Máy in 3D và Clearview AI là 2 trong nhiều công nghệ được Ukraine sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga.

Những công nghệ không ngờ được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine

Sơn Vân | 04/06/2022, 18:41

Máy in 3D và Clearview AI là 2 trong nhiều công nghệ được Ukraine sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga.

Lịch sử chứng minh rằng các lực lượng có thể thắng cuộc chiến nếu biến công nghệ thành lợi thế. Ví dụ, vào năm 1415, Vua Henry V (Anh) có thể đánh bại quân Pháp trong trận Agincourt nhờ các cung thủ của ông và cung tên mới được phát triển. Cuộc chiến ở Ukraine liệu có phải một trường hợp khác khi công nghệ quyết định kết quả?

Vai trò của phương tiện truyền thông xã hội trong cuộc chiến ở Ukraine

Những hãng công nghệ lớn đã thực hiện các bước để hạn chế truyền thông nhà nước Nga sử dụng mạng xã hội để bình luận về cuộc chiến ở Ukraine. Thế nhưng, cuộc chiến này cũng được biết đến vì có liên quan mật thiết đến công nghệ.

Khi nói về các công nghệ được sử dụng trong chiến tranh, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu nhiều người là tuyên truyền và thông tin sai lệch. Song sự thật là có vô số cách dùng công nghệ và rất nhiều mục đích mà chúng có thể được sử dụng.

Nga – Ukraine có thể là cuộc chiến được theo dõi bằng truy cập truy cập internet nhiều nhất trong lịch sử. Thông qua bất kỳ nền tảng xã hội nào như Twitter, Facebook, TikTok, YouTube,… bạn có thể xem nhiều video khác nhau từ chiến trường.

Ngoài ra, cuộc chiến này đã thay đổi cách các hãng công nghệ lớn kinh doanh và kiếm tiền. Điều này là hiển nhiên bởi các hãng công nghệ ngày nay được liên kết với quyền lực. Ví dụ, các chính phủ tự do sử dụng các nền tảng xã hội để tuyên truyền, đe dọa những người chỉ trích họ hoặc chỉ để tiếp tục các chương trình nghị sự chính trị. Ngược lại, các nhà hoạt động sử dụng các nền tảng tương tự để vận động những người ủng hộ họ, kêu gọi những người cùng chí hướng và tổ chức các hành động hàng loạt chống lại các chính phủ.

Nền tảng mạng xã hội không còn trung lập

Về vấn đề này, tạp chí Foreign Policy nêu 4 yếu tố chỉ ra cách thức hoạt động của các nền tảng hiện nay.

Các hãng công nghệ luôn nói rằng họ trung lập và chỉ phân phối thông tin. Vì vậy, họ đã được chứng minh là phi chính trị nên không chịu trách nhiệm về nội dung. Dù đã có cáo buộc Twitter và Facebook giúp những người phủ nhận Holocaust hoặc những người theo thuyết âm mưu, song vào năm 2020, Facebook bắt đầu sửa đổi chính sách của mình về mặt kiểm soát nội dung. Cuộc chiến ở Ukraine đã phá hủy “huyền thoại về sự trung lập”.

Holocaust là cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái.

YouTube đã chặn các phương tiện truyền thông nhà nước Nga bằng cách xóa hơn 1.000 kênh và 15.000 video.

Facebook đã chặn các trang RT và Sputnik chính thức của Nga ở Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, tính năng kiếm tiền và quảng cáo không hoạt động với các tài khoản ở Nga.

Twitter hạn chế quảng cáo ở Ukraine và Nga. Thêm vào đó, Twitter đã làm giảm khả năng hiển thị của các tweet được đăng bởi các phương tiện truyền thông liên kết với nhà nước Nga.

