Xiaomi giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường smartphone rộng lớn ở Ấn Độ bất chấp sự suy giảm tổng thể của ngành trong quý 3/2022 và chính phủ tăng cường giám sát hoạt động của các hãng công nghệ Trung Quốc tại quốc gia Nam Á.

Xuất xưởng smartphone giảm, Xiaomi giữ vị trí dẫn đầu Ấn Độ giữa sự giám sát của chính phủ

Sơn Vân | 22/10/2022, 17:00

Xiaomi giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường smartphone rộng lớn ở Ấn Độ bất chấp sự suy giảm tổng thể của ngành trong quý 3/2022 và chính phủ tăng cường giám sát hoạt động của các hãng công nghệ Trung Quốc tại quốc gia Nam Á.

Xiaomi đã xuất xưởng 9,2 triệu smartphone trong quý 3/2022, giảm 18% so với 1 năm trước đó, chiếm 21% thị phần Ấn Độ - thị trường lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, theo báo cáo từ công ty phân tích Canalys.

Theo báo cáo, các smartphone Xiaomi đã đạt được sức hút từ doanh số bán hàng trực tuyến hồi tháng 7 trước mùa lễ hội tại Ấn Độ. Nhà phân tích Sanyam Chaurasia của Canalys cho biết: “Bán hàng trực tuyến sớm trước mùa mưa bão và Ngày Quốc khánh là cơ hội tuyệt vời để các nhà cung cấp thu dọn hàng tồn kho trước khi bước vào mùa lễ hội”.

Dẫn đầu ngành công nghiệp smartphone toàn cầu trong quý 3/2022, Samsung Electronics chỉ đứng thứ hai tại Ấn Độ sau Xiaomi với lượng xuất xưởng 8,1 triệu chiếc, giảm 11% so với 1 năm trước, chiếm 18% thị phần quốc gia Nam Á, theo Canalys.

Hai gã khổng lồ smartphone Trung Quốc là Vivo và Oppo đã nhảy lên vị trí thứ ba và thứ tư ở Ấn Độ trong cùng quý, với doanh số lần lượt là 7,3 triệu và 7,1 triệu chiếc. Realme tụt xuống vị trí thứ 5 tại Ấn Độ với 6,2 triệu chiếc.

Báo cáo của Canalys cho biết Oppo là hãng smartphone duy nhất trong số 5 nhà cung cấp hàng đầu tại Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực hàng năm, 14% trong quý 3/2022.

Theo Canalys, tổng lượng xuất xưởng smartphone tại Ấn Độ trong quý 3/2022 đạt 44,6 triệu chiếc, giảm 6% so với 47,5 triệu chiếc 1 năm trước, đi theo hiệu suất mờ nhạt ở phân khúc giá rẻ của thị trường.

Dữ liệu lô hàng mới nhất phản ánh cách các nhà cung cấp smartphone lớn của Trung Quốc vẫn cố thủ tốt ở Ấn Độ, bất chấp chính quyền nước này tiếp tục đàn áp các hãng công nghệ đại lục như Xiaomi, Vivo, Huawei và chuyển sang hạn chế các công ty này bán thiết bị cấp thấp.

xuat-xuong-smartphone-giam-xiamoi-giu-vi-tri-dan-dau-an-do.jpg
Khách hàng bên trong một trong những trung tâm dịch vụ của Xiaomi ở Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Shutterstock

Đầu tháng này, Xiaomi (có trụ sở tại Bắc Kinh) bày tỏ sự thất vọng với lệnh từ tòa án Ấn Độ khiến khối tài sản trị giá 676 triệu USD của họ bị đóng băng tại nước này. Hồi tháng 8, Ấn Độ đã bắt đầu một nỗ lực phối hợp để điều tra tài chính các công ty Trung Quốc, dẫn đến các cáo buộc trốn thuế và rửa tiền.

Tòa án cấp cao bang Karnataka phía tây nam Ấn Độ đã bác đơn kháng cáo của Xiaomi về việc xin tạm thời giảm nhẹ khỏi lệnh tòa thu giữ những tài sản đó. Đây là động thái mà Xiaomi cho rằng đã khiến hoạt động tại địa phương này của họ phải tạm dừng.

Tổng cục Thực thi, cơ quan tội phạm tài chính liên bang của Ấn Độ, đã phong tỏa những tài sản đó vào tháng 4, cáo buộc Xiaomi chuyển tiền bất hợp pháp dưới hình thức thanh toán tiền bản quyền.

