Các công tố viên nhà nước Nga yêu cầu một thẩm phán bỏ tù nhà phê bình Điện Kremlin - Alexei Navalny trong 30 ngày, sau khi ông này bị bắt giữ vào tối 17.1 tại sân bay Sheremetyevo (Moscow) trong lần trở về nước đầu tiên kể từ lúc bị đầu độc vào tháng 8.2020.
Liên Hợp Quốc và các quốc gia phương Tây yêu cầu Nga trả tự do ngay lập tức cho Alexei Navalny và một số quốc gia kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới. Song, Nga nói các nước này hãy quan tâm đến công việc của mình.
Trong video từ bên trong đồn cảnh sát, Alexei Navalny gọi phiên điều trần là "mức độ vô pháp cao nhất" và đả kích Tổng thống Vladimir Putin, cáo buộc ông ném bộ luật hình sự ra khỏi cửa sổ vì sợ hãi.
Điện Kremlin dự kiến sẽ bình luận về trường hợp của Alexei Navalny hôm nay, nhưng thường chuyển các câu hỏi về chính trị gia 44 tuổi cho các cơ quan thực thi pháp luật.
Khoảng 200 trăm người ủng hộ Alexei Navalny tập trung bên ngoài đồn cảnh sát trong nhiệt độ âm 18 độ C và yêu cầu thả tự do cho ông, theo Reuters.
Việc giam giữ Alexei Navalny theo lệnh của Cơ quan quản lý nhà tù Moscow liên quan đến cáo buộc không tuân thủ bản án tù treo trong vụ án tham ô mà ông cho rằng đã bị thổi phồng.
Ở phiên tòa hôm 18.1, một số phần trong đó được các đồng minh Navalny truyền trực tiếp, có thể ra phán quyết bắt tạm giam ông cho đến khi một tòa án khác quyết định có chuyển mức án 3 năm rưỡi tù treo thành tù giam hay không.
Các công tố viên nhà nước Nga đã yêu cầu tòa án bỏ tù Navalny trong 30 ngày, theo Ivan Zhdanov, người đứng đầu tổ chức chống tham nhũng của Navalny.
4 sĩ quan cảnh sát đeo khẩu trang đã bắt giữ Navalny tại nơi kiểm soát hộ chiếu sân bay Sheremetyevo tối 17.1. Đây là lần đầu tiên thủ lĩnh phe chống ông Putin trở về nước sau khi bị đầu độc trên chuyến bay ở Siberia (Nga) mà các xét nghiệm quân sự ở Đức cho thấy đó là chất độc thần kinh Novichok. Điện Kremlin phủ nhận liên quan đến vụ việc này.
Đồng rúp suy yếu do các nhà đầu tư cân nhắc rủi ro về các lệnh trừng phạt mới với Nga.
Hôm 18.1, Lítva, Latvia và Estonia cho biết muốn các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) thảo luận thêm về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì bắt giữ Navalny.
Mục tiêu có thể của bất kỳ hình phạt mới nào sẽ là Nord Stream 2, dự án trị giá 11,6 tỉ USD nhằm xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức.
Các bộ trưởng ngoại giao của Đức, Anh, Pháp và Ý trước đó đã kêu gọi trả tự do cho Navalny. Ngoại trưởng Séc - Tomas Petricek nói rằng ông muốn EU thảo luận về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra.
Văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Navalny, nói rằng họ vô cùng lo lắng vì việc bắt giữ ông ta, yêu cầu tiến trình phù hợp với quy định của pháp luật.
Dù vậy, Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ mọi chỉ trích.
"Hãy tôn trọng luật pháp quốc tế, không vi phạm luật pháp quốc gia của các nước có chủ quyền và giải quyết các vấn đề ở đất nước của bạn", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga - Maria Zakharova viết trên Facebook.
Jake Sullivan, một trong những trợ lý hàng đầu của Tổng thống đắc cử Joe Biden và sắp trở thành cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, kêu gọi Nga trả tự do cho Navalny.
Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo cho biết ông vô cùng bối rối về vụ bắt giữ Navalny và ngầm đả kích Tổng thống Putin. “Vô cùng bối rối trước quyết định bắt giữ Aleksey Navalny của Nga. Các nhà lãnh đạo chính trị tự tin không sợ tiếng nói cạnh tranh, cũng như không thấy cần thiết phải có hành động bạo lực chống lại hoặc bắt giữ sai trái các đối thủ chính trị”, ông Mike Pompeo viết trên Twitter.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga - Sergei Lavrov cho biết những biểu hiện phẫn nộ từ phương Tây với việc giam giữ Navalny được thiết kế để đánh lạc hướng công dân của họ khỏi các vấn đề trong các nước đó và Nga không hề bối rối trước những tổn hại tiềm ẩn với hình ảnh mình.
Sergei Lavrov nói với các phóng viên: “Chúng ta có lẽ nên nghĩ về hình ảnh của mình, nhưng chúng ta không phải là những cô gái trẻ đi xem vũ hội”.
Người dân Moscow được Reuters phỏng vấn đã chia rẽ về việc Navalny bị giam giữ. Một số tỏ ra thông cảm với Navalny nhưng những người khác lại cho rằng ông ta ngu ngốc khi quay về nước từ Berlin (Đức).
“Ông ấy có lẽ đã làm điều đúng đắn và hành động như một người đàn ông thực thụ (bằng cách quay trở lại). Nhưng từ quan điểm chính trị, ông ấy không nên làm vậy vì có lẽ sẽ không có gì thay đổi ở đây trong những năm tới”, một người nói.
Xem thêm: Thủ lĩnh phe chống ông Putin bị bắt khi về nước, phía Biden bức xúc, Lítva kêu gọi trừng phạt Nga