Đến thời điểm này, mặc dù TP.HCM đã hoàn thành chỉ tiêu 100% trẻ từ 1 - 10 tuổi tiêm phòng vắc xin sởi, nhưng số ca mắc sởi trên địa bàn vẫn tiếp tục tăng.
Thông tin Y học

TP.HCM: Bệnh sởi tiếp tục tăng, dù gần 100% trẻ 1 - 10 tuổi được tiêm phòng

Hồ Quang 05/11/2024 17:22

Đến thời điểm này, mặc dù TP.HCM đã hoàn thành chỉ tiêu 100% trẻ từ 1 - 10 tuổi tiêm phòng vắc xin sởi, nhưng số ca mắc sởi trên địa bàn vẫn tiếp tục tăng.

Ngày 5.11, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong tuần qua (từ 28.10 đến 3.11), số ca mắc sởi tại TP gia tăng, nhất là nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi và nhóm từ 11 tuổi trở lên.

Cụ thể, trong tuần qua, số ca mắc sởi trên địa bàn TP.HCM là 141 ca, tăng 18% so với trung bình của 4 tuần trước, trong đó có 82 ca điều trị nội trú (giảm 7,3%) và 59 ca điều trị ngoại trú (tăng 90%).

tre-mac-benh-soi-tiep-tuc-gia-tang-du-gan-100-tre-tu-1-den-tuoi-tuoi-da-duoc-tiem-phong-hinh-anh.png
Trẻ mắc sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: PV

Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi trên địa bàn TP là 1.448 ca, gồm 1.124 ca điều trị nội trú và 324 ca điều trị ngoại trú, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.

Ngoài ra, số ca bệnh từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM cũng gia tăng với 298 ca, tăng 41% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 236 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi đến từ các tỉnh khác là 2.165 ca, bao gồm 1.878 ca nội trú và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong.

Theo Sở Y tế TP.HCM qua hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng (quy định tại Thông tư 10/2024/TT-BYT), trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ.

Từ đầu mùa dịch đến nay, số bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi được ghi nhận là 349 trẻ, chiếm tỷ lệ 24% tổng số ca mắc, đặc biệt là ở nhóm từ 6 - 9 tháng tuổi. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh sởi mới ở nhóm trẻ lớn từ 11 tuổi trở lên (282 trẻ chiếm 20% tổng số ca mắc). Bên cạnh đó, số ca mắc ở nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi cũng chưa ghi nhận có xu hướng giảm.

Trong khi đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến hết ngày 25.10, tổng số mũi tiêm vắc xin sởi tích lũy trên địa bàn TP là 223.978 mũi. Trong đó, trẻ từ 1 - 5 tuổi đã tiêm được 47.298 mũi (đạt 100%), trẻ từ 6 - 10 tuổi là 147.853 mũi (đạt 100%). Đợt tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi đã hoàn thành 100% theo kế hoạch.

Trước diễn biến số ca mắc sởi gia tăng, ngày 30.10, UBND TP đã ban hành văn bản số 6639/UBND-VX về việc mở rộng đối tượng tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi. Theo đó, TP sẽ bổ sung 2 nhóm đối tượng tiêm chủng vắc xin sởi bao gồm: người trong lớp học có ca mắc sởi tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; người chăm sóc người suy giảm miễn dịch, bao gồm trẻ em và người lớn tại các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc các trại cai nghiện thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội. Loại vắc xin sử dụng là vắc xin chứa thành phần sởi do ngân sách TP mua hoặc do Bộ Y tế cấp.

Riêng đối với trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, Sở Y tế cho biết đã có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi này. Thành phố sẽ triển khai tiêm ngay khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi, trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vắc xin này được xem như là mũi “Sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Bài liên quan
Bác sĩ khuyến cáo về bệnh sởi, thủy đậu khi giao mùa
Thời tiết giao mùa, chuyển sang nồm ẩm là môi trường thuận lợi để bệnh tật bùng phát, đặc biệt là bệnh sởi, thủy đậu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản
3 giờ trước Sự kiện
Theo đặc phái viên TTXVN, tối 7.12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Bệnh sởi tiếp tục tăng, dù gần 100% trẻ 1 - 10 tuổi được tiêm phòng