'Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook, nắm giữ 55% cổ phần có quyền biểu quyết trong công ty'.
Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm thuộc nhóm thông tin sai lệch về công dân của Facebook và là người tố giác công ty đặt lợi nhuận trên sự an toàn của người dùng nói, tiết lộ thông tin này trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước.
Theo Frances Haugen, điều đó rất quan trọng vì nó là "vai trò độc nhất trong ngành công nghệ". Cô nói thêm: "Không có công ty nào hùng mạnh tương tự mà lại bị kiểm soát đơn phương”, hay nói một cách thẳng thắn hơn ở một phần khác của buổi điều trần: "Hiện tại không có ai bắt Mark phải chịu trách nhiệm ngoài chính bản thân anh ta".
Về cơ bản, Mark Zuckerberg là “nhân vật chủ chốt” của Facebook, người có tiếng nói cuối cùng trong các quyết định kinh doanh và nếu không có anh thì công ty sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Các chuyên gia nói với trang Insider rằng có lý do để lo ngại về việc một người có quyền kiểm soát một nhóm nền tảng gây tranh cãi ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người.
Whitney Tilson, cựu Giám đốc quỹ đầu cơ và là Giám đốc điều hành Empire Financial Research, nói: “Tôi không nghĩ là quá lố khi cho rằng Mark Zuckerberg là người quyền lực nhất từng bước đi trên mặt đất và tôi nghĩ rằng loại quyền lực do một người nắm giữ là ý kiến tồi”.
Quyền lực vượt trội của Mark Zuckerberg đã được tranh luận trong nhiều năm.
Những người sáng lập công ty nắm quyền kiểm soát phần lớn nó không phải là hiếm. Điều này thường thấy nhất trong thế giới công nghệ, nơi các cấu trúc hai lớp phổ biến. Ví dụ, hai người sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page, đã rời bỏ gã khổng lồ vào năm 2019 nhưng vẫn ở lại hội đồng quản trị. Nhìn chung, họ vẫn nắm quyền kiểm soát phần lớn công ty.
Chris Haynes, Phó giáo sư về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học New Haven (Mỹ), cho biết: “Bạn thường không có các công ty như GM, Ford hoặc Bank of America không được kiểm soát bởi bất kỳ nhà đầu tư nào. Đây không phải là tiêu chuẩn".
Những người ủng hộ thỏa thuận này thường nói rằng nó cho phép các nhà lãnh đạo công ty duy trì thành công lâu dài mà không bị phân tâm bởi những áp lực ngắn hạn.
"Với công ty do một người kiểm soát, 'đứa con tinh thần' khi nói đến các công ty công nghệ, điều đó làm cho nó trở nên nhanh nhẹn hơn nhiều và thực sự có thể xoay xở dễ hơn vì không phải có rất nhiều nhà đầu tư để đưa ra quyết định”, Chris Haynes nói.
Nhưng nó cũng có thể làm mọi thứ chậm lại. Quyền kiểm soát quá lớn của Mark Zuckerberg với Facebook là yếu tố rủi ro tiềm ẩn cho các nhà đầu tư, vì nó "có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn việc thay đổi quyền kiểm soát, sáp nhập, hợp nhất, bán tất cả hoặc về cơ bản tất cả tài sản của chúng tôi mà các cổ đông khác hỗ trợ".
Các nhà phê bình cho rằng việc kiểm soát có thể bảo vệ công ty khỏi những lo ngại gây hại cho xã hội và các nhà đầu tư, nhưng có thể gây ra biến động.
“Tôi nghĩ bạn đang thấy điều đó trong trường hợp của Facebook”, Chris Haynes nhận định.
Facebook đã gặp khó khăn vài tuần sau khi tài liệu do Frances Haugen công bố trên tờ The Wall Street Journal cho thấy Mark Zuckerberg cùng những người trong cuộc khác biết rằng nền tảng của công ty có tác động tiêu cực đến công chúng nhưng bỏ qua những lo ngại đó.
"Facebook lớn hơn bất kỳ tôn giáo nào trong lịch sử thế giới và 100% quyền kiểm soát nằm ở một người", Whitney Tilson nói.
Joy Poole, cựu nhân viên của Facebook, cho biết các nhà lập pháp nên khám phá cách quy định có thể quyết định lượng cổ phần mà giám đốc điều hành có trong công ty họ. Song có thể có nhiều vấn đề cấp bách hơn.
Joy Poole nói: “Mark Zuckerberg có quyền kiểm soát đa số với một công ty có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Nếu anh ấy có 49% quyền kiểm soát, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi phức tạp đang phải đối mặt ở đây".
Tuy nhiên, buổi điều trần tuần trước của Frances Haugen và việc cô tiết lộ các tài liệu nội bộ cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) có thể thay đổi mọi thứ, dù điều đó có khả năng không xảy ra, theo Whitney Tilson.
Nếu cuộc điều tra của SEC phát hiện ra rằng Facebook đã lừa dối các nhà đầu tư bằng cách không tiết lộ nghiên cứu về tác hại tiêu cực với thanh thiếu niên, trong số các phát hiện khác, thì cơ quan này có thể yêu cầu Mark Zuckerberg từ chức, Whitney Tilson nói.
"Đó sẽ là cách duy nhất tôi có thể nghĩ đến để vượt qua số cổ phần kiểm soát có quyền biểu quyết của anh ấy", Whitney Tilson nhận định.
Tại phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ hôm 5.10, Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm thuộc nhóm thông tin sai lệch về công dân của Facebook, đã tố cáo Facebook đặt lợi nhuận trước sự an toàn của người dùng, điều mà công ty phủ nhận.
Frances Haugen cho biết: “Facebook đang hoạt động trong bóng tối, che giấu nghiên cứu của mình khỏi sự giám sát của công chúng thì điều đó là không thể chịu được”. Cô rời bỏ công ty trị giá gần 1.000 tỉ USD với hàng chục nghìn tài liệu mật.
"Ban lãnh đạo của công ty biết cách làm cho Facebook và Instagram an toàn hơn, nhưng sẽ không thực hiện những thay đổi cần thiết vì họ đã đặt lợi nhuận khủng khiếp của mình trước mọi người. Cần phải có hành động của Quốc hội", Frances Haugen nói.
"Có những xung đột lợi ích giữa những gì tốt cho công chúng và những gì tốt cho Facebook. Facebook hết lần này đến lần khác chọn cách tối ưu hóa cho lợi ích của chính mình như kiếm nhiều tiền hơn", Frances Haugen nói trong cuộc phỏng vấn trước đó.
Frances Haugen là người đã cung cấp các tài liệu được sử dụng trong một cuộc điều tra của tờ Wall Street Journal và một phiên điều trần tại Thượng viện về việc Instagram gây hại cho các cô gái tuổi teen. Xem chi tiết tại đây.
Cô đã so sánh các dịch vụ truyền thông xã hội với các chất gây nghiện như thuốc lá và opioid.