Ủy hội Sông Mekong (MRC) mới đây đã đề nghị các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tăng cường thêm nguồn nước cho sông, hoặc xả nước từ các đập và hồ chứa trong cảnh mực nước sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục.

Mực nước thấp kỷ lục, Ủy hội Sông Mekong kêu gọi Trung Quốc xả nước

07/08/2020, 17:08

Ủy hội Sông Mekong (MRC) mới đây đã đề nghị các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tăng cường thêm nguồn nước cho sông, hoặc xả nước từ các đập và hồ chứa trong cảnh mực nước sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục.

Đoạn sông Mekong giáp biên giới giữa hai nước Thái Lan và Lào - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết, MRC với thành viên gồm 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam hôm 7.8 đã kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động của các đập thủy điện vì lưu lượng nước trên sông Mekong bị xuống mức thấp kỷ lục trong năm thứ 2 liên tiếp.

Theo báo cáo của MRC, mực nước thấp trong 2 năm qua của sông Mekong là do lượng mưa giảm và hoạt động của 13 đập thủy điện, gồm 11 ở Trung Quốc và 2 ở Lào, cũng như các đập trên các nhánh của sông Mekong tại Lào. Ngoài ra, sông Mekong cũng chảy qua Myanmar. Báo cáo cũng chỉ ra rằng lưu lượng nước thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cộng đồng dân cư ở các nước thành viên do mất nguồn thủy sản và năng lực tưới tiêu.

"Chúng tôi kêu gọi 6 quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong tăng cường chia sẻ dữ liệu cùng thông tin về hoạt động các con đập và cơ sở hạ tầng lưu trữ nước của họ một cách minh bạch và nhanh chóng với MRC", ông An Pich Hatda - người đứng đầu Ban thư ký MRC cho hay.

Báo cáo của MRC cũng đề cập đến lưu lượng nước theo mùa thấp trong năm thứ 2 liên tiếp tại Biển Hồ (Tonle Sap) của Campuchia, hồ nước lớn nhất Đông Nam Á, đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động đánh bắt cá và đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm của hơn 1 triệu người.

Nước từ sông Mekong thường đổ ngược về Biển Hồ vào tháng 6 hằng năm. Tuy nhiên, dòng chảy sông Mekong về muộn trong năm nay đe dọa cuộc mưu sinh bằng việc đánh bắt thủy sản của nhiều người.

Phát ngôn viên Bộ Tài nguyên nước Campuchia, ông Chan Yutha, cho biết dòng chảy ngược của sông Mekong chỉ mới bắt đầu đổ về Biển Hồ từ tuần này.

MRC khuyến cáo các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong nên thực hiện các chính sách đối phó với hạn hán và người dân làm nông nghiệp hai bên bờ sông Mekong nên tưới tiêu ít nước hơn, đồng thời yêu Trung Quốc xả nước từ các đập và hồ chứa nếu tình trạng hiện tại vẫn tiếp diễn.

Thông qua các con đập ở thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc được cho là đang kiểm soát dòng chảy, tích trữ nhiều nước và hạn chế xả ra, gây ra những thay đổi thất thường đối với mực nước ở hạ nguồn, trong đó có tình trạng hạn hán, dẫn đến nguồn cung thực phẩm và sinh kế của hàng chục triệu người bị đe dọa nghiêm trọng.

Trước đó, MRC hồi giữa tháng 6 lên tiếng yêu cầu Trung Quốc công bố kịp thời dữ liệu về lưu lượng nước tại các con đập do nước này xây dựng và quản lý, sau khi khu vực hạ lưu sông Mekong trải qua mùa khô hạn kỷ lục. Cụ thể, Ủy hội kêu gọi Bắc Kinh cung cấp “dữ liệu trong cả năm để phục vụ giám sát và báo cáo hiệu quả hơn về tình trạng lũ lụt và hạn hán trên sông Mekong".

Trong một tuyên bố vào tháng 4, MRC khẳng định lượng nước ở thượng nguồn sông Mekong tại Trung Quốc cao hơn bình thường trong mùa khô năm 2019 và 2020, nhưng cho biết sẽ là rất cần thiết để có thêm nhiều bằng chứng khoa học nhằm kết luận rằng hạn hán hồi năm ngoái phần lớn là do việc trữ nước ở các đập chủ yếu từ Trung Quốc.

Về phần mình, phía Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc các đập ở nước này khiến mực nước sông Mekong thất thường. Bắc Kinh hồi tháng 2 cũng đã thông báo sẽ xả nước các đập thủy điện của mình trên sông Mekong để giúp các quốc gia vùng hạ lưu sông đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài, đồng thời sẽ xem xét chia sẻ thông tin về thủy văn để hỗ trợ thêm trong tương lai.

Hoàng Vũ (theo Reuters)

Bài liên quan
Hậu Giang tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Hậu Giang, Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024 sẽ diễn ra từ ngày 22 - 24.5 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mực nước thấp kỷ lục, Ủy hội Sông Mekong kêu gọi Trung Quốc xả nước