Meta Platforms đã đồng ý trả 725 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể cáo buộc Facebook cho phép các bên thứ ba, gồm cả Cambridge Analytica, truy cập thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng.

Meta phải trả 725 triệu USD vì vụ kiện rò rỉ dữ liệu 87 triệu người dùng Facebook

Sơn Vân | 23/12/2022, 15:35

Meta Platforms đã đồng ý trả 725 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể cáo buộc Facebook cho phép các bên thứ ba, gồm cả Cambridge Analytica, truy cập thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng.

Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận dàn xếp được đề xuất có trong hồ sơ tòa án cuối ngày 22.12, sẽ giải quyết một vụ kiện kéo dài từ những tiết lộ vào năm 2018 rằng Facebook cho phép Cambridge Analytica truy cập dữ liệu 87 triệu người dùng.

Nhóm luật sư của các nguyên đơn gọi thỏa thuận được đề xuất là lớn nhất từng đạt được trong một vụ kiện tập thể về quyền riêng tư dữ liệu của Mỹ. 725 triệu USD là khoản tiền lớn nhất mà Meta Platforms từng trả để giải quyết một vụ kiện tập thể.

"Thỏa thuận lịch sử này sẽ mang lại sự nhẹ nhõm có ý nghĩa cho tập thể trong vụ kiện quyền riêng tư phức tạp này", Derek Loeser và Lesley Weaver, luật sư chính của các nguyên đơn, cho biết trong một tuyên bố chung.

Meta Platforms đã không thừa nhận hành vi sai trái như một phần của thỏa thuận dàn xếp, điều này phải được sự chấp thuận của thẩm phán liên bang Mỹ ở thành phố San Francisco.

Công ty tuyên bố giải quyết vụ kiện này là "vì lợi ích tốt nhất của cộng đồng và các cổ đông của chúng tôi".

Meta Platforms cho biết: “Trong ba năm qua, chúng tôi đã cải tiến cách tiếp cận quyền riêng tư và triển khai một chương trình bảo mật toàn diện”.

meta-tra-725-trieu-usd-vi-vu-kien-ro-ri-du-lieu-87-trieu-nguoi-dung-facebook.jpg
Meta Platforms đã đồng ý trả 725 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể cáo buộc Facebook cho phép các bên thứ ba truy cập thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng

Cambridge Analytica (hiện không còn tồn tại) từng là một công ty tư nhân chuyên về khai thác dữ liệu, môi giới và phân tích dữ liệu với truyền thông chiến lược chuyên dụng cho quá trình bầu cử.

Cambridge Analytica đã làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ thành công của ông Donald Trump vào năm 2016 và có quyền truy cập vào thông tin cá nhân từ hàng chục triệu tài khoản Facebook cho mục đích lập hồ sơ cũng như nhắm mục tiêu cử tri mà không có sự đồng ý của họ.

Thông tin này đã được sử dụng để phát triển phần mềm hướng cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump.

Kho dữ liệu này gồm tuổi của người dùng Facebook, sở thích, fanpage họ thích, nhóm họ tham gia, vị trí địa lý, đảng phái chính trị, tôn giáo, các mối quan hệ, ảnh, tên đầy đủ, số điện thoại và địa chỉ email.

Cambridge Analytica đã sử dụng dữ liệu để nhắm mục tiêu các quảng cáo chính trị và nhận được hàng triệu USD từ chiến dịch vận động trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Vào tháng 6.2014, nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan đã phát triển ứng dụng trắc nghiệm về tính cách con người trên Facebook. Khoảng 270.000 người đã cài đặt ứng dụng của Aleksandr Kogan trên tài khoản Facebook cá nhân.

Aleksandr Kogan đã cung cấp cơ sở dữ liệu chứa thông tin của 50 triệu người dùng Facebook cho Cambridge Analytica. Cambridge Analytica sử dụng nó để tạo ra hồ sơ “đồ họa tâm lý” của các cử tri.

Vụ bê bối dữ liệu người dùng được Christopher Wylie, cựu nhân viên Cambridge Analytica nghỉ việc từ năm 2014, phanh phui vào tháng 3.2018. Christopher Wylie tiết lộ Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu ít nhất 50 triệu người dùng Facebook.

Theo Christopher Wylie, Cambridge Analytica đã khai thác lỗ hổng của Facebook để thu thập dữ liệu hàng triệu tài khoản và “xây dựng những mô hình cho phép khai thác tất cả những điều có thể biết về người dùng cũng như nhắm đúng tâm lý của họ”. Đó là cơ sở để Cambridge Analytica duy trì hoạt động.

Kể từ khi vụ bê bối Cambridge Analytica nổ ra, Facebook đã xóa quyền truy cập vào dữ liệu của mình khỏi hàng ngàn ứng dụng bị nghi ngờ lạm dụng, giới hạn lượng thông tin có sẵn cho các nhà phát triển và giúp người dùng dễ dàng điều chỉnh các hạn chế về chia sẻ dữ liệu cá nhân.