Chính phủ kiểm soát các hãng công nghệ

Tuy nhiên, đây không phải là điều gì mới vì các hãng công nghệ luôn cảm thấy hơi thở của chính phủ đằng sau họ. Ví dụ, ở Nigeria, chính phủ đã đình chỉ Twitter trong 7 tháng. Chỉ sau khi mở văn phòng tại quốc gia này và làm việc với chính phủ để thiết lập “quy tắc ứng xử”, Twitter mới được phép hoạt động trở lại.

Bất kỳ loại hạn chế nào đều thúc đẩy các ứng dụng và hệ thống thay thế. Ví dụ, vào năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã chặn Facebook và Google. Giờ đây, họ có các ứng dụng riêng như WeChat, QQ,… Chúng ta có thể nói điều tương tự với HarmonyOS, phiên bản Android riêng của Huawei.

Điều tương tự đang xảy ra ở Nga bây giờ. Vì Google Play còn không hoạt động ở Nga nên nước này đã tạo cửa hàng ứng dụng của riêng mình. Tất nhiên, điều đó không chỉ mở ra triển vọng mới cho các nhà phát triển và hãng công nghệ địa phương mà còn giúp chính phủ Nga kiểm soát nội dung lan truyền bởi các nền tảng.

Máy in 3D, AI, công nghệ vũ trụ

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng Ukraine thể hiện sự khéo léo trong việc nhanh chóng biến công nghệ thương mại thành khả năng quân sự. Ukraine sử dụng máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ vũ trụ để chứng tỏ sức mạnh của mình.

Lực lượng Ukraine đã sử dụng máy in 3D để gắn thêm vây đuôi cho lựu đạn chống tăng thời Liên Xô. Kết quả là một quả lựu đạn 100 USD có thể phá hủy các phương tiện có giá hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu USD của Nga.

Primer, công ty AI của Ukraine, đã sửa đổi dịch vụ phiên âm và phiên dịch giọng nói hỗ trợ AI của mình để có thể hiểu các liên lạc của Nga và làm nổi bật thông tin liên quan đến lực lượng Ukraine.

Với công nghệ vũ trụ, các hình ảnh vệ tinh cho thấy thi thể một số thường dân Ukraine nằm bên vệ đường với tay và chân bị trói. Nga cho biết những hình ảnh đó là giả mạo và không có điểm chung nào với "hoạt động đặc biệt" của họ ở Ukraine. Quân đội Nga nói đã rời thành phố trước khi những hình ảnh được chụp ngày 30.3. Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh từ công ty công nghệ vũ trụ Maxar chụp vào ngày 18.3, khi lực lượng Nga vẫn đang kiểm soát vùng đó, cho thấy các thi thể nằm chết bên vệ đường ở những vị trí giống hệt nhau.

Công nghệ thương mại trong chiến tranh

Reuters đề cập đến một số cách các hãng công nghệ sử dụng dịch vụ và sản phẩm của họ để giúp người dân Ukraine.

Công ty cho thuê nhà Airbnb đã cung cấp nhà ở tạm thời miễn phí cho 100.000 người tị nạn chạy trốn khỏi Ukraine.

Sử dụng các tổ chức từ thiện và tiền mã hóa, chính phủ Ukraine đã huy động được gần 13 triệu USD. Thế nhưng, Nga đã sử dụng loại tiền này theo cách tốt hơn. Theo dữ liệu chính thức, số tiền mã hóa mà chính phủ Nga nắm giữ là 200 tỉ USD. Đây là 12% tổng số tiền mã hóa của thế giới.

Hơn nữa, có 17 triệu người Nga sở hữu tiền mã hóa; 500.000 lập trình viên máy tính làm việc trong lĩnh vực này. Không phải vô tình mà Nga là quốc gia đứng thứ ba trên thế giới về hoạt động khai thác Bitcoin sau Mỹ và Kazakhstan.

Sau khi Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Tổng thống Putin đã kêu gọi sử dụng năng lượng dư thừa để khai thác tiền mã hóa. Đó là lý do tại sao với nhiều người Nga, các lệnh trừng phạt và ngắt kết nối khỏi Swift (Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế) không có bất kỳ tác dụng nào.

