Chính quyền Biden hôm 19.9 đã kêu gọi tăng cường tài trợ phòng không cho Ukraine, khi các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ duy trì nguồn cung cấp vũ khí mà các quốc gia phương Tây hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong cuộc phản công của Kyiv.
Theo Washington Post, các quan chức từ hơn 50 quốc gia đã tập trung tại Đức để thảo luận về việc tìm nguồn viện trợ quân sự trong tương lai cho Ukraine trong bối cảnh nước này đang bước vào tháng thứ 4 của cuộc phản công với những thành tựu khá "khiêm tốn".
Thiệt hại do xung đột Nga - Ukraine gây ra đối với giá lương thực và năng lượng đã thúc đẩy lời kêu gọi đàm phán hòa bình giữa các nước đang phát triển, trong khi ở Mỹ, một số đảng viên Cộng hòa ngày càng miễn cưỡng trong việc ủng hộ dự luật viện trợ quân sự cho Ukraine.
Bất chấp những thách thức trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washinton và các đồng minh đã “chứng minh sức mạnh bền bỉ của họ” bằng cách cam kết hơn 76 tỷ USD viện trợ an ninh trực tiếp, bao gồm hơn 40 tỉ USD từ Mỹ kể từ khi Nga phái lực lượng tới Ukraine.
Theo ông Austin, xe tăng M1A1 Abrams đã được tân trang lại của Mỹ sẽ sớm có mặt trên chiến sự. Một quan chức Mỹ giấu tên cho Washington Post biết những chiếc xe tăng này sẽ có mặt ở Ukraine trong vài ngày tới.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cũng kêu gọi những bên ủng hộ Ukraine cung cấp thêm đạn pháo, cùng với các hệ thống phòng không như HAWK, NASAMS và IRIS-T – những vũ khí đã chứng minh tầm quan trọng trong việc chống lại các loạt tên lửa của Nga và máy bay không người lái trong năm qua. Các nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh đất nước của họ cần nhiều hệ thống hơn nữa để được bảo vệ hoàn toàn.
“Hệ thống phòng không sẽ tiếp tục là nhu cầu lớn nhất của Ukraine để bảo vệ bầu trời, dân thường và các thành phố cũng như những người dân vô tội. Chúng ta cần một lần nữa xem xét kho dự trữ đạn 155mm cũng như các hệ thống phòng không và máy bay đánh chặn quan trọng để đảm bảo rằng tất cả chúng ta đang cống hiến mọi thứ có thể”, ông Austin nói với các phóng viên.
Cuộc hội đàm ở Đức đánh dấu cuộc họp lần thứ 15 của “nhóm liên lạc quốc phòng” bao gồm các bộ trưởng và quan chức khác từ các quốc gia ủng hộ Ukraine. Tham gia cùng các ngoại trưởng phương Tây lần đầu tiên có tân Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Rustem Umerov, người được ông Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bổ nhiệm trong một cuộc cải tổ gần đây.
Các lực lượng Ukraine đang theo đuổi chiến lược đa hướng trong cuộc phản công đang diễn ra và tìm cách chiếm lại các khu vực ưu tiên ở phía đông đất nước, đồng thời cố gắng tiến về phía nam tới các tuyến đường tiếp tế của Nga dọc biển Azov. Tuần này, các quan chức Ukraine cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát một ngôi làng gần thành phố Bakhmut bị tàn phá.
Bao trùm các cuộc thảo luận là những thách thức mà Ukraine phải đối mặt trong chiến dịch này, vốn đã không còn hy vọng đạt được bước tiến quyết định. Đầu chiến dịch, những khó khăn do các lớp mìn và các hệ thống phòng thủ khác của Nga gây ra đã khiến Ukraine từ bỏ một cuộc tấn công cơ giới hóa đã lên kế hoạch để chuyển sang sử dụng pháo binh.
Trong khi một số quan chức Mỹ lưu ý rằng những chiến thuật đó giúp tiết kiệm nhân lực và trang thiết bị, cách tiếp cận này cũng làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột kéo dài có thể làm giảm sự sẵn lòng của các quốc gia phương Tây trong việc tài trợ cho một cuộc chiến tốn kém.
Chìa khóa để duy trì sức mạnh chiến đấu của Ukraine là tiếp tục được cung cấp vũ khí, đặc biệt là đạn pháo 155mm. Tuy nhiên, việc không đáp ứng kịp thời nhu cầu về đạn pháo của Kyiv đã thúc đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện bước đi gây tranh cãi là cung cấp bom chùm cho Ukraine, điều này có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho dân thường.
Ukraine cũng đang yêu cầu các hệ thống phức tạp hơn bao gồm Hệ thống tên lửa chiến thuật (ATACMS) do Mỹ sản xuất, có tầm bắn khoảng hơn 300km. Trong khi, các quan chức Ukraine đã kêu gọi được cung cấp loại tên lửa trong nhiều tháng và nói rằng chúng sẽ giúp vô hiệu hóa sức mạnh chiến đấu của Nga bằng cách tấn công các trạm tiếp tế và chỉ huy ở phía sau chiến tuyến của Nga, giới chức Mỹ lại bày tỏ quan ngại về nguồn cung cấp của Washington.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Biden có bật đèn xanh cho các thương vụ ATACMS như đã làm với các hệ thống vũ khí khác như xe tăng Abrams và máy bay chiến đấu F-16 theo yêu cầu của Ukraine hay không?
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ lưu ý rằng các hoạt động phản công khó khăn hơn bảo vệ lãnh thổ. Theo ông, Ukraine vẫn còn thời gian trước khi thời tiết khắc nghiệt ập đến khiến việc giao tranh sẽ trở nên khó khăn hơn.