Bất chấp cuộc chiến và tình trạng thiết quân luật tại Ukraine, một số chính trị gia phương Tây đang thúc ép Kyiv tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống.

Giới chức phương Tây hối thúc Ukraine tổ chức bầu cử bất chấp chiến tranh

Hoàng Vũ (theo Washington Post) | 25/09/2023, 16:00

Bất chấp cuộc chiến và tình trạng thiết quân luật tại Ukraine, một số chính trị gia phương Tây đang thúc ép Kyiv tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống.

Theo Washington Post, đề xuất này ban đầu được đưa ra bởi Tiny Kox, người đứng đầu Hội đồng Nghị viện của Hội đồng châu Âu - cơ quan chính trị cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) và được thúc đẩy bởi thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham.

Vào tháng trước, ông Graham cùng hai thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal và Elizabeth Warren đã đến Kyiv để tập trung vào việc củng cố sự hỗ trợ của Mỹ cũng như lưỡng đảng dành cho Ukraine.

bau-cu-ukraine.png
Một quân nhân Ukraine đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội nước này năm 2019 - Ảnh: AFP

Hiến pháp Ukraine cấm bầu cử trong tình trạng thiết quân luật. Các quan chức, chuyên gia bầu cử và người ủng hộ dân chủ Ukraine cho biết, việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong thời chiến là điều gần như không thể và không nên làm. Khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine hiện bị lực lượng Nga kiểm soát. Hàng triệu người Ukraine phải di dời, nhiều người đang sống ở nước ngoài cũng như hàng chục nghìn binh sĩ đang ở mặt trận.

Các quan chức Ukraine nói rằng, để tổ chức một cuộc bỏ phiếu lớn trong thời chiến phải vượt qua những trở ngại đáng kể về tài chính, hậu cần và pháp lý. Một số người cho rằng viễn cảnh đó hoàn toàn không thể xảy ra và có thể cung cấp cho lực lượng an ninh Moscow một phương tiện để xâm nhập và làm suy yếu Ukraine từ bên trong.

“Người Nga đang thúc đẩy việc này thông qua các kênh bí mật của họ. Không thể tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ trong chiến tranh”, một quan chức Ukraine giấu tên nói với Washington Post. Theo quan chức này, việc tổ chức bầu cử có thể mang đến cơ hội cho Nga tạo ra sự chia rẽ trong xã hội Ukraine và giữa các chính trị gia.

“Điều đó là rủi ro, có hại cho đất nước và vô nghĩa từ quan điểm chính trị. Nó sẽ làm suy yếu khả năng phục hồi chính trị rất mong manh của Ukraine”, quan chức này cho hay.

Tuy nhiên, Washington Post nhận định giới chức Ukraine cũng không thể bác bỏ ý tưởng tổ chức bầu cử của phương Tây bởi có nguy cơ khiến các nhân vật chính trị chủ chốt xa lánh. Họ là những người đang đóng vai trò quan trọng đối với Ukraine trong việc duy trì hỗ trợ tài chính và quân sự quốc tế.

Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko nói rằng, tổ chức bầu cử trong thời chiến sẽ dẫn đến việc Ukraine thua trong chiến tranh, vì những bất đồng chính trị nội bộ sẽ phá vỡ sự đoàn kết dân tộc cần thiết để chống lại Nga.

“Cái giá của việc tổ chức bầu cử trong thời chiến sẽ là một cuộc chiến thất bại. Đoàn kết là nguồn lực không thể thiếu cho chiến thắng của chúng ta”, Tymoshenko nói trong một cuộc phỏng vấn tại Brussels (Bỉ) trong tháng này.

Bà Tymoshenko cũng lưu ý rằng, những người lính tham chiến sẽ gặp khó khăn trong việc bỏ phiếu và bị pháp luật cấm tranh cử trong thời chiến. “Những người đang hy sinh mạng sống của mình ở tiền tuyến, hầu hết sẽ không thể bỏ phiếu. Bảy triệu người Ukraine hiện là người tị nạn, nhiều người đang sống ở nước ngoài và hầu hết họ sẽ không thể bỏ phiếu”, bà nói.

Vào tháng 5, Tiny Kox, một chính trị gia người Hà Lan đã trả lời phỏng vấn truyền thông Ukraine, trong đó, ông kêu gọi Kyiv tổ chức các cuộc bầu cử “tự do và công bằng nhất có thể”. Ông lấy ví dụ về việc Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức bầu cử trực tiếp sau khi trải qua một trận động đất lớn làm bằng chứng cho thấy việc tổ chức bầu cử là có thể.