Ứng dụng mới của công nghệ nhận dạng khuôn mặt

Ukraine đang sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt dựa trên AI để xác định các binh sĩ Nga bị giết và thông báo cho người thân của họ. Theo Phó thủ tướng Ukraine - Mykhailo Fedorov, họ sử dụng Clearview AI. Công ty Clearview cung cấp miễn phí dịch vụ này cho Ukraine kể từ 24.2, ngày Nga bắt đầu cuộc tấn công.

Ukraine sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt Clearview AI để khám phá hồ sơ mạng xã hội của những người lính thiệt mạng.

nhung-cong-nghe-khong-ngo-duoc-su-dung-trong-cuoc-chien-o-ukraine.jpg
 Ukraine sử dụng Clearview AI để xác định các binh sĩ Nga bị giết và thông báo cho người thân của họ - Ảnh: Internet

Mykhailo Fedorov cho biết: “Để tỏ lòng lịch sự với mẹ của những người lính đó, chúng tôi phổ biến thông tin này qua mạng xã hội để ít nhất là cho các gia đình biết rằng họ đã mất con trai và có thể đến nhận xác họ”.

Hoan Ton-That, Giám đốc điều hành Clearview, nói rằng họ có quyền truy cập hơn 2 tỉ hình ảnh từ dịch vụ truyền thông xã hội VKontakte (Nga), trong tổng số hơn 10 tỉ hình ảnh. 

Cơ sở dữ liệu đó có thể giúp Ukraine xác định người chết dễ dàng hơn so với việc cố gắng đối sánh dấu vân tay và hoạt động ngay cả khi có tổn thương trên khuôn mặt, Hoan Ton-That viết.

Nghiên cứu của Bộ Năng lượng Mỹ chỉ ra cách phân tích làm giảm hiệu quả của công nghệ, trong khi một bài báo từ hội nghị năm 2021 cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.

Bức thư từ Hoan Ton-That cũng cho biết công nghệ của Clearview có thể được sử dụng để giúp đoàn tụ những người tị nạn bị chia cắt khỏi gia đình họ, xác định các đặc vụ Nga và hỗ trợ chính phủ gỡ bỏ các bài đăng sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến chiến tranh.

Mykhailo Fedorov tiết lộ nhận dạng khuôn mặt chỉ là một trong nhiều công cụ mà Ukraine đã áp dụng miễn phí khi được các doanh nghiệp phương Tây viện trợ. Ví dụ, Bộ Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine đang sử dụng các dịch vụ đám mây của Amazon để lưu trữ "dữ liệu quan trọng".

Dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX

Khi chiến tranh nổ ra, Ukraine phải đối mặt với các mối đe dọa từ các cuộc tấn công mạng và pháo kích của Nga có khả năng đánh sập mạng internet, nên việc xây dựng kế hoạch dự phòng là vô cùng cần thiết. Vì vậy, Mykhailo Fedorov đã tweet lời cầu xin trực tiếp tới Elon Musk, kêu gọi giám đốc điều hành SpaceX giúp đỡ. Elon Musk trả lời chỉ vài giờ sau đó: “Dịch vụ Starlink đang hoạt động ở Ukraine. Nhiều thiết bị đầu cuối khác đang trên đường tới”.

Không lâu sau, Mykhailo Fedorov cho biết khi sử dụng kết nối internet Starlink từ một vị trí không được tiết lộ: “Chất lượng kết nối là tuyệt vời. Chúng tôi đang sử dụng hàng nghìn thiết bị đầu cuối, với các chuyến hàng chở thiết bị mới đến mỗi ngày”.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng Starlink như một biện pháp thay thế tạm thời để người dân và chính phủ giữ kết nối trong cuộc chiến là thử nghiệm lớn với công nghệ tương đối mới và có thể tạo ra những tác động rộng rãi với chiến tranh trong tương lai. Internet đã trở thành công cụ thiết yếu để liên lạc, cập nhật thông tin và thậm chí cung cấp năng lượng cho vũ khí.