Cụ thể hơn, ngày 30.4, Ấn Độ đã thu giữ 676 triệu USD từ các tài khoản ngân hàng địa phương của Xiaomi sau khi một cuộc điều tra phát hiện nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc đã chuyển tiền bất hợp pháp cho các thực thể nước ngoài bằng cách chuyển chúng dưới hình thức thanh toán tiền bản quyền.

Tổng cục Thực thi cho biết đã điều tra hoạt động kinh doanh của Xiaomi do cáo buộc vi phạm luật ngoại hối của Ấn Độ thông qua chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Tổng cục Thực thi cùng ngày thông báo đã thu giữ tài sản trong tài khoản ngân hàng từ Xiaomi Technology India Private Limited sau khi phát hiện công ty này đã chuyển số ngoại tệ tương đương 55,5 tỉ rupee cho 3 pháp nhân ở nước ngoài, trong đó có 1 pháp nhân thuộc Xiaomi, với “vỏ bọc” thanh toán tiền bản quyền.

Cơ quan này cho biết thêm, việc chuyển tiền cho 2 thực thể không xác định và không liên quan khác có trụ sở tại Mỹ cũng vì lợi ích cuối cùng của các thực thể thuộc Xiaomi.

Ban Giám đốc Tổng cục Thực thi Ấn Độ tuyên bố: “Số tiền khổng lồ đó dưới danh nghĩa tiền bản quyền đã được nộp theo hướng dẫn của các đơn vị thuộc tập đoàn mẹ Trung Quốc”.

Sau đó, Xiaomi phủ nhận mọi hành vi sai trái, nói rằng các khoản thanh toán cho công ty công nghệ Qualcomm (Mỹ) là hợp pháp.

Xiaomi cũng nhanh chóng phủ nhận bất kỳ gợi ý nào về việc công ty có thể chuyển hoạt động khỏi Ấn Độ sang Pakistan. Trong một tweet vào ngày 7.10, Xiaomi gọi những suy đoán đó là “hoàn toàn sai lầm và vô căn cứ”, đồng thời khẳng định lại cam kết “Sản xuất tại Ấn Độ”.

Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, các thương hiệu smartphone Trung Quốc đã thống trị thị trường Ấn Độ nhờ vào mức giá phải chăng.

Xiaomi cũng là thương hiệu smartphone bán chạy nhất ở Ấn Độ trong quý 2/2022 với 7 triệu chiếc được xuất xưởng, vượt Samsung Electronics với 16%. Trong khi Vivo, Oppo và Realme đều đứng trong top 5, theo báo cáo của công ty nghiên cứu Canalys.

Tại quê nhà, các thương hiệu Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thị trường bão hòa, sự đàn áp trong lĩnh vực công nghệ và dân số già nhanh chóng.

Hồi tháng 8, tờ Bloomberg đưa tin Ấn Độ đang tìm cách cấm các thương hiệu Trung Quốc bán thiết bị dưới 12.000 rupee (3,5 triệu đồng).

Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ mục đích của kế hoạch là loại bỏ các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc khỏi phân khúc bình dân tại thị trường nội địa. Ấn Độ ngày một lo ngại các thương hiệu như Realme, Transsion ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.

Ấn Độ gia tăng áp lực lên các công ty Trung Quốc từ mùa hè năm 2020 sau cuộc đụng độ giữa binh lính hai nước gây chết người tại biên giới tranh chấp. Kể từ đó, Ấn Độ đã cấm hơn 300 ứng dụng Trung Quốc, bao gồm cả WeChat và TikTok.

Các hãng smartphone nội như Lava, MicroMax từng kinh doanh khá tốt trước khi smartphone Trung Quốc xuất hiện với mẫu mã rẻ và giàu tính năng. Tuy chi phối thị trường, các công ty Trung Quốc lại thường xuyên báo lỗ khiến họ nhận nhiều chỉ trích.

Bài liên quan
Nhà sản xuất smartphone cho Xiaomi nói về chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và mở rộng sang Việt Nam
DBG Technology Co đang mở rộng năng lực sản xuất ở nước ngoài trong bối cảnh gián đoạn liên quan đến đại dịch tại Trung Quốc dù chuỗi cung ứng của nước này vẫn "không thể thay thế", theo lãnh đạo công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất xưởng smartphone giảm, Xiaomi giữ vị trí dẫn đầu Ấn Độ giữa sự giám sát của chính phủ