Trung Quốc hiện giữ vai trò chi phối rất lớn trong vấn đề cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam.

Việt Nam sẽ thay thế thị trường vải Trung Quốc bằng Ấn Độ?

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 05/01/2021, 19:00

Trung Quốc hiện giữ vai trò chi phối rất lớn trong vấn đề cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam.

Trung Quốc đang là nước cung cấp vải lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần. Theo đó, nguyên liệu cho ngành dệt may của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc cung cấp khoảng hơn một nửa nguyên liệu vải sợi cho Việt Nam. Trừ bông được nhập khẩu từ Úc, Ấn Độ và Mỹ, hầu hết các nguyên phụ liệu ngành may mặc đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường vải Trung Quốc khiến ngành dệt may Việt Nam gặp khó khăn suốt thời gian dài vì ảnh hưởng từ dịch COVID-19 gây nên tình trạng thiếu nguyên liệu.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã phải làm việc với khách hàng về khả năng ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu từ các thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc... trong thời gian gần đây.

Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang tính đến những giải pháp nhập nguồn nguyên liệu từ thị trường khác hoặc chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu qua những thị trường mới, bởi lẽ tìm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu ngành may mặc là vấn đề quyết định then chốt cho sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu cũng như ngành dệt may Việt Nam.

Tại buổi xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Ấn Độ ngày 5.1, bà Phạm Minh Hương - nguyên giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc đa dạng nguồn cung cấp vải của Việt Nam là vô cùng cần thiết. Hiện tại, dư địa nhập khẩu vải của Ấn Độ còn rất lớn. Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo đó, bà Hương cho rằng Việt Nam và Ấn Độ sẽ có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dệt may. Trong 11 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 tỉ USD đối với bông và sợi polyeste, trong đó 62% đến từ Mỹ, 18% từ Brazil, 7% từ Ấn Độ. Còn nhập khẩu 2 tỉ USD là sợi (yarn), trong đó 60% từ Trung Quốc, khoảng 5-6% từ Ấn Độ, còn lại là Đài Loan, Indonesia, Hàn Quốc và một số nước.

Đối với vải, Việt Nam nhập khẩu khoảng 10,7 tỉ USD, trong đó từ Trung Quốc khoảng 60%, còn lại là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước, Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 1%. Trong khi đó, Ấn Độ sở hữu nền công nghiệp dệt may lâu đời, với thế mạnh dựa trên hàng loạt các loại sợi tự nhiên như bông, đay, tơ tằm, len cho đến các loại sợi tổng hợp tổng hợp như polyester, nylon, có nền công nghệ phát triển.

Bà Hương cho rằng lợi thế khai thác vải tại thị trường Ấn Độ sẽ bổ sung quý giá cho Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cho ngành dệt may.

"Bên cạnh khai thác thị trường, các doanh nghiệp cũng cần phải hợp tác và đào tạo lực lượng lao động dệt may, ứng dụng khoa học công nghệ, thiết kế...", bà Hương nhấn mạnh

Ông Dr. L.B Singhal - Tổng Thư ký Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dệt may Ấn Độ (AEPC), cơ quan trực thuộc Bộ Dệt may Ấn Độ cho biết, tháng 11.2020, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua đề án Khuyến khích Liên kết Sản xuất đối với lĩnh vực dệt may. Đề án cung cấp các ưu đãi cho sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm dệt cụ thể làm từ sợi nhân tạo (MMF). Khoảng 40 dây chuyền HS trong hàng may mặc MMF và 10 dây chuyền HS trong hàng dệt kỹ thuật chiếm gần 180 tỉ USD thương mại toàn cầu. Do đó, chương trình này sẽ khuyến khích ngành đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao này.

Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 hiện nay cùng với chính sách tạo điều kiện của Ấn Độ thì các doanh nghiệp và cơ quan chức năng Việt Nam cần có chiến lược khai thác sâu hơn vào thị trường vải Ấn Độ, trong đó chủ yếu là hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng. Hai yếu tố này sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam ở thế chủ động hơn trong việc đi nhập khẩu hàng nguyên liệu dệt may.

Bài liên quan
Tham gia TPP, Việt Nam sẽ gặp khó về nguyên liệu dệt may
Bước chân vào TPP, ngành dệt may Việt Nam được kì vọng sẽ có những bứt phá quan trọng nhờ ưu đãi thuế. Tuy nhiên, quy định về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu “từ sợi trở đi” đang là vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp dệt may. 

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam sẽ thay thế thị trường vải Trung Quốc bằng Ấn Độ?