Kox sau đó đã thay đổi tuyên bố của mình, thừa nhận rằng cuộc bầu cử không thể được tổ chức trong khi Ukraine đang trong tình trạng thiết quân luật. Tuy nhiên, ông nói rằng “vào một thời điểm nhất định sẽ có cuộc bầu cử và lời khuyên của tôi là hãy bắt đầu chuẩn bị cho điều đó càng sớm càng tốt”.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Graham trong chuyến thăm Kyiv đã đưa ra nỗ lực của mình ở cuộc gặp với Tổng thống Zelensky. Ông nói trong cuộc họp báo trước cuộc họp rằng đã đến lúc “Ukraine phải thực hiện bước tiếp theo” trong “sự phát triển của nền dân chủ, cụ thể là tổ chức bầu cử vào năm 2024”.

“Tôi muốn đất nước này có những cuộc bầu cử tự do và công bằng, ngay cả khi nó đang bị tấn công”, Graham nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine sau chuyến thăm của Graham, ông Zelensky cho biết đề xuất của thượng nghị sĩ Mỹ là “rất hợp lý, rất công bằng”. Nhưng ông Zelensky cũng đã nói với Graham rằng các cuộc bầu cử ở Ukraine trong tình trạng thiết quân luật chỉ có thể diễn ra “nếu quyền bầu cử được đảm bảo cho mọi công dân”.

Đáp lại, Graham đưa ra một tuyên bố nói rằng ông "rất vui mừng khi biết rằng Tổng thống Zelensky đã rất cởi mở cho cuộc bầu cử ở Ukraine vào năm 2024".

Ông Zelensky cũng cho biết Ukraine không thể chi trả chi phí 135 triệu USD để tổ chức một cuộc bầu cử trong khi quốc gia này đang đấu tranh cho sự sống còn của mình. Ông gợi ý rằng nếu phương Tây muốn có một cuộc bầu cử thì họ phải trả tiền cho việc đó. Số tiền sẽ được dùng để tổ chức bầu cử cho binh lính và khoảng 7 triệu người tị nạn Ukraine ở nước ngoài. “Phương Tây cũng sẽ phải cử các quan sát viên bầu cử, những người sẽ có mặt ở trong chiến hào”, Tổng thống Zelensky nói.

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy đã phản đối yêu cầu 135 triệu USD của Tổng thống Ukraine để tổ chức bầu cử. Ông Ramaswamy trước đó cho rằng Mỹ nên ngừng tài trợ cho Ukraine và buộc Kyiv phải đàm phán với Moscow.

Vào tháng 8, Quốc hội Ukraine đã gia hạn thiết quân luật thêm 90 ngày cho đến tháng 11, qua đó hoãn cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10. Các chuyên gia pháp lý cho rằng để bầu cử diễn ra, hiến pháp phải được sửa đổi. Ngoài ra, thiết quân luật có thể được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, quốc hội sẽ phải tạm dừng thiết quân luật trong ít nhất 2 đến 3 tháng - khoảng thời gian bắt buộc theo luật Ukraine từ khi công bố bầu cử đến ngày bỏ phiếu, đồng thời cũng để cho các ứng cử viên có đủ thời gian vận động tranh cử.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nói Ukraine có quyền quyết định thời điểm tổ chức bầu cử. Trong chuyến thăm Kyiv hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi ông Zelensky tham khảo ý kiến rộng rãi với xã hội dân sự và phe đối lập Ukraine về thời điểm tổ chức cuộc bỏ phiếu tiếp theo.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng chính quyền Biden thông cảm với nhiều trở ngại về mặt hậu cần khi tổ chức một cuộc bầu cử trong thời chiến. “Chúng tôi không thúc ép họ tổ chức bầu cử”, ông nói.

Một thành viên quốc hội Ukraine cho biết, áp lực chủ yếu đến từ đảng Cộng hòa khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang diễn ra. “Điều này là hợp lý và có thể đoán trước được. Tất nhiên, các vấn đề Ukraine bằng cách này hay cách khác cũng sẽ trở thành một phần trong các cuộc thảo luận trong nước của Mỹ”, nhà lập pháp này nói.

Cựu Thủ tướng Tymoshenko cho biết đảng của bà không đồng tình với ông Zelensky về nhiều vấn đề nhưng bà phản đối việc tổ chức bầu cử trong điều kiện hiện tại. “Chúng tôi hoàn toàn phản đối điều này. Thua trận chỉ vì ai đó muốn bầu cử - điều đó là không thể chấp nhận được”, bà nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới chức phương Tây hối thúc Ukraine tổ chức bầu cử bất chấp chiến tranh