Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang theo dõi sát sao một tiểu hành tinh có thể va chạm với Trái đất vào năm tới.

Một tiểu hành tinh có thể va chạm với Trái đất năm 2022

Long Hải | 11/01/2021, 14:45

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang theo dõi sát sao một tiểu hành tinh có thể va chạm với Trái đất vào năm tới.

tieu-hanh-tinh5.jpg
Hình ảnh mô phỏng tiểu hành tinh bay gần Trái đất

Tiểu hành tinh được xác định là 2009 JF1 có xác suất va chạm thấp, nằm trong số những thiên thạch được đưa vào hệ thống theo dõi Sentry của NASA. Đây là hệ thống giám sát “liên tục quét danh mục các tiểu hành tinh hiện tại” để tìm khả năng va chạm với Trái đất trong vòng 100 năm tới. Sentry được vận hành bởi Trung tâm nghiên cứu các vật thể gần Trái đất (CNEOS) thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), khả năng va chạm với Trái đất của 2009 JF1 là 1/4.166 khi nó bay qua vào ngày 6.5.2022. Tiểu hành tinh này có đường kính ước tính khoảng 13 mét, dài hơn một chiếc xe buýt hai tầng ở Anh. Mặc dù có khả năng va chạm nhỏ với Trái đất, JF1 2009 được cho là sẽ không gây ra thiệt hại đáng kể nào. Theo NASA, một tảng đá không gian nhỏ hơn 25 mét sẽ bốc cháy khi nó đi vào bầu khí quyển Trái đất và hầu như không gây ra thiệt hại.

Tiểu hành tinh 2009 JF1 được phát hiện vào năm 2009 và cả ESA cùng NASA đều theo dõi nó. “Tiểu hành tinh nhỏ này không được quan sát thường xuyên kể từ khi được phát hiện cách đây 11 năm, do đó sự không chắc chắn về vị trí của nó là rất cao”, nhà nghiên cứu Luca Conversi từ Trung tâm Điều phối Vật thể gần Trái đất của ESA cho biết.

tieu-hanh-tinh6.jpeg
Các vật thể gần Trái đất (NEO) có thể gây ra thiệt hại đáng kể nếu xảy ra va chạm với hành tinh chúng ta

Các vật thể gần Trái đất (NEOs) thường là tiểu hành tinh hoặc sao chổi, là những vật thể thuộc Hệ mặt trời có quỹ đạo đưa chúng đến gần Trái đất và đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể nếu xảy ra va chạm. Với cấu tạo chủ yếu từ nước băng trộn lẫn hạt bụi, phần lớn sao chổi có nguồn gốc từ hệ sao lạnh khác trong khi thiên thạch thường đến từ bên trong hệ Mặt trời, ở khu vực nằm giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc.

Một vật thể được xem là NEO nếu bay trên quỹ đạo cách Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Những NEO ở tương đối gần Trái đất sẽ được phân loại là vật thể “có khả năng gây nguy hiểm”.

Có rất nhiều vật thể như thế bay ngang qua hành tinh của chúng ta hàng năm. Để xác định vật thể sẽ đến gần Trái đất đến mức nào, các nhà khoa học NASA sẽ quan sát tiểu hành tinh đó và dùng mô hình máy tính để dự đoán quỹ đạo.

Các nhà khoa học ở CNEOS có thể tính toán quỹ đạo của những vật thể bay gần hành tinh của chúng ta với độ chính xác cao, qua đó dự đoán khả năng va chạm, thời gian và địa điểm. Bằng việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan vũ trụ, các giải pháp quỹ đạo này được sử dụng để dự đoán cách NEO tiếp cận gần Trái đất và đưa ra các đánh giá toàn diện về xác suất tác động của chúng trong thế kỷ tới. Tính đến hiện tại, NASA đã tìm và theo dõi hơn 22.000 vật thể như thế.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy người Mỹ thích một chương trình không gian tập trung vào các tác động tiềm ẩn của tiểu hành tinh hơn là đưa con người trở lại Mặt trăng hoặc lên sao Hỏa.

Năm 2018, NASA đã công bố một kế hoạch trong đó đề xuất các phương pháp chính phủ Mỹ cần thực hiện để đối phó tốt hơn với NEO, như việc các tiểu hành tinh hoặc sao chổi bay tới Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Tổng giám đốc NASA Jim Bridenstine cho rằng các cuộc tấn công của tiểu hành tinh không phải là điều có thể xem nhẹ và có lẽ đây chính là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của sự sống trên Trái đất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một tiểu hành tinh có thể va chạm với Trái đất năm 2022