Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng, công ty kinh doanh vàng tăng cường giám sát, báo cáo về giao dịch nghi rửa tiền.
Tài chính và đầu tư

Ngân hàng, công ty kinh doanh vàng phải báo cáo về giao dịch nghi rửa tiền

Tuyết Nhung 29/12/2023 08:24

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng, công ty kinh doanh vàng tăng cường giám sát, báo cáo về giao dịch nghi rửa tiền.

giao-dich.jpg
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải giám sát chặt chẽ các giao dịch có nguy cơ rửa tiền thời điểm gần Tết - Ảnh minh họa

Đó là một trong những yêu cầu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 28.12 về việc tuân thủ pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Theo đó, để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác phòng chống rửa tiền, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh kim khí quý, đá quý gồm các công ty kinh doanh vàng, các công ty trung gian thanh toán... thực hiện một số nội dung sau:

Thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022; Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28.4.2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống rửa tiền; Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 27.4.2023 Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28.7.2023 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng chống rửa tiền.

Cần nhận biết khách hàng, giám sát giao dịch để chống rửa tiền. Trong đó, tập trung tăng cường thực hiện nhận biết khách hàng (gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng) theo quy định từ điều 9 đến điều 14 Luật Phòng chống rửa tiền, điều 6 Nghị định số 19. Đảm bảo việc nhận biết khách hàng và giao dịch của khách hàng được thực hiện phù hợp với các thông tin về khách hàng, hoạt động kinh doanh, mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng.

Báo cáo NHNN (Cục Phòng chống rửa tiền) giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền, Quyết định số 11 và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử theo quy định tại điều 34 Luật Phòng chống rửa tiền và điều 9 Thông tư số 09.

Trường hợp qua nhận biết khách hàng và giám sát giao dịch phát hiện có dấu hiệu bất thường, thực hiện báo cáo NHNN (Cục Phòng chống rửa tiền) giao dịch đáng ngờ theo quy định tại các điều từ điều 26 đến điều 33 của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022. Kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch đáng ngờ, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Từ đầu tháng 12.2023, nhiều quy định trong Thông tư số 09/2023/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 09) hướng dẫn một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền chính thức có hiệu lực.

Một trong những quy định được quan tâm trong thông tư này, là khi giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên, các tổ chức thuộc đối tượng báo cáo phải báo cáo cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng chống rửa tiền (NHNN) các thông tin cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử. Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế, giá trị từ 1 ngàn USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương cũng sẽ phải báo cáo cho NHNN.

Trách nhiệm báo cáo đối với các giao dịch chuyển khoản có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương thuộc tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử gồm: tổ chức tài chính khởi tạo là tổ chức khởi tạo lệnh chuyển tiền điện tử và thực hiện chuyển tiền thay mặt cho người khởi tạo; tổ chức tài chính trung gian là tổ chức nhận và chuyển lệnh chuyển tiền điện tử thay mặt cho tổ chức tài chính khởi tạo và tổ chức tài chính thụ hưởng hoặc thay mặt cho tổ chức tài chính trung gian khác...

Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng và ban hành thông tư này góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm, trong đó bao gồm tội phạm tham nhũng...

Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa các tài sản do phạm tội mà có. Đặc biệt, rửa tiền thường liên quan đến các hoạt động xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện (như việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người, tham ô, giao dịch nội gián, đánh bạc hay các đường dây mại dâm...).

Mỗi năm tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu có thể ngang bằng ở mức 2 - 5% GDP toàn thế giới (tương đương 2.000 - 5.000 tỉ USD), và trên thực tế sẽ còn nhiều hơn. Vì vậy, từ rất sớm, các quốc gia trên thế giới, gồm cả Việt Nam, đã quan tâm đến công tác phòng chống rửa tiền và xác định đây là lĩnh vực cần được ưu tiên.

Bài liên quan
Giám đốc Công an TP.Hà Nội: Đang điều tra vụ lừa đảo, rửa tiền lên đến nhiều nghìn tỉ
Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết đang điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng, công ty kinh doanh vàng phải báo cáo về giao dịch nghi rửa tiền