Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin tiết lộ trong cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa diễn ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu đề nghị Trưng Quốc giải phóng kho dự trữ dầu thô của nước này để giúp ổn định giá dầu thế giới.
Theo nguồn tin, cung cấp năng lượng là vấn đề cấp bách đối với cả hai bên mà Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cùng người đồng cấp Trung Quốc cũng từng thảo luận trong cuộc điện đàm cuối tuần trước.
“Hiện tại bộ năng lượng của hai bên đang đàm phán một cách chi tiết. Trung Quốc khá cởi mở trước đề nghị từ Mỹ nhưng không cam kết có biện pháp cụ thể gì”, nguồn tin nói thêm.
Mỹ sở hữu kho dự trữ dầu thô chiến lược lớn nhất thế giới với 727 triệu thùng, kho dự trữ của Trung Quốc chỉ vào khoảng 200 triệu thùng nhưng nước này là nhà nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới. Vì vậy 2 nước nếu cùng hành động sẽ tác động lớn đến giá dầu.
Bất kể Trung Quốc quyết định thế nào, Mỹ vẫn sẽ giải phóng dần kho dự trữ dầu kể từ đầu năm 2022 - động thái nhiều khả năng được công bố vào tuần tới.
Phát biểu trong một cuộc họp vào tối 16.11, Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính cho biết giới chức quản lý sẽ theo dõi chặt những thay đổi trên thị trường, tăng cường quản lý giao dịch năng lượng cũng như quản lý kho dự trữ để định hướng và giữ ổn định thị trường tốt hơn.
Chính quyền Tổng thống Biden đang chịu sức ép giải phóng kho dự trữ dầu khi lạm phát tại Mỹ ở mức trên 5% trong 6 tháng liên tiếp (tháng 10 lên đến 6,2%). Nguyên nhân là sự gián đoạn nguồn cung bởi đại dịch COVID-19 và chính sách kích thích tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Đầu tháng 11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng một số đối tác (OPEC+) từ chối yêu cầu tăng sản lượng từ phía Mỹ nên giá dầu tiếp tục tăng.
Nhà nghiên cứu năng lượng Vương Vĩnh Trung thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định: “Từ góc độ kỹ thuật, hiện tại không phải lúc để Trung Quốc giải phóng kho dự trữ, Mỹ thì có động lực làm vậy. Tuy nhiên cả hai với tư cách nước tiêu thụ lớn đều có lợi ích trong kiềm chế giá dầu”.
Cũng theo ông Vương, kho dự trữ dầu thô chiến lược xây dựng suốt 14 năm của Trung Quốc ước tính tương đương khoảng 40 - 50 ngày nhập khẩu, còn của Mỹ tương đương 90 ngày sử dụng.
Trung Quốc từng công bố kế hoạch bán một lượng dầu thô dự trữ vào tháng 9, nhưng đây dường như chỉ là động thái luân chuyển hàng giữa các cơ sở lưu trữ mà thôi.
Nhà nghiên cứu Vương cho biết nếu hợp tác, Mỹ - Trung có thể gây sức ép buộc OPEC+ tăng sản lượng. Bắc Kinh cũng có thể thông qua hợp tác này tăng mua khí đốt hóa lỏng Mỹ giải quyết khủng hoảng năng lượng trong nước cũng như mở đường cho hợp tác năng lượng sạch tương lai.
Trung Quốc hiện cũng phải tìm cách giải quyết tình trạng lạm phát. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020 chủ yếu do giá than cùng giá các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng khác tăng vọt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,7% so với cùng kỳ.
Khoảng cách giữa PPI và CPI mở rộng lên 10 điểm phần trăm (từ mức 8,7 điểm của tháng 8) cho thấy doanh nghiệp sản xuất đang chuyển chi phí sang người tiêu dùng.