Công trình thủy điện lớn thứ 2 thế giới, sau đập Tam Hiệp, được hoàn thành ngày 31.5 và sẽ đi vào hoạt động đầu tháng 7 tới.

Trung Quốc hoàn tất xây dựng đập thủy điện lớn thứ 2 và mối lo hủy hoại môi trường

Hoàng Vũ | 01/06/2021, 13:34

Công trình thủy điện lớn thứ 2 thế giới, sau đập Tam Hiệp, được hoàn thành ngày 31.5 và sẽ đi vào hoạt động đầu tháng 7 tới.

Tờ Thời báo hoàn cầu (thuộc Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) cho biết đập Bạch Hạc Than (Baihetan) theo kế hoạch hoàn thành hồ chứa cuối cùng trong ngày 31.5. Việc xây dựng cấu trúc chính của đập thủy điện lớn thứ 2 ở Trung Quốc cũng hoàn tất cùng ngày nhằm hướng tới mục tiêu phát điện vào ngày 1.7 và hoạt động toàn diện vào cuối năm 2022.

Nằm giữa hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, công trình trị giá 170 tỉ nhân dân tệ (26 tỉ USD) Bạch Hạc Than là nhà máy đầu tiên trên thế giới có tổ phát điện công suất 1 triệu kilowatt, với 111 ​vòng quay/phút.

3f059a6c-55ea-4523-8584-da51f03bc095.jpeg
Đập Bạch Hạc Than sẽ đi vào hoạt động đầu tháng 7 tới - Ảnh: Xinhua

Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than dự kiến đạt tổng công suất lắp đặt là 16 triệu kw, sẽ ​​tạo ra hơn 62 tỉ kw giờ điện mỗi năm, giúp giảm lượng khí thải carbon dioxide khoảng 51,6 triệu tấn.

Hôm 6.4 vừa rồi nhà máy đã chính thức tích trữ nước khi cửa xả đáy số 2 đóng. Với việc đóng cửa xả, mực nước hồ chứa bắt đầu tăng và sẽ đạt mức 775m vào giữa tháng 6, nhờ đó đáp ứng các điều kiện phát điện. Từ tháng 8 đến tháng 9, nước trong hồ sẽ được tích trữ đến mức 800m và sau đó là 825m vào tháng sau.

Tổng dung tích chứa của đập Bạch Hạc Than được ước tính sẽ đạt 20,627 tỉ mét khối, chiếm 91% lưu vực sông Kim Sa. Đây là một phần quan trọng của hệ thống kiểm soát lũ ở thượng nguồn sông Dương Tử (tên gọi khác của sông Trường Giang), có dung tích 7,5 tỉ mét khối.

Bạch Hạc Than được kỳ vọng là công trình thủy điện quan trọng hỗ trợ hệ thống kiểm soát lũ lụt ở lưu vực sông Dương Tử, là dự án mang tính bước ngoặt của ngành thủy điện.

Đáng chú ý, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã được áp dụng trong việc xây dựng đập thủy điện này. Hầu hết người liên quan, từ công nhân đến kỹ sư, thanh tra chất lượng và quản lý cấp cao, đều được chỉ đạo bởi hệ thống AI.

Tuy nhiên, sau khi khởi công vào năm 2017, đã có những lo ngại về việc liệu Bạch Hạc Than có thể đáp ứng được thời hạn đầy tham vọng hay không. Đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ngoái cũng mang đến nhiều lo lắng rằng chất lượng công trình có thể bị ảnh hưởng.

d1eda2af-de0a-4ea8-ad4a-8586969058a8.jpeg
Đập Bạch Hạc Than thử nghiệm xả nước trong hồ chứa hôm 13.5 - Ảnh: Xinhua

Đã có không ít ý kiến phản đối, nhấn mạnh rằng đập thủy điện lớn thứ 2 thế giới này có thể gây ra thiệt hại sự đa dạng sinh học, xói mòn đất, làm mất các địa điểm văn hóa và khảo cổ. Một số nhà bảo vệ môi trường giải thích rằng môi trường sống của các loài động thực vật quý hiếm sẽ bị phá hủy khi nước dâng cao. Họ lo lắng con đập Bạch Hạc Than sẽ làm ảnh hưởng đến các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng và các loài thủy sinh khác ở sông Dương Tử, con sông lớn nhất Trung Quốc.

Người phát ngôn của Tổ chức Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển xanh Trung Quốc Wang Jing nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) rằng việc xây dựng các con đập gây hại cho hệ thống sinh thái và tác động đến môi trường sống của động vật hoang dã. “Chúng tôi lo rằng một số nơi sẽ tăng cường phát triển các dự án thủy điện để phục vụ cho mục tiêu của chính phủ là trung hòa carbon dioxide”, Wang nói.

Nhà địa chất học kiêm kỹ sư trưởng của Cục Địa chất và khoáng sản Tứ Xuyên Fan Xiao nhận định các con đập thủy điện có tác động xấu đến môi trường sinh thái địa phương. Đặc biệt là đối với đa dạng sinh học động vật thủy sinh.

3a50ee79-eb34-4af1-bb25-48f9caf70226.jpeg
Công trình thủy điện Bạch Hạc Than vấp phải không ít ý kiến phản đối từ các nhà hoạt động môi trường - Ảnh: Xinhua

Ông Fan cho biết chúng làm chậm tốc độ dòng nước và giảm dung tích cũng như độ tinh khiết của nước. Từ đó, chúng phá hủy môi trường sống của động vật thủy sinh và cản trở sự di cư của cá.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc hiện đang kiểm soát nguồn gốc của phần lớn nguồn cung cấp nước ở khu vực dẫn đến khả năng Bắc Kinh vũ khí hóa nguồn nước bằng cách sử dụng việc kiểm soát dòng chảy để gây ra lũ lụt hoặc hạn hán tại hạ lưu. Về phần mình, Bắc Kinh đã liên tục phủ nhận các cáo buộc này.

Trước đó, theo Kế hoạch 5 năm chiến lược lần thứ 14 được công bố vào tháng 3 năm nay, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy thủy điện lớn khác ở hạ lưu sông Brahmaputra, một trong những con sông lớn của châu Á chảy qua Tây Tạng, Ấn Độ, Bangladesh và đổ ra vịnh Bengal.

Đập thủy điện này được xác định có công suất 60 triệu kw, có thể trở thành đập thủy điện lớn nhất trên thế giới, vượt qua đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất thế giới - với công suất 22,5 triệu kw.

Phía Trung Quốc cho biết dự án này là một giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch vốn không thân thiện với môi trường. Dự án siêu đập thủy điện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà hoạt động môi trường và các nước láng giềng như Ấn Độ và Bangladesh.

Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc hoàn tất xây dựng đập thủy điện lớn thứ 2 và mối lo hủy hoại môi trường