Ngày 24.2, Nga phát động một chiến dịch quân sự nhắm vào Ukraine.

Lịch sử đầy biến động của Ukraine kể từ khi giành độc lập

Cẩm Bình | 24/02/2022, 17:33

Ngày 24.2, Nga phát động một chiến dịch quân sự nhắm vào Ukraine.

Quân đội Nga bắn tên lửa vào một số thành phố của Ukraine và đưa quân đổ bộ lên bờ biển phía nam nước này. Lực lượng biên phòng Ukraine cho biết họ bị tấn công từ nhiều hướng, trong đó có cả từ Belarus và Crimea. Đây là biến động mới nhất trong lịch sử chính trị vốn đầy biến động của Ukraine kể từ năm 1991 đến nay.

mioc5itf7zmofgemthpmu7vnvq.jpg
Một điểm bị trúng tên lửa vào ngày 24.2 - Ảnh: Reuters

Năm 1991, Leonid Kravchuk - nhà lãnh đạo nước Cộng hòa XHCN Xô Viết Ukraine, 1 trong 15 nước cộng hòa hợp thành Liên Xô - tuyên bố độc lập. Trong một cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử Tổng thống, người dân Ukraine chấp thuận độc lập, bầu ông Kravchuk làm Tổng thống.

Năm 1994, chính trị gia Leonid Kuchma đánh bại Tổng thống đương nhiệm Kravchuk trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Năm 1999, Tổng thống Kuchma tái đắc cử bằng một cuộc bỏ phiếu có nhiều bất thường.

Năm 2004, ứng viên thân Nga Viktor Yanukovich được tuyên bố thắng cử Tổng thống, nhưng cáo buộc gian lận phiếu bầu làm dấy lên phong trào biểu tình Cách mạng Cam nổi tiếng. Bầu cử phải tiến hành lại, cựu Thủ tướng thân phương Tây Viktor Yushchenko thắng cử.

Năm 2005, ông Yushchenko chính thức nắm quyền với lời hứa đưa Ukraine thoát khỏi ảnh hưởng của Nga, nghiêng về NATO và Liên minh châu Âu (EU). Yushchenko bổ nhiệm cựu giám đốc công ty năng lượng Yulia Tymoshenko làm Thủ tướng, nhưng bà bị sa thải sau một cuộc đấu đá trong nội bộ nhóm thân phương Tây.

Năm 2008, NATO cam kết sẽ xem xét cho Ukraine gia nhập.

1180299.jpg
Dưới thời ông Yushchenko nắm quyền, NATO cam kết xem xét cho Ukraine gia nhập - Ảnh: TASS

Năm 2010, chính trị gia Yanukovich đánh bại Tổng thống Tymoshenko để lên nắm quyền. Dưới thời ông, Ukraine - Nga đạt được thỏa thuận định giá khí đốt đổi lại việc cho hải quân Nga tiếp tục đồn trú tại một hải cảng trên Biển Đen.

Năm 2013, Tổng thống Yanukovich đình chỉ đàm phán hợp tác và thương mại với EU, chọn khôi phục quan hệ kinh tế với Nga – một quyết định làm bùng lên biểu tình suốt nhiều tháng.

Năm 2014, biểu tình biến thành bạo lực, hàng chục người biểu tình thiệt mạng. Quốc hội Ukraine vào tháng 2 năm đó bỏ phiếu phế truất Tổng thống Yanukovich. Sau đó bất ổn nổ ra tại Crimea.

Ngày 16.3.2014, cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea cho kết quả người dân tại đây muốn sáp nhập vào Nga. Phía Moscow âm thầm tiến hành một chiến dịch quân sự hoàn thành việc sáp nhập.

cossacks-crimea-ukraine-russia.jpg
Nga sáp nhập Crimea bằng một chiến dịch quân sự bất ngờ - Ảnh: TIME

Tháng 4.2014, lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbas (gồm hai khu vực nhỏ hơn là Luhansk và Donetsk) tuyên bố độc lập. Giao tranh giữa lực lượng ly khai với quân đội Ukraine nổ ra và kéo dài cho đến nay.

Tháng 5.2014, doanh nhân Petro Poroshenko thắng cử Tổng thống. Ông theo đuổi đường lối thân phương Tây.

Tháng 7.2014, máy bay chở khách MH17 từ Amsterdam đi Kuala Lumpur bị tên lửa bắn rơi tại miền đông Ukraine khiến 298 hành khách thiệt mạng. Các nhà điều tra xác định tên lửa bắn rơi máy bay là tên lửa Nga, Moscow một mực phủ nhận.

Năm 2017, Ukraine đạt được thỏa thuận với EU, mở ra thị trường thương mại tự do và du lịch EU miễn thị thực cho công dân Ukraine.

Năm 2019, nhà thờ Chính thống giáo Ukraine tách khỏi giáo hội Chính thống Moscow và được công nhận chính thức – diễn biến khiến Điện Kremlin tức giận.

