Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Quyết định này đưa bang giao hai nước vào một giai đoạn phát triển mới.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ sự phát triển của Việt Nam, trong đó có hợp tác kinh tế và khoa học - công nghệ trong giai đoạn mới, như phát triển công nghiệp điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch. Theo Tổng thống Mỹ, việc Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện có lợi cho cả hai nước và lợi ích quốc tế chung.
Nhà Trắng cũng thông báo sẽ cùng Việt Nam tăng cường hợp tác trong 8 lĩnh vực lớn, trong đó các vấn đề như kinh tế đổi mới, khoa học công nghệ, thương mại, đầu tư sẽ là động lực cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Theo đó, hàng Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc phát triển vào thị trường Mỹ thời gian tới. Trong những năm qua, Mỹ luôn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng gấp 2,5 lần chỉ sau 10 năm Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ đối tác toàn diện, lên mức kỷ lục đạt gần 487 triệu USD vào năm 2022.
Từ năm 2017 - 2019, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng trưởng liên tục. Riêng năm 2019, xuất khẩu sang thị trường này tăng vọt 38%. Nguyên nhân do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên các nhà nhập khẩu Mỹ đã chuyển hướng sang Việt Nam. Điều này đã giúp Việt Nam tăng thị phần tại thị trường cá ngừ Mỹ trong năm 2019.
Bước sang năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã bị sụt giảm. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế Mỹ sau giai đoạn căng thẳng của đại dịch được coi là mạnh mẽ nhất trong số các nền kinh tế phương Tây đã giúp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ lập đỉnh vào năm 2022.
Nhưng rồi do khó khăn chung của thị trường thế giới như lạm phát, giá trung bình xuất khẩu giảm, sự gia tăng đột biến nhập khẩu tại Mỹ trong năm 2022 đã khiến lượng tồn kho tăng cao... đã khiến cho nhập khẩu cá ngừ vào Mỹ chậm lại. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2023 đã giảm 49%, chỉ đạt hơn 171 triệu USD. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Ngành thủy sản Việt Nam nhận định trong số các thị trường nhập khẩu cá ngừ trên thế giới, Mỹ đang là nước nhập khẩu lớn thứ 2 sau Nhật Bản. Cá ngừ vẫn đang là sản phẩm được tiêu thụ nhiều thứ 3 tại Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược hàng đầu của ngành cá ngừ Việt Nam.
Có thể nói, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng sau 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đang ngày càng khởi sắc. Sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, trong đó có thương mại cá ngừ của Việt Nam với Mỹ có các bước đột phá mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Mỹ cũng là một trong những thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam. Sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang cường quốc này năm 2022 đạt 537 triệu USD, tăng 41% so với năm 2013.
Tính tới ngày 15.8 vừa qua, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ đạt 169 triệu USD, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường không mấy lạc quan của cá tra Việt Nam trong những tháng đầu năm nay do lạm phát, kinh tế suy giảm, đặc biệt là tồn kho cao do thị trường này nhập khẩu nhiều vào nửa đầu năm 2022. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tốc độ nhập khẩu cá tra của cường quốc này chậm lại trong những tháng đầu năm nay.
Giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Mỹ cũng dao động ở mức 2,97 - 3,45 USD/kg trong 6 tháng đầu năm nay. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh, cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh, cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang thị trường Mỹ.
Mùa lễ hội cuối năm, hàng tồn kho giảm dần... sẽ tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm.
Sau 28 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2023) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023), nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam và Mỹ ngày 10.9 vừa qua đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, Đối tác chiến lược toàn diện.
Theo đó, hai bên sẽ phát triển quan hệ một cách toàn diện, trên tất cả lĩnh vực quan trọng và trước mắt hợp tác kinh tế sẽ được ưu tiên. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam kỳ vọng rằng, bước tiến mới trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ sẽ mở ra cơ hội để ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra, sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đưa loài cá thịt trắng đặc trưng, thơm ngon, giàu dinh dưỡng, giá cả phải chăng phổ biến hơn với người dân tại cường quốc này.