Vụ bê bối Cambridge Analytica sau đó đã thúc đẩy các cuộc điều tra của chính phủ Mỹ về các hoạt động bảo mật, các vụ kiện và phiên điều trần cấp cao của Quốc hội, nơi Giám đốc điều hành Meta Plaforms - Mark Zuckerberg bị các nhà làm luật chỉ trích.

Vào năm 2019, Facebook đã đồng ý trả 5 tỉ USD để giải quyết cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) về các hoạt động bảo mật của mình và 100 triệu USD để xử lý khiếu nại của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) rằng họ đã lừa dối các nhà đầu tư về việc lạm dụng dữ liệu người dùng.

Các cuộc điều tra của tổng chưởng lý bang đang tiếp tục diễn ra. Meta Plaforms đang chống lại vụ kiện của tổng chưởng lý cho Washington D.C.

Thỏa thuận hôm 22.12 đã giải quyết các khiếu nại của người dùng Facebook rằng công ty vi phạm nhiều luật liên bang và tiểu bang bằng cách cho phép các nhà phát triển ứng dụng cùng đối tác kinh doanh thu thập dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý của họ trên diện rộng.

Luật sư của các nguyên đơn cáo buộc rằng Facebook đã đánh lừa khiến người dùng nghĩ rằng họ có thể giữ quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân, trong khi thực tế là cho phép hàng ngàn người bên ngoài được ưu tiên truy cập.

Facebook lập luận rằng người dùng không có lợi ích riêng tư hợp pháp với thông tin họ chia sẻ với bạn bè trên mạng xã hội. Thế nhưng, thẩm phán Vince Chhabria gọi quan điểm đó là "quá sai lầm".

Meta Platforms từng chi tiền khủng giải quyết nhiều vụ kiện tập thể

Hồi tháng 8, Meta Platforms đã đồng ý chi 37,5 triệu USD giải quyết vụ kiện cáo buộc công ty mẹ Facebook vi phạm quyền riêng tư người dùng bằng cách theo dõi chuyển động của họ thông qua smartphone mà không được phép. Thỏa thuận dàn xếp sơ bộ giữa Meta Plaforms và bên khởi kiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang San Francisco (bang California, Mỹ) vào ngày 23.8 và cần có sự chấp thuận của thẩm phán.

Nó giải quyết các khiếu nại rằng Facebook đã vi phạm luật bang California và chính sách bảo mật của riêng mình bằng cách thu thập dữ liệu từ những người dùng đã tắt dịch vụ định vị (Location Services) trên thiết bị di động của họ.

Người dùng cho biết dù không muốn chia sẻ vị trí của mình với Facebook, nhưng công ty vẫn suy ra họ đang ở đâu từ địa chỉ IP (giao thức internet) và sử dụng thông tin đó để gửi cho họ quảng cáo được nhắm mục tiêu.

Thỏa thuận hôm 23.8 bao gồm những người ở Mỹ đã sử dụng Facebook sau ngày 30.1.2015.

Meta Platforms phủ nhận hành vi sai trái trong việc thỏa thuận dàn xếp.

Vào tháng 6.2018, Facebook và Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã nói với Quốc hội Mỹ rằng Facebook sử dụng dữ liệu vị trí "để giúp các nhà quảng cáo tiếp cận người khác ở các khu vực cụ thể". Ví dụ, nó cho biết những người dùng ăn tối tại các nhà hàng cụ thể có thể nhận được bài đăng từ bạn bè cũng ăn ở đó hoặc quảng cáo từ các doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ gần đó.

Vụ kiện bắt đầu vào tháng 11.2018. Các luật sư của nguyên đơn có thể tìm kiếm tới 30% thỏa thuận giải quyết cho các khoản phí pháp lý, các giấy tờ dàn xếp cho thấy.

Tháng 2.2021, Meta Plaforms đồng ý một thỏa thuận trị giá 650 triệu USD cho vụ kiện tập thể từ người dùng ở bang Illinois, tố Facebook tạo và lưu trữ bản quét khuôn mặt của họ mà không được phép. Lúc đó, gần 1,6 triệu người dùng Facebook ở bang này đã nhận được 397 USD mỗi người.

Hồi tháng 6.2022, tòa án quận ở bang California (Mỹ) chấp thuận dàn xếp sơ bộ cho một vụ kiện tập thể khác nhắm vào Meta Plaforms. Công ty bị cho là theo dõi hoạt động của người dùng kể cả khi họ không truy cập Facebook và phải bồi thường tổng số tiền 90 triệu USD.

Bài liên quan
Meta cắt giảm hơn 11.000 việc làm, trợ cấp khủng cho nhân viên mất việc
Meta Platforms vừa cho biết sẽ sa thải 13% lực lượng lao động, tức hơn 11.000 nhân viên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Meta phải trả 725 triệu USD vì vụ kiện rò rỉ dữ liệu 87 triệu người dùng Facebook