Cũng trong năm đó, diễn viên hài Volodymyr Zelenskiy đánh bại Tổng thống Poroshenko với lời hứa xử lý tham nhũng và chấm dứt chiến tranh ở miền đông Ukraine. Đảng của ông cũng giành chiến thắng ở Quốc hội Ukraine vào tháng 7.

Tổng thống Zelenskiy từng dính vào cuộc đấu đá chính trị tại Mỹ. Tổng thống Donald Trump lúc đó yêu cầu ông điều tra đối thủ chính trị Joe Biden cùng con trai Hunter về hoạt động kinh doanh ở Ukraine.

Tháng 1.2021, Tổng thống Zelenskiy đề nghị ông Biden (lúc này đã là Tổng thống Mỹ) cho Ukraine gia nhập NATO. Một tháng sau chính phủ của ông trừng phạt thủ lĩnh phe đối lập Viktor Medvedchuk – đồng minh nổi bật của Nga tại Ukraine.

Mùa xuân năm đó, Nga tập trung quân đến sát biên giới Ukraine với lý do tiến hành tập trận.

Tháng 10.2021, một dàn pháo 152 mm D-30 của lực lượng ly khai tấn công các vị trí quân đội Ukraine đồn trú ở Donbas. Đạn bắn vào 2 làng Hranitne và Staromarievka nơi lữ đoàn 93 đóng quân, khiến 2 binh sĩ bị thương và 1 người tử vong.

Quân đội Ukraine lần đầu dùng máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp phóng tên lửa tiêu diệt pháo Nga. Màn biểu dương sức mạnh này khiến Nga không khỏi lo lắng và lên tiếng phàn nàn NATO đang đe dọa an ninh Nga bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine (Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO).

Mùa thu năm 2021, Nga lại tập trung quân đến sát biên giới Ukraine đồng thời yêu cầu NATO thỏa mãn loạt yêu cầu đảm bảo an ninh – trong đó có yêu cầu không cho Ukraine gia nhập. Tổng thống Biden nhiều lần cảnh báo phương Tây sẽ trừng phạt kinh tế nếu Nga tấn công Ukraine.

Căng thẳng kéo dài sang năm 2022. Nga đưa quân sang Belarus tập trận rồi đồn trú dài hạn, NATO củng cố sức mạnh ở mặt trận phía đông bằng nhiều tàu chiến cùng máy bay.

Ngày 26.1, Mỹ đưa ra phản hồi bằng văn bản đối với loạt yêu cầu an ninh từ Nga. Washington tái khẳng định NATO giữ nguyên nguyên tắc sẵn sàng đón nhận thành viên mới, nhưng sẵn lòng đối thoại với Moscow.

2 ngày sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố yêu cầu an ninh của họ chưa được giải quyết.

Mỹ, Pháp, Đức sau đó triển khai nỗ lực ngoại giao nhưng đều đi vào ngõ cụt. Đầu tháng 2, Mỹ cùng nhiều quốc gia khác khuyến cáo công dân nước mình nhanh chóng rời khỏi Ukraine do lo sợ nguy cơ Nga phát động tấn công.

Ngày 15.2, Nga tuyên bố rút bớt quân sau khi tập trận kết thúc. Tuy nhiên Quốc hội Nga lại đề nghị Tổng thống Putin công nhận Luhansk và Donetsk độc lập. Phương Tây tỏ ý nghi ngờ.

Ngày 19.2, lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga tổ chức tập trận dưới sự giám sát của Tổng thống Putin. Sau đó 2 ngày Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết 2 ông Biden và Putin đồng ý tổ chức cuộc họp thượng đỉnh về tình hình Ukraine. Nhưng không lâu sau nhà lãnh đạo Nga ký quyết định công nhận Luhansk và Donetsk độc lập đồng thời hạ lệnh đưa quân sang hai khu vực ly khai “gìn giữ hòa bình”.

Ngày 22.2, phương Tây đáp trả bằng loạt trừng phạt kinh tế nhắm vào ngân hàng, nghị sĩ Nga, doanh nhân có quan hệ mật thiết với Tổng thống Putin cũng như những người ủng hộ việc công nhận độc lập của hai khu vực ly khai. Riêng Đức ngừng cấp phép cho đường ống khí đốt Nord Stream 2.

Ngày 23.2, lực lượng ly khai yêu cầu Nga giúp đỡ đối phó quân đội Ukraine. Ngày 24.2, Tổng thống Putin tuyên bố chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine.

Bài liên quan
TP.HCM: Đang bị đình chỉ, Thẩm mỹ quốc tế Lucy vẫn ngang nhiên hoạt động
Dù đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động do có nhiều sai phạm, nhưng Thẩm mỹ quốc tế Lucy vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lịch sử đầy biến động của Ukraine kể từ khi giành độc lập