Pháp đã mở cuộc điều tra 4 nhà bán lẻ thời trang bị tình nghi che giấu tội ác chống lại loài người ở khu vực Tân Cương (Trung Quốc).
Thẩm phán Văn phòng Công tố chống khủng bố quốc gia Pháp đã mở một cuộc điều tra 4 hãng thời trang nổi tiếng gồm Zara, Uniqlo, SMCP và Skechers với cáo buộc trục lợi từ hành vi cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (Trung Quốc).
Cuộc điều tra này dựa trên đơn khiếu nại hồi tháng 4 của tổ chức phi chính phủ bảo vệ các nạn nhân của tội phạm kinh tế Sherpa, liên minh công nghiệp dệt may Chiến dịch quần áo sạch (CCC), Viện Duy Ngô Nhĩ ở châu Âu và một phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ từng bị giam giữ tại Tân Cương.
Họ cáo buộc công ty sản xuất áo đa quốc gia Inditex, chủ sở hữu nhãn hàng thời trang Zara và các thương hiệu hàng đầu khác, hãng Uniqlo, tập đoàn thời trang SMCP của Pháp và hãng giày thể thao Skechers đã sử dụng sợi bông sản xuất từ Tân Cương.
Đại diện Inditex phủ nhận cáo buộc trong đơn khiếu nại đồng thời nhấn mạnh rằng họ đã tiến hành các biện pháp kiểm soát truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt và sẽ hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra.
“Tại Inditex, chúng tôi không khoan nhượng đối với tất cả các hình thức lao động cưỡng bức và đã thiết lập các chính sách và thủ tục để đảm bảo hành vi này không diễn ra trong chuỗi cung ứng của chúng tôi”, đại diện Inditex cho biết trong một tuyên bố.
SCMP cho biết họ cũng sẽ hợp tác với các nhà chức trách Pháp để chứng minh các cáo buộc là sai. “SCMP làm việc với các nhà cung cấp ở khắp nơi trên thế giới và khẳng định không có các nhà cung cấp trực tiếp trong khu vực được đề cập đến trên báo chí”. SCMP cũng cho biết thêm rằng họ thường xuyên kiểm tra các nhà cung cấp của mình. Trong khi đó, Uniqlo và Skechers chưa đưa bất cứ bình luận nào.
Các chuyên gia LHQ và các nhóm nhân quyền ước tính hơn một triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, đã bị giam giữ trong những năm gần đây trong các trại tập trung rộng lớn ở khu vực Tân Cương, phía tây Trung Quốc. Nhiều cựu tù nhân nói rằng họ phải chịu sự áp bức và lạm dụng khủng khiếp. Các nhóm nhân quyền nói rằng các trại này đã sử dụng người Duy Ngô Nhĩ và Hồi giáo như một nguồn cung cấp lao động được trả lương thấp.
Tuy nhiên Trung Quốc đã phủ nhận mọi cáo buộc, và một số thương hiệu như H&M, Burberry, Nike từng bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay sau khi các hãng này tuyên bố không sử dụng bông sản xuất tại Tân Cương.
Vào tháng 3 vừa rồi, Mỹ, Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Bắc Kinh đã trả đũa lại bằng các biện pháp trừng phạt của mình.