Đó cũng là bài kiểm tra với Elon Musk. Người đàn ông giàu nhất thế giới có thói quen lên Twitter để đưa ra những lời hứa và tuyên bố đôi khi ngớ ngẩn giữa các cuộc khủng hoảng thế giới. Giám đốc điều hành Tesla từng thách thức ông Putin đấu tay đôi và cam kết chỉ sử dụng một tay nếu Tổng thống Nga sợ hãi. Elon Musk còn nói rằng ông Putin có thể mang theo một con gấu.

Elon Musk đã không thực hiện được một số cam kết trước đây, chẳng hạn không nỗ lực giúp giải cứu trẻ em Thái Lan mắc kẹt trong hang động.

Song Elon Musk đã giữ lời hứa với Ukraine và được Mykhailo Fedorov cùng nhiều chuyên gia ca ngợi. Các nhân viên Tesla ở châu Âu cho biết đã lắp ráp các hệ thống để giúp cung cấp năng lượng cho Starlink ở Ukraine. Mykhailo Fedorov tiết lộ rằng các nước châu Âu khác đã gửi thiết bị Starlink đến Ukraine từ nguồn cung cấp của chính họ.

Các chuyên gia cho biết internet bị gián đoạn có thể do mất điện hoặc do cáp quang bị cắt vì pháo kích. Công nghệ Starlink đang được sử dụng bởi dân thường ở các khu vực bị tấn công làm mất dịch vụ internet và các quan chức chính phủ. Các thiết bị đầu cuối Starlink cũng được cung cấp để giúp các công ty công nghệ Ukraine tiếp tục hoạt động trực tuyến khi chiến tranh buộc họ phải di dời.

Starlink đã phát triển nhanh chóng những năm gần đây, vượt qua một số đối thủ bằng cách phóng hơn 1.000 vệ tinh vào không gian.

Một người quen thuộc với nỗ lực của Starlink ở Ukraine cho biết có hơn 5.000 thiết bị đầu cuối tại quốc gia này.

nhung-cong-nghe-khong-ngo-duoc-su-dung-trong-cuoc-chien-o-ukraine1.jpg
Dịch vụ internet vệ tinh Starlink của Elon Musk giúp máy bay không người lái Ukraine tấn công lính Nga 

Các chuyên gia cho rằng ngay cả một mạng Starlink lớn có lẽ cũng không đủ sức mạnh để giữ cho cả một quốc gia trực tuyến và hoạt động ở tốc độ tối đa. Thế nhưng, các thiết bị đầu cuối Starlink có thể đóng vai trò như bản sao lưu đáng tin cậy khi các dịch vụ internet ngừng hoạt động.

Các vệ tinh đã trực tiếp hỗ trợ lực lượng Ukraine trong chiến đấu.

Tờ Times of London hồi tháng 3.2022 đưa tin, một đơn vị máy bay không người lái tinh nhuệ của Ukraine đang sử dụng Starlink để tiêu diệt hàng chục mục tiêu Nga vào ban đêm.

"Nếu chúng tôi sử dụng máy bay không người lái có tầm nhìn nhiệt vào ban đêm, máy bay không người lái phải kết nối thông qua Starlink với pháo binh và tạo ra việc thu nhận mục tiêu", lãnh đạo đơn vị này nói với tờ Times of London.

Bài liên quan
Căng thẳng với Nga do khủng hoảng Ukraine, Mỹ tăng cường điều tra bảo mật với Kaspersky Lab
Chính quyền Biden đã tăng cường điều tra an ninh quốc gia với phần mềm anvirus của hãng Kaspersky Lab trong bối cảnh căng thẳng quan hệ với Nga, theo Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những công nghệ không ngờ được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine