Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị đã thúc giục Philippines không nên bị phân tâm bởi các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông mà nên đẩy mạnh hợp tác về dầu khí.

Trung Quốc thúc giục Philippines gác lại tranh chấp trên Biển Đông, thúc đẩy thăm dò dầu khí chung

Hoàng Vũ (theo SCMP) | 19/01/2021, 09:40

Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị đã thúc giục Philippines không nên bị phân tâm bởi các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông mà nên đẩy mạnh hợp tác về dầu khí.

Trong bài trả lời phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc cuối tuần, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng xung đột chủ quyền ở Biển Đông chỉ là "một phần trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines".

Ông Vương kêu gọi chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte nên tập trung vào các dự án hợp tác thăm dò dầu khí chung giữa 2 nước ở Biển Đông, thay vì các xung đột về chủ quyền hàng hải ở khu vực.

"Cả hai bên đều tin rằng Biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ giữa hai nước. Chúng ta không nên để 1% khác biệt làm ảnh hưởng tới 99% còn lại trong mối quan hệ", ông Vương nói, đồng thời kêu gọi hai nước nên tiếp tục "quản lý đúng đắn các xung đột" và thúc đẩy các dự án thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị có chuyến thăm các nước Đông Nam Á kéo dài 1 tuần tới Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines trong một nỗ lực nhằm củng cố quan hệ với khu vực. Chuyến đi diễn ra trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào trưa 20.1.

d578f604-7c29-11e7-83c9-6be3df13972a_image_hires_192538.jpg
Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: SCMP

Trung Quốc từ lâu đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng sự gia tăng các máy bay, tàu quân sự trên tuyến đường biển chiến lược mà nước này tự coi là lãnh thổ của mình bất chấp bị cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều nước phương Tây, ASEAN lên tiếng phản đối.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có một chiến dịch ngoại giao vận động lớn ở Đông Nam Á khi các nhà lãnh đạo hàng đầu nước này tích cực đến thăm các nước ASEAN cùng với các thỏa thuận thương mại và viện trợ tài chính béo bở.

Kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2016, chính quyền Manila dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte thi hành chính sách đối ngoại xoay trục bằng cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với đối thủ của Mỹ là Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế, đầu tư. Ông tìm đến nguồn viện trợ Trung Quốc cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và dường như muốn gác lại các tranh chấp trên Biển Đông.

Duterte cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn xử lý ổn thỏa vấn đề Biển Đông, khôi phục đối thoại, cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc. Do đó “đối thoại, hòa bình và hợp tác” trở thành nguyên tắc cơ bản trong chính sách của chính quyền Duterte với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines liên tục khẳng định rằng Manila nên giữ bình tĩnh và theo đuổi những nỗ lực ngoại giao để đối phó yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, trừ khi nước này "sẵn sàng tham gia một cuộc chiến”. Ông lý giải việc không thể làm căng với Trung Quốc do sẽ tạo ra bất lợi khi "bất đồng, tranh cãi với nước láng giềng", nhất là khi đó lại là một hàng xóm lớn mạnh hơn.

Đáng chú ý, vào tháng 9 năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Manila - Hoàng Khê Liên cho biết Chính phủ Philippines đồng ý gác lại tranh chấp ở Biển Đông để tăng cường đối thoại, hợp tác. Ông nêu lại lập trường của Bắc Kinh rằng họ "không chấp nhận và không công nhận" phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) hồi năm 2016 về Biển Đông.

Theo ông Hoàng Khê Liên, "vấn đề Biển Đông chỉ là một phần nhỏ trong quan hệ Trung Quốc - Philippines, hay như Ngoại trưởng Philippines - Teodoro Locsin đã nói, chỉ là một viên sỏi nhỏ trên con đường dẫn đến tiến bộ kinh tế cùng có lợi của hai nước và chúng ta không được vấp phải viên sỏi nhỏ".

Bài liên quan
Mô hình ngôn ngữ lớn Baidu và Zhipu AI đứng đầu Trung Quốc, nhưng kém OpenAI về khả năng tổng thể
Ernie 4.0 của Baidu và GLM-4 của Zhipu AI đứng đầu bảng xếp hạng các mô hình ngôn ngữ lớn Trung Quốc, nhưng các đối thủ nước ngoài vẫn dẫn đầu về khả năng tổng thể, theo thử nghiệm mới từ Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc thúc giục Philippines gác lại tranh chấp trên Biển Đông, thúc đẩy thăm dò dầu khí chung