Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc sắp diễn ra vào ngày 23.9, các nhà lãnh đạo sẽ được yêu cầu phải cam kết tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hạn chế phát thải.
Ngoài ra Liên Hợp Quốc còn có một động thái bất thường khác: chỉ cho phép quốc gia nào công bố mục tiêu cắt giảm phát thải carbon đầy tham vọng hoặc tiến hành hỗ trợ quốc gia đang phát triển chống biến đổi khí hậu mới được phát biểu tại sự kiện này.
Như vậy có nghĩa một số nước như Nhật Bản, Úc và Nam Phi bị mất cơ hội phát biểu vì họ vẫn còn sử dụng nguyên liệu than đá.
Mỹ cũng bị loại vì Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Ả Rập Saudi cùng với Brazil – từng lên tiếng chỉ trích thỏa thuận – chịu chung số phận. Nhà lãnh đạo ba nước này đều dự định không đến tham gia hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 18.9 đã đề nghị các nước đem đến hội nghị nhiều bản kế hoạch giảm phát thải trong thập niên tới, chứ không phải chỉ là bài phát biểu. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang thua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.
Dù nhận được lời khen ngợi từ những nhóm đấu tranh bảo vệ môi trường, nhưng động thái của Liên Hợp Quốc cũng hứng chịu không ít tranh cãi.
Trong khi Nhật Bản, Nam Phi bị cấm thì Trung Quốc cùng Ấn Độ – hai quốc gia nằm trong số nước phát thải carbon lớn nhất thế giới và xây nhà máy nhiệt điện than nhiều nhất thế giới – lại có thể phát biểu. Đây là cơ hội để họ kêu gọi các nước phát triển chi thêm hàng nghìn tỉUSD nữa cho chống biến đổi khí hậu mặc dù chưa chắc Trung vàẤn chịu đưa ra cam kết cắt giảm phát thải nào.
Theo một số thông tin, quốc gia cam kết thực hiện một trong 3điều sau: đạt mức trung tính về phát thải carbon (có biện pháp làm giảm lượng phát thải bằng đúng lượng phát thải tạo ra) vào năm 2050, tăng đáng kể mục tiêu cắt giảm phát thải, ra cam kết có ý nghĩa với Quỹ Khí hậu xanh – quỹ lập ra nhằm mục đích hỗ trợ quốc gia đang phát triển thực hiện biện pháp chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về khí hậu năm nay nhận phải sự chú ý lớn vì phát thải nhà kính tiếp tục tăng bất chấp hàng loạt cam kết trong thỏa thuận khí hậu Paris. Với tốc độ phát thải hiện tại, nhiệt độ Trái đất tăng ít nhất 3 độ C vào cuối thế kỷ này.
Khoảng 5.000 cuộc tuần hành kêu gọi hành động đã nổ ra ở 159 nướctrong ngày hôm qua 20.9.
Cẩm Bình (theo The Telegraph)