Bốn kẻ tấn công mạng ở Trung Quốc đã bị bắt vì phát triển ransomware với sự trợ giúp của ChatGPT. Đây là trường hợp đầu tiên như vậy ở Trung Quốc liên quan đến chatbot AI phổ biến của OpenAI (Mỹ) chưa được cung cấp chính thức tại nước này.
Thế giới số

4 hacker ở Trung Quốc bị bắt vì phát triển ransomware với sự trợ giúp của ChatGPT

Sơn Vân 29/12/2023 19:30

Bốn kẻ tấn công mạng ở Trung Quốc đã bị bắt vì phát triển ransomware với sự trợ giúp của ChatGPT. Đây là trường hợp đầu tiên như vậy ở Trung Quốc liên quan đến chatbot AI phổ biến của OpenAI (Mỹ) chưa được cung cấp chính thức tại nước này.

Ransomware là loại phần mềm độc hại (malware) được thiết kế để xâm nhập vào máy tính hoặc mạng máy tính, sau đó mã hóa dữ liệu trên hệ thống và yêu cầu người sử dụng trả một khoản tiền chuộc để nhận được khóa giải mã và khôi phục quyền truy cập vào dữ liệu của họ.

Khi hệ thống hoặc file bị mã hóa bởi ransomware, người sử dụng sẽ nhận được thông báo yêu cầu thanh toán một số tiền thông qua các phương tiện thanh toán điện tử như Bitcoin. Sau khi thanh toán được thực hiện, hacker sẽ cung cấp công cụ giải mã để khôi phục dữ liệu bị mã hóa.

Ransomware có thể lây nhiễm thông qua email và trang web độc hại, hoặc cả những lỗ hổng bảo mật trong hệ thống. Nó đã trở thành một mối đe dọa lớn với cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Các biến thể của ransomware ngày càng trở nên phức tạp với mục tiêu đa dạng từ việc tấn công người dùng cá nhân đến các tổ chức lớn.

Theo báo cáo hôm 28.12 của Tân Hoa Xã, cuộc tấn công lần đầu tiên được báo cáo bởi một công ty không xác định ở thành phố Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc), khi hệ thống của họ bị chặn bởi ransomware. Các hacker đã yêu cầu 20.000 Tether, đồng tiền số ổn định được neo giá 1:1 với USD, để khôi phục quyền truy cập hệ thống.

Cuối tháng 11, cảnh sát đã bắt giữ hai nghi phạm ở thủ đô Bắc Kinh và hai người khác tại khu tự trị Nội Mông. Hai người này đã thừa nhận “viết phiên bản ransomware, tối ưu hóa chương trình với sự trợ giúp của ChatGPT, tiến hành quét lỗ hổng, giành quyền truy cập hệ thống thông qua xâm nhập, cấy ransomware và thực hiện tống tiền”, Tân Hoa Xã cho hay.

4-hacker-o-trung-quoc-bi-bat-vi-phat-trien-ransomware-voi-su-tro-giup-cua-chatgpt.jpg
Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ bốn kẻ tấn công mạng vì phát triển ransomware với sự trợ giúp của ChatGPT - Ảnh: Internet

Thời gian qua, Trung Quốc đã tìm cách hạn chế quyền truy cập vào các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) của nước ngoài, gồm cả ChatGPT.

Sau khi OpenAI phát hành ChatGPT vào tháng 11.2022, khơi dậy cuộc chạy đua trong lĩnh vực này giữa những gã khổng lồ công nghệ, ChatGPT và các sản phẩm tương tự đã nhận được sự quan tâm của người dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, OpenAI đã chặn các địa chỉ giao thức internet ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông cùng các thị trường bị Mỹ trừng phạt như Triều Tiên và Iran. Một số người dùng vượt qua các hạn chế để truy cập ChatGPT bằng cách sử dụng mạng riêng ảo (VPN) và số điện thoại từ khu vực được hỗ trợ.

Về mặt thương mại, các công ty ở Trung Quốc xây dựng hoặc cho thuê VPN để truy cập các dịch vụ của OpenAI, gồm cả ChatGPT và công cụ tạo hình ảnh từ văn bản Dall-E, sẽ phải đối mặt với những "rủi ro về mặt tuân thủ pháp luật", theo hãng luật King & Wood Mallesons.

Các vụ kiện pháp lý liên quan đến generative AI (AI tạo sinh) đã gia tăng do sự phổ biến của công nghệ này.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Vào tháng 2, cảnh sát Bắc Kinh đã cảnh báo kẻ xấu có thể lợi dụng ChatGPT để “phạm tội và tung tin đồn thất thiệt”. Đây là một trong những bình luận đầu tiên mà bộ máy an ninh Trung Quốc đưa ra về chatbot AI của OpenAI.

“ChatGPT thú vị và đã lan truyền gần đây, nhưng hãy cẩn thận rằng những kẻ xấu có thể sử dụng điều này để phạm tội và lan truyền tin đồn. Các viện nghiên cứu đã thử nghiệm và phát hiện ra rằng khi được hỏi những câu hỏi liên quan đến âm mưu và gây hiểu lầm, ChatGPT có thể nhanh chóng tạo ra thông tin hấp dẫn mà không trích dẫn nguồn”, theo bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức của cảnh sát Bắc Kinh.

Tại thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), ChatGPT đã bị đổ lỗi cho việc truyền bá thông tin sai lệch.

Hôm 17.2, cơ quan truyền thông nhà nước có trụ sở tại Chiết Giang công bố trường hợp liên quan đến một cư dân Hàng Châu đã sử dụng ChatGPT để tạo bài đăng giống như thông báo từ chính quyền thành phố, nói rