Tạp chí Diplomat dẫn thông tin từ nhà nghiên cứu các vấn đề Đông Á Steven Stashwick cho biết, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ vừa công bố một chiến lược mới kết hợp năng lực tác chiến của hai lực lượng. Ông Stashwick đánh giá mục đích của chiến lược này là nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc.

Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ hợp tác đối phó Trung Quốc

Cẩm Bình | 03/10/2017, 16:57

Tạp chí Diplomat dẫn thông tin từ nhà nghiên cứu các vấn đề Đông Á Steven Stashwick cho biết, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ vừa công bố một chiến lược mới kết hợp năng lực tác chiến của hai lực lượng. Ông Stashwick đánh giá mục đích của chiến lược này là nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc.

Chiến lược mang tên “Hoạt động duyên hải trong môi trường cạnh tranh” (LOCE), muốn thông qua việc kết hợp tác chiến của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng của những hệ thống tên lửa tầm xa, cơ động với lực lượng hải quân cũng như các thách thức ở những vùng ven biển và hải đảo.

LOCE đặt ra khuôn khổ để thủy quân lục chiến sử dụng khả năng hoạt động cả trên biển lẫn trên đất liền của mình để giành lấy quyền kiểm soát các khu vực ven biển, qua đó hỗ trợ cho hoạt động kiểm soát biển, theo The Diplomat.

The Diplomat cho biết, LOCE đã được phát triển và thử nghiệm từ năm 2015. Ý tưởng đầy đủ của LOCE hiện vẫn chưa được phân loại. Bản chiến lược vừa được công bố trên đã được kí kết bởi Tư lệnh Hải quân và Chỉ huy trưởng Thủy quân lục chiến, cho thấy một học thuyết mới đang được phát triển và dựa trên học thuyết này mà Mỹ sẽ tiến hành tái phân bổ hoặc mua thêm hệ thống vũ khí.

Thủy quân lục chiến tham gia giành quyền kiểm soát biển

Theo The Diplomat, Hải quân Mỹ sau Chiến tranh Lạnh cho rằng họ không còn phải đối mặt với bất cứ thách thức nào trong hoạt động kiểm soát biển nữa. Với suy nghĩ này, hệ thống vũ khí và các năng lực tác chiến nhằm kiểm soát và bảo vệ quyền kiểm soát biển đã không còn được xem trọng nữa.

Ví dụ tiêu biểu cho suy nghĩ này chính là việc trong tổng số 73 tàu khu trục lớp Arleigh Burke đang hoạt động lẫn đang được chế tạo thì chỉ có 27 chiếc được trang bị tên lửa hành trình chống hạm, trong khi số còn lại vẫn chưa được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa mới (vẫn đang được phát triển cho đến những năm 2020).

Theo lối suy nghĩ cũ, trong các cuộc chiến cả trên biển lẫn trên đất liền thì lực lượng thủy quân lục chiến sẽ chiến đấu trên đất liền. Tuy nhiên, những hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa được triển khai từ đất liền hay từ các căn cứ quân sự của phía đối phương đã khiến hải quân Mỹ không còn có thể tự do hoạt động nữa.

Vì vậy, chiến lược LOCE đã phá bỏ lối suy nghĩ và quy tắc cũ. Thay vì để hải quân kiểm soát được biển trước rồi mới triển khai thủy quân lục chiến thì sắp tới thủy quân lục chiến sẽ được triển khai chiến đấu trên bờ trước để hỗ trợ hải quân giành được quyền kiểm soát biển.

Với chiến lược này, thủy quân lục chiến sẽ chiếm lấy những thiết bị phát hiện trên đất liền và vũ khí chống hạm đe dọa đến hải quân Mỹ của đối phương, sau đó dùng chúng chống lại hải quân đối phương. Vai trò của thủy quân lục chiến không phải chỉ là đổ bộ chiếm bờ biển rồi giúp đỡ hải quân mà là hỗ trợ các tàu đổ bộ và trang bị khả năng tấn công lại tàu chiến và máy bay đối phương cho các tàu này, The Diplomat cho biết.

Cụ thể, thủy quân lục chiến có thể đưa các hệ thống tên lửa và pháo lên boong tàu, biến chúng thành những cứ điểm quân sự tấn công các mục tiêu trên bờ lẫn trên biển.

Cũng theo The Diplomat, đây không phải là vai trò gì mới với thủy quân lục chiến Mỹ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, lính thủy quân lục chiến được triển khai cùng các tàu chiến lớp Iowa đã được phân công sử dụng các pháo phòng không của tàu.

