Thủ tướng hỏi lãnh đạo một số huyện, xã về tình hình vi phạm, xử lý vi phạm của ngư dân thì lãnh đạo địa phương tỏ ra lúng túng, thậm chí quay sang hỏi người xung quanh. Theo Thủ tướng như thế là nắm chưa chắc tình hình.

Họp gỡ thẻ vàng EC: Thủ tướng hỏi, nhiều lãnh đạo cấp huyện, xã lúng túng

Lam Thanh | 07/09/2021, 17:10

Thủ tướng hỏi lãnh đạo một số huyện, xã về tình hình vi phạm, xử lý vi phạm của ngư dân thì lãnh đạo địa phương tỏ ra lúng túng, thậm chí quay sang hỏi người xung quanh. Theo Thủ tướng như thế là nắm chưa chắc tình hình.

Năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp để gỡ “thẻ vàng”, chúng ta đạt được một số kết quả, song mục tiêu lớn nhất là gỡ “thẻ vàng” chưa đạt được.

Tại cuộc họp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm.

Nhiều lãnh đạo địa phương lúng túng

Tại cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu kết nối trực tiếp với nhiều đơn vị cấp huyện, xã tại những tỉnh có nhiều ngư dân vi phạm để tìm hiểu tình hình thực tế. Thủ tướng đặt hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo các địa phương về việc tổ chức thực hiện.

Ông Đường Hữu Lý, Bí thư xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang thừa nhận “xã mới nắm được một phần”. Thủ tướng nêu rõ, cấp xã phải nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện thì mới quản lý, tổ chức thực hiện tốt. “Nếu chỉ nắm một được phần thì làm sao quản lý được 100%?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Ông Phạm Trần Ninh, Chủ tịch UBND thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết một số người dân không biết rõ biên giới trên biển hoặc ý thức chấp hành pháp luật chưa cao nên vi phạm.

Ông Ninh cho rằng, các quy định, công cụ quản lý cơ bản đầy đủ nhưng điều quan trọng là nhận thức của người dân. Nếu người dân hiểu rõ quy định, đặt lợi ích chung của ngành thủy sản và của cộng đồng lên trên thì họ sẽ chấp hành rất tốt. Nếu người dân không vi phạm, việc xuất khẩu sẽ thuận lợi, bảo đảm lợi nhuận cho chính ngư dân.

Nghe vậy, Thủ tướng đặt câu hỏi ai phải tuyên truyền cho người dân và cấp nào làm hiệu quả nhất? Ông Ninh trả lời, từ Trung ương đến địa phương đều phải tuyên truyền, vận động nhân dân, nhưng xã, phường là mắt xích quan trọng nhất, cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phải vào cuộc.

thu-tuong-8.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Đồng tình với câu trả lời này, Thủ tướng nhấn mạnh, trong phòng chống COVID-19, chúng ta đã lấy xã phường làm pháo đài. Để ngăn chặn vi phạm trong khai thác hải sản, phải phát huy vai trò của cấp xã, phường.

“Đây là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân. Ngay từ xã phường phải thực hiện tốt cơ chế cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vào cuộc, giám sát, vận động, kêu gọi người dân tích cực hưởng ứng, tham gia, chấp hành. Cấp huyện phải kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ cấp xã. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh”, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung này tới lãnh đạo các địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, việc nhỏ nhưng tổ chức không tốt thì việc nhỏ cũng không xong. Người dân không muốn vi phạm nhưng không tuyên truyền tốt thì người dân không biết rõ quy định, không hiểu rằng vi phạm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, của địa phương, của cộng đồng.

Tiếp đó, người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi với ông Lê Nguyên Trắng, Chủ tịch UBND xã An Thụy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre về tình hình vi phạm của ngư dân trên địa bàn, việc xử lý đến đâu? Tại sao người dân vi phạm?

Lãnh đạo địa phương tỏ ra lúng túng trước các câu hỏi này. “Các đồng chí quay sang hỏi người xung quanh, như thế là các đồng chí nắm chưa chắc. Lãnh đạo cơ sở nắm chưa chắc nên người dân mới vi phạm”, Thủ tướng nhắc nhở và yêu cầu rút kinh nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, những vi phạm của một bộ phận ngư dân đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến môi trường mà còn tới sinh kế của hàng triệu ngư dân khai thác hải sản hợp pháp và các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các địa phương phải nhận thức rõ điều này để thực hiện nghiêm các giải pháp.

Ông Khánh cũng đồng tình với quan điểm của Thủ tướng về vai trò của chính quyền địa phương trong công tác này, hệ thống pháp luật đã tương đối đầy đủ, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ.

Nguy cơ bị nâng lên “thẻ đỏ”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngành thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với sản lượng khoảng 9 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 8,5 đến 9 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngành khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn tới việc EC cảnh cáo thẻ vàng. Nhưng sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, Việt Nam còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu; không những chưa gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị nâng lên “thẻ đỏ”.

Thủ tướng nêu, tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài – đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Ngoài ra, ngư dân chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản. Đến nay mới đạt 27.628/30.609 tàu cá (90,26%); còn tình trạng lắp đặt rồi thì lại ngắt kết nối khi đánh bắt; công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm; công tác chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa bảo đảm độ tin cậy cao…

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu chậm nhất trong năm nay, tức còn 4 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm nói trên. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tổ chức quản lý, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm túc pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy sản.

thu-tuong-9.jpg
Thủ tướng họp trực tuyến với các địa phương

Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan đề xuất rõ ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp. Tăng cường công tác nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2021, khởi tố hình sự một số vụ việc vi phạm để răn đe, làm gương trên cơ sở quy định pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh số hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, quản lý, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hỗ trợ ngư dân; bố trí hợp lý nguồn vốn cho phát triển hạ tầng nghề cá; xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thủ tướng giao Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản không có nguồn gốc rõ ràng theo quy định; cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp.

Bài liên quan
Phó thủ tướng yêu cầu rà soát việc gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Họp gỡ thẻ vàng EC: Thủ tướng hỏi, nhiều lãnh đạo cấp huyện, xã lúng túng