Croatia và Ma Rốc là hai đội tuyển gây bất ngờ nhất World Cup 2022 khi vượt qua các đối thủ mạnh để vào đến bán kết. Trong khi đoàn quân của HLV Zlatko Dalic từng gây tiếng vang với vị trí á quân World Cup 2018, Ma Rốc là đội bóng châu Phi đầu tiên vào bán kết giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh.
Trong 21 lần tổ chức World Cup trong hơn 92 năm với 79 quốc gia tham gia, vẫn chỉ có 8 đội tuyển vô địch và chỉ 13 đội lọt vào trận chung kết. Tây Ban Nha là đội tuyển cuối cùng tham gia nhóm các nhà vô địch ưu tú vào năm 2010 sau Pháp năm 1998 và Argentina năm 1978.
Kể từ đó đã có rất nhiều chú ngựa ô lọt vào vòng bán kết và hầu hết đều không thể tiến xa hơn. Ba Lan và Bỉ lần lượt thua những nhà vô địch World Cup là Ý và Argentina vào năm 1982 và 1986.
Với tư cách là nhà vô địch World Cup năm 1966, tuyển Anh vẫn bị xem thuộc nhóm những đội chiếu dưới tại giải năm 1990. Năm đó, Anh gây bất ngờ khi lọt vào bán kết nhưng thất bại trước Đức.
Tại giải đấu 1994, tuyển Bulgaria đến Mỹ mà chưa từng thắng một trận đấu nào tại World Cup trong 16 lần tham dự và nhận thất bại thứ 11 ở trận ra quân. Sau đó, tiền đạo Hristo Stoichkov cùng các đồng đội đã xoay chuyển tình thế ngoạn mục, thắng hai trận vòng bảng còn lại, đánh bại Mexico trên chấm luân lưu ở vòng 16 đội và sau đó hạ gục Đức ở tứ kết một cách đáng nhớ. Thụy Điển cũng gây bất ngờ tại World Cup 1994 khi thắng Romania ở loạt sút luân lưu để vào đến bán kết.
Tuy nhiên, mọi thứ trở lại trật tự bình thường khi Ý kết thúc chuỗi trận trong mơ của Bulgaria và Brazil vượt qua Thụy Điển. Tại chung kết World Cup 1994, Brazil vượt qua Ý ở loạt sút luân lưu để đăng quang.
Với thế hệ vàng do Hristo Stoichkov truyền cảm hứng nhưng đang già đi, Bulgaria đã bị loại ở vòng bảng World Cup 1998 (chỉ có 1 điểm) và kể từ đó không thể lọt vào giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh.
Nam Tư đã lọt vào bán kết World Cup năm 1930 và 1962. Sau khi đất nước tan rã, Croatia lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là một quốc gia độc lập vào năm 1998. Điểm nổi bật trong hành trình đầy cảm xúc của Croatia đến vòng bán kết World Cup 1998 là chiến thắng tuyệt vời 3-0 trước Đức trong trận tứ kết, trước khi bị đội chủ nhà Pháp đánh bại 1-2.
World Cup 2002 là giải đấu khác mà hai chú ngựa ô đã lọt vào bán kết nhưng cuối cùng đã bị chặn lại bởi hai ông lớn.
Đồng chủ nhà Hàn Quốc ngày càng tự tin hơn sau khi đứng đầu vòng bản và sau đó làm cả thế giới kinh ngạc khi đánh bại Ý 1-0 ở vòng 1/8 với bàn thắng vàng trong hiệp phụ. Tiếp đó, Hàn Quốc vượt qua Tây Ban Nha trên chấm sút luân lưu để trở thành đội châu Á đầu tiên lọt vào bán kết World Cup. Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây bất ngờ ở World Cup 2002 khi thắng Senegal để vào đến bán kết.
Thế nhưng sau đó, cả Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều thất bại ở bán kết, lần lượt trước Đức và Brazil với tỷ số 0-1. Đây mới chỉ là lần thứ hai Thổ Nhĩ Kỳ tham dự World Cup và đã không trở lại giải đấu này kể từ đó. Tại chung kết World Cup 2002, Brazil đánh bại Đức 2-0 nhờ cú đúp của "Ronaldo béo".
Bồ Đào Nha lần thứ hai lọt vào trận bán kết World Cup là giải đấu năm 2006, nhưng thua Pháp 0-1.
4 năm sau, đội vào bán kết World Cup 2010 “bất ngờ” là Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Tây Ban Nha đến Nam Phi với tư cách là nhà vô địch Euro 2008 và rũ bỏ hàng thập kỷ thất bại tại World Cup bằng trận thắng Hà Lan 1-0 ở chung kết.
Croatia đã lọt vào bán kết World Cup 2018 và có thành tích tốt hơn giải đấu năm 1998 khi đánh bại Anh 2-1, chỉ để thua Pháp 2-4 trong trận chung kết.
Croatia tiếp tục vào đến bán kết World Cup 2022 để đối đầu với Argentina sau khi vượt qua ứng cử viên vô địch Brazil. Trong khi Ma Rốc là đội châu Phi đầu tiên lọt vào vòng bán kết World Cup và đã làm được điều đó bằng cách loại các đối thủ nặng ký của châu Âu là Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Tuyển Pháp và Argentina, mỗi đội đang tìm kiếm danh hiệu vô địch World Cup thứ ba, có thể sẽ kết thúc chuỗi trận thắng đáng nhớ của Ma Rốc và Croatia. Thế nhưng, nhiều fan túc cầu đang mong chờ 1 trong 2 đội chiếu dưới chiến thắng và sau đó trở thành nhà vô địch World Cup thứ 9.
Trận bán kết World Cup 2022 đầu tiên giữa Argentina và Croatia sẽ diễn ra lúc 2 giờ sáng 14.12. Một ngày sau, lúc 2 giờ ngày 15.12, Pháp đối đầu Ma Rốc trong trận bán kết thứ hai.