Sắp tới tàu đổ bộ của Mỹ sẽ được lực lượng thủy quân lục chiến hỗ trợ-Ảnh: Business Insider

Chiến lược này rất phù hợp với ý tưởng gây ra nhiều mối đe dọa cho đối phương của hải quân Mỹ, giúp tăng năng lực chiến đấu của tàu chiến qua đó hỗ trợ cho một mạng lưới các mối đe dọa nhằm làm rối hoạt động của kẻ thù, The Diplomat cho biết.

Tàu đổ bộ thường bị xem là những mục tiêu dễ bị tấn công nên thường cần có nhiều tàu khu trục và tàu tuần dương bảo vệ, nhưng khi có thủy quân lục chiến và pháo binh hỗ trợ thì tàu khu trục và tàu tuần dương có thể được triển khai cho nhiệm vụ khác, còn tàu đổ bộ lại có thêm năng lực tấn công.

Thông điệp gửi đến Trung Quốc

Trang USNI News dẫn lời nhiều nhà chiến lược của Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết khởi nguồn của LOCE là từ cuộc di tản phi vũ trang ở Beirut (Lebanon) năm 2006, khi nhóm chiến binh Hezbollah tấn công một tàu hộ tống của Israel bằng tên lửa hành trình chống hạm.

Theo The Diplomat, bản chiến lược này không nhắm đến một quốc gia cụ thể nào, nhưng trong nội dung có nói biển Baltic, phía đông Địa Trung Hải và phía tây Thái Bình Dương là những khu vực thích hợp để áp dụng. Bản chiến lược cũng nhấn mạnh sẽ không tiến hành “những chiến dịch lớn” với những đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, LOCE là một thông điệp ẩn ý gửi đến Trung Quốc.

LOCE nêu rõ, đối tượng áp dụng chiến lược này là những quốc gia “có năng lực chống xâm nhập biển tốt”, có khả năng sử dụng lợi thế về vũ khí chính xác cao, hệ thống phát hiện trên biển cùng với các hệ thống triển khai trên không lẫn trên đất liền để làm giảm khả năng chiến đấu tiên tiến nhưng tương đối hạn chế của Hải quân Mỹ. Theo ông Stashwick, chỉ có Trung Quốc phù hợp những mô tả trên.

Ông Stashwick cũng chỉ ra rằng, trong LOCE có đề cập nhiệm vụ “vô hiệu hóa các mối nguy từ tên lửa đạn đạo chống hạm”, mà hiện chỉ có Trung Quốc đang phát triển loại tên lửa này.

Ngoài ra, trong bản chiến lược cũng có nhắc đến những hoạt động hung hăng được thực hiện bởi “những lực lượng đại diện” tuyên bố quyền kiểm soát tại những nơi đang tranh chấp. Đối tượng được nói đến ở đây chính là Dân quân biển của Trung Quốc và những hoạt động của lực lượng này ở biển Hoa Đông và Biển Đông, theo nhà nghiên cứu Stashwick.

Tên lửa đạn đạo DF-21 của Trung Quốc-Ảnh: Newsweek

Hơn nữa, một bằng chứng rõ ràng khác chính là bản đồ họa phác thảo LOCE rất giống với khu vực quần đảo phía tây nam của Nhật dọc theo bờ biển phía đông của Trung Quốc, ông Stashwick cho biết.

Nhắc lại kết luận trong một bài viết của mình vào tháng 4, ông Stashwick cho rằng việc Mỹ phát triển chiến lược mới này có thể sẽ dẫn đến một cuộc xung đột giữa một bên là Trung Quốc đang cố mở rộng phạm vi kiểm soát ra ngoài,với một bên là Mỹ cùng các đồng minh cũng đang nỗ lực kiểm soát vùng biển, đảo và không phận giữa các nước này.

Tuy nhiên, cũng theo ông Stashwick, LOCE không nhất thiết sẽ dẫn tới tình trạng chạy đua vũ trang hay xung đột Trung-Mỹ. Chiến lược này có thể giúp Mỹ tăng sức nặng trong thương lượng yêu cầu Trung Quốc dừng quân sự hóa Biển Đông.

Cẩm Bình (theo The Diplomat)
Bài liên quan
Một cơ sở thẩm mỹ bị đóng cửa đã cố tình thay tên để tiếp tục hoạt động trái phép
Sau khi bị xử phạt, đóng cửa 18 tháng, một cơ sở thẩm mỹ tại địa chỉ 57 Ba Tháng Hai, phường 11, quận 10, TP.HCM đã thay tên công ty và mở phòng khám chuyên khoa da liễu mang tên “An Nhi” nhằm né việc chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ hợp tác đối phó Trung Quốc