
Cứ 1.000 dân khu vực nông thôn có 1,48 bác sĩ và 2,1 y tá hành nghề, so với 3,96 bác sĩ và 5,4 y tá ở khu vực thành thị.
Khi COVID-19 tấn công các thành phố cấp thấp hơn, sự thiếu hụt nguồn lực này đồng nghĩa với việc bệnh nhân không được chăm sóc thích hợp và phải chuyển viện.
Một số tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương chuẩn bị nhiều hơn để đối phó với các đợt bùng phát COVID-19, trong khi một số tỉnh lại thiếu nguồn lực - kể cả trong thời điểm không có đại dịch.
Bắc Kinh đứng đầu quốc gia về số bác sĩ (4,62) và y tá (5,39) cao nhất trên 1.000 dân nhưng tỉnh Hà Bắc, dù gần thủ đô, chỉ có 2,48 bác sĩ và 2,7 y tá cho cùng số dân.
Bài học ở Thượng Hải gần đây chỉ ra việc làn sóng nhiễm SARS-CoV-2 có thể tiêu hao các nguồn lực chăm sóc sức khỏe như thế nào. Với dân số 25 triệu dân, Thượng Hải chỉ có 3,01 bác sĩ và 3,91 y tá trên 1.000 dân. Gần đó, tỉnh Giang Tây chỉ có 1,92 bác sĩ trên 1.000 dân, thấp nhất cả nước.
Tại Tuy Phân Hà, thành phố cấp quận ở tỉnh Hắc Long Giang không có bệnh viện cấp ba trong thị trấn, tất cả bệnh nhân COVID-19 đã được chuyển đến thành phố cấp cao Mẫu Đơn Giang để điều trị khi dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 4.2020.
Tương tự, Ngạch Tể Nạp kỳ ở khu tự trị Nội Mông đã vận chuyển tất cả bệnh nhân COVID-19 đến Hồi Hột, cách đó 1.000 km để điều trị trong đợt dịch biến thể Delta vào tháng 10.2021 vì thành phố có nguồn lực quá kém và khoảng cách 400 km đến trung tâm đô thị gần nhất khiến khó nhận nguồn cung.
Jin Dongyan cho biết sự thiếu hụt năng lực có thể được giải quyết bằng tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao, đặc biệt là ở người cao tuổi, để ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn đạt được mục tiêu tiêm chủng cao.
“Đây là một vấn đề cấp bách, nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin thấp không thể được sử dụng như một cái cớ để duy trì chiến lược Zero COVID. Với sức mạnh huy động của Trung Quốc, các nhà chức trách vẫn chưa thực hiện đầy đủ việc tiêm vắc xin cho người cao tuổi”, Jin Dongyan nhận xét.
Khoảng 82% người dân trên 60 tuổi ở Trung Quốc đã được tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19, nhưng chỉ 63% nhận mũi tăng cường tính đến ngày 26.5.
Nhờ Zero COVID, người cao tuổi không được coi là có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn khi chiến dịch tiêm vắc xin được triển khai, song đã nhiễm SARS-CoV-2 thường xuyên hơn với sự xuất hiện của biến thể Delta và Omicron.
Trung Quốc đang dựa vào các vắc xin COVID-19 bất hoạt được phát triển trong nước cho các chiến dịch tiêm chủng đại trà của mình và đang trì hoãn phê duyệt vắc xin mRNA hiệu quả cao hơn do hãng Pfizer (Mỹ) phân phối trên toàn thế giới.
Trong bài báo đăng trên Tạp chí Nature vào tháng trước, các nhà nghiên cứu của Đại học Phúc Đán Thượng Hải đã dự đoán rằng mức độ miễn dịch nhờ tiêm vắc xin COVID-19 tính đến cuối tháng 3 sẽ không đủ để ngăn chặn làn sóng Omicron vượt quá khả năng chăm sóc đặc biệt. Thế nhưng, việc tiêm vắc xin cho những người dễ bị tổn thương và đảm bảo tiếp cận với các liệu pháp kháng vi rút có thể ngăn chặn việc hệ thống y tế quá tải. Nếu không, phải dựa vào các biện pháp can thiệp không dùng thuốc chẳng hạn như khẩu trang, giãn cách xã hội và tránh tụ tập đông người, kể cả trong trường học, để giảm lây truyền cho ít hơn 2 người với mỗi ca COVID-19.
Tuy nhiên, nhiều nguồn lực hơn đang được phân bổ để xây dựng các cơ sở cách ly lâu dài và thành lập các đội chuyên trách để thực hiện xét nghiệm. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc - Mã Hiểu Vĩ, các tỉnh và thành phố lớn đã được chỉ đạo để đảm bảo một địa điểm xét nghiệm có sẵn trong vòng 15 phút đi bộ cho người dân.
"Nếu các nguồn lực không được đưa vào phòng ngừa, sẽ dẫn đến lây nhiễm SARS-CoV-2 hàng loạt và gây áp lực cho việc điều trị dứt điểm. Điều này sẽ đe dọa sức khỏe của những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và những người mắc các bệnh nền", Mã Hiểu Vĩ viết trên Tạp chí Qiushi vào tháng trước.
Tại Trung Quốc, bác sĩ chăm sóc đặc biệt chuyên khoa chiếm khoảng 0,8% tổng số bác sĩ hành nghề.
Số giường chăm sóc đặc biệt trên 100.000 dân có sự khác nhau giữa các tỉnh, dù tất cả đều có mức điều trị chăm sóc đặc biệt thấp. Bắc Kinh có 4,76 giường, trong khi Thượng Hải có 3,27. Các tỉnh Hà Nam và Sơn Đông với tỷ lệ dân số cao hơn mức trung bình của cả nước, lần lượt có 7,6 và 5,53 giường trên 100.000 dân.
Trên toàn quốc, tỷ lệ số giường chăm sóc đặc biệt ở Trung Quốc là 4,53 trên 100.000 dân vào năm 2021, thấp hơn so với 33,9 ở Đức, 28,9 tại Úc, 25,8 ở Mỹ và 7,3 tại Chile.
Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ, nói hầu hết các nguồn lực của Trung Quốc được đưa vào xét nghiệm và cách ly nhưng không hướng tới các khoản đầu tư dài hạn, chẳng hạn xây dựng năng lực chăm sóc đặc biệt hoặc đào tạo các bác sĩ và y tá chăm sóc đặc biệt "vì nó được xác định bởi bản chất của chiến lược Zero COVID - giải pháp ngắn hạn”.
“Tuy nhiên, Zero COVID không phải quá trình tự hoàn thiện mà là thất sách. Nó có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và xã hội”, ông nhận định.