Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ có thể sẽ khiến Tổng thống Donald Trump bị sốc: thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục gia tăng mạnh trong tháng cuối cùng của năm 2017 và đạt mốc kỷ lục mới.
Mức độ thâm hụt thương mại mà nền kinh tế Mỹ phải gánh chịu trong suốt nhiều năm qua đã chính thức đạt mốc kỷ lục mới kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2008, và được xem là một cú sốc đối với những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump -người đã đưa ra cam kết sẽ làm mọi cách để làm giảm thâm hụt thương mại trong khi vẫn khiến nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng cao hơn.
Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ có thể sẽ khiến Tổng thống Donald Trump bị sốc: thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục gia tăng mạnh trong tháng cuối cùng của năm 2017 và đạt mốc kỷ lục mới. Cụ thể, thâm hụt thương mại trong tháng 12.2017 đã tăng 5,3%, đạt mức 53,1 tỉ USD và là mức thâm hụt lớn nhất mà nền kinh tế Mỹ phải hứng chịu kể từ thời điểm tháng 10.2008, chủ yếu do mức gia tăng nhập khẩu nhanh hơn nhiều so với xuất khẩu. Tổng cộng mức thâm hụt thương mại của Mỹ trong cả năm 2017 lên tới 566 tỉ USD, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong năm 2018, chủ yếu do sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế sẽ khiến mức độ tiêu dùng của người dân Mỹ ổn định và gia tăng, đồng nghĩa với việc khuyến khích nhập khẩu. Về lý thuyết, đồng USD tỷ giá yếu sẽ trở thành tác động có lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ nhưng được đánh giá sẽ tăng không đáng kể, chủ yếu là do những nỗ lực của chính quyền Donald Trump buộc các đối tác thương mại lớn phải mở rộng cửa hơn cho hàng hóa của Mỹ vẫn chưa thu được nhiều kết quả. Việc đàm phán lại các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vẫn chưa đi đến đâu, trong khi quá trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn Quốc thì phải đến cuối quý I năm nay mới được khởi động.
Điều này có thể sẽ khiến niềm tin của người dân Mỹ vào Tổng thống Donald Trump tiếp tục giảm sút. Một trong những vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là giảm thâm hụt thương mại và tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cao hơn cho người lao động Mỹ. Trong bài phát biểu Liên Bang vào tuần trước, ông Trump đã hứa sẽ tìm mọi cách sửa lại những thỏa thuận thương mại tồi tệ và đàm phán những thỏa thuận mới tốt hơn. Gần đây nhất, ông Trump đã tăng mức áp thuế lên mặt hàng pin mặt trời và máy giặt nhập khẩu từ Hàn Quốc, làm dấy lên lo ngại về việc mở màn cho một cuộc chiến thương mại với đối tác hàng đầu ở Đông Bắc Á.
Đối tác thương mại mà Mỹ phải hứng chịu mức thâm hụt lớn nhất là Trung Quốc. Trong năm 2017, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng thêm 8,1% và đạt mức cao kỷ lục là 375,2 tỉ USD, bất chấp những nỗ lực gây sức ép của ông Trump với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong suốt năm vừa qua. Thâm hụt thương mại của Mỹ với nước láng giềng Mexico cũng đã tăng thêm 10% trong năm 2017 lên mức 71,1 tỉ USD và là mức cao nhất kể từ năm 2007. Xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục tăng nếu như NAFTA chưa được sửa đổi theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, thì xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc và Mexico trong năm 2017 cũng đạt mức cao kỷ lục. Cụ thể, trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ đã tăng thêm 5,5%, đạt mức 2,33 ngàn tỉ USD; trong khi đó kim ngạch nhập khẩu của Mỹ cũng tăng 6,7% đạt mức 2,9 ngàn tỉ USD. Cả hai mức tăng này đều lớn nhất kể từ thời điểm năm 2011.
Một cách khách quan, tình trạng gia tăng thâm hụt thương mại của nền kinh tế Mỹ trong năm 2017 là điều đã được dự báo từ trước, chủ yếu do tác động kéo dài của tình trạng thương mại đã được thiết lập từ nhiều năm trước. Trong khi đó, những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm làm giảm thâm hụt thương mại lại cần phải có thời gian để thực hiện.
Hai biện pháp chủ yếu của ông Trump nhằm làm giảm thâm hụt thương mại, bao gồm sửa đổi các hiệp định thương mại đã ký kết cùng với việc ép buộc các đối tác thương mại lớn mở rộng cửa hơn cho hàng hóa Mỹ, và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm lôi kéo các công ty Mỹ quay trở về nước, được dự báo sẽ mất không ít thời gian và công sức.
Đó là cả một sự đảo chiều sự vận hành thương mại của nền kinh tế Mỹ vốn đã tồn tại suốt nhiều năm qua. Và sẽ cần phải mất thêm một vài năm nữa thì mới có thể hy vọng sự đảo chiều đó được hình thành và cho kết quả khả quan.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)