Elon Musk cho biết Starlink sẽ yêu cầu miễn trừ các lệnh trừng phạt với Iran để cung cấp dịch vụ vệ tinh băng thông rộng của công ty tại quốc gia này.

Starlink xin miễn lệnh trừng phạt Iran sau vụ cô gái chết khi bị cảnh sát giam giữ

Sơn Vân | 20/09/2022, 09:48

Elon Musk cho biết Starlink sẽ yêu cầu miễn trừ các lệnh trừng phạt với Iran để cung cấp dịch vụ vệ tinh băng thông rộng của công ty tại quốc gia này.

Elon Musk, Giám đốc điều hành SpaceX, viết trên Twitter: “Starlink sẽ yêu cầu miễn trừ các lệnh trừng phạt Iran trong vấn đề này”. Tuyên bố của Elon Musk được đưa ra vào thời điểm các cuộc biểu tình lan rộng ở Iran về cái chết của cô gái bị cảnh sát giam giữ.

Công chúng Iran bày tỏ phẫn nộ vì việc cô Mahsa Amini (22 tuổi) qua đời tại bệnh viện, vài ngày sau khi bị “cảnh sát đạo đức” bắt giữ vì vi phạm quy định về khăn trùm đầu.

Mahsa Amini đang cùng gia đình tới thủ đô Tehran để thăm họ hàng thì bị bắt vì không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về trang phục phụ nữ. Các nhân chứng nói rằng Mahsa Amini đã bị đánh trong xe cảnh sát, tờ Guardian đưa tin. Tuy nhiên, cảnh sát phủ nhận cáo buộc này và cho biết Amini mắc bệnh khi ở cùng những phụ nữ bị giam giữ khác tại đồn cảnh sát.

Theo tổ chức nhân quyền Hrana, trong thời gian bị bắt, cảnh sát nói với gia đình Amini rằng cô sẽ được thả sau “buổi học tập cải tạo”. Sau đó, họ nói cô bị đau tim. Tuy nhiên, gia đình Mahsa Amini phản đối và cho biết cô vẫn khỏe mạnh, đồng thời không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Gia đình Mahsa Amini nhận thông báo cô được đưa tới bệnh viện vài giờ sau khi bị bắt. Cô phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Kasra và hôn mê. Nhân viên bệnh viện sau đó báo với gia đình rằng cô bị chết não.

Những bức ảnh chụp Mahsa Amini nằm trên giường bệnh đã lan truyền trên mạng xã hội Iran. Cái chết của cô đã thu hút sự chú ý của nhiều người nổi tiếng và chính trị gia nước này.

elon-musk-noi-starlink-xin-mien-lenh-trung-phat-iran.jpg
Hình ảnh Mahsa Amini nằm viện được lan truyền trên mạng xã hội - Ảnh: Guardian

Mahmoud Sadeghi, chính trị gia theo chủ nghĩa cải cách và cựu nghị sĩ, đã kêu gọi lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei lên tiếng về vụ việc này.

Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình hô vang, trong khi các tài xế bấm còi xe tại quảng trường Tehran gần bệnh viện trước đám đông cảnh sát.

Truyền thông nhà nước đưa tin Bộ Nội vụ và công tố viên đã điều tra vụ việc.

Vụ việc này diễn ra sau vài tuần Tổng thống Iran - Ebrahim Raisi kêu gọi thực thi nghiêm ngặt hơn nữa quy định bắt buộc về trang phục. Theo luật áp dụng từ năm 1979, phụ nữ “có nghĩa vụ” phải che tóc, mặc quần áo dài và rộng. Những người vi phạm phải đối mặt quở trách công khai, phạt tiền hoặc bị bắt giữ.

Sau vụ việc trên, một số người trên Twitter đã đề nghị Elon Musk cung cấp các trạm internet vệ tinh ở Iran.

Quyền truy cập mạng xã hội và một số nội dung bị hạn chế chặt chẽ ở Iran. Nhóm giám sát internet NetBlocks đã báo cáo sự gián đoạn "gần như hoàn toàn" với kết nối internet ở thủ đô Tehran hôm 19.9, liên kết nó với các cuộc biểu tình.

Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Iran không đưa ra bình luận ngay lập tức. Bộ Ngoại giao, phái bộ của Iran tại Liên Hợp Quốc và Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ chưa trả lời câu hỏi về vấn đề trên.

SpaceX đang nhắm đến việc nhanh chóng mở rộng Starlink và đang chạy đua với các công ty truyền thông vệ tinh đối thủ như OneWeb và Amazon. Đến nay, Amazon vẫn chưa khởi động Dự án Kuiper. 

Dự án Kuiper dự kiến sẽ phóng 83 tên lửa lên quỹ đạo để triển khai mạng vệ tinh trong vòng 5 năm tới. Để thực hiện dự án này, Amazon đã hợp tác với Arianespace, Blue Origin (do cựu Giám đốc điều hành Amazon - Jeff Bezos sáng lập) và United Launch Alliance (ULA), liên doanh giữa Lockheed Martin và Boeing.

Thỏa thuận của Amazon bao gồm 18 lần phóng bằng tên lửa Ariane 6 của Arianespace, 12 lần phóng bằng tên lửa New Glenn của Blue Origin và 38 lần phóng bằng tên lửa Vulcan Centaur của ULA.

Mục tiêu của dự án Kuiper là triển khai hơn 3.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp nhằm truyền dẫn internet tốc độ cao với độ trễ thấp đến khách hàng hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ. Amazon đang trong quá trình thiết kế và phát triển vệ tinh cùng thiết bị thu sóng cho khách hàng.

Ông Rajeev Badyal, Phó chủ tịch phụ trách công nghệ của dự án Kuiper, cho biết việc ký kết thỏa thuận với nhiều công ty cung ứng hàng không vũ trụ sẽ giảm rủi ro về trì hoãn lịch phóng tên lửa và tiết kiệm chi phí.

Năm 2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã cho phép dự án Kuiper triển khai 3.236 vệ tinh internet băng thông rộng, nhưng với điều kiện phải đưa vào vận hành ít nhất một nửa số vệ tinh này trước tháng 7.2026. Nếu không đạt được điều kiện này, dự án Kuiper có thể mất quyền phóng một số vệ tinh.

Bài liên quan
Bí mật về pin đằng sau mục tiêu bán 20 triệu ô tô Tesla/năm của Elon Musk
Bí mật đằng sau mục tiêu bán được 20 triệu ô tô Tesla mỗi năm của Elon Musk vào năm 2030 nằm ở công nghệ pin tiên phong của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Starlink xin miễn lệnh trừng phạt Iran sau vụ cô gái chết khi bị cảnh sát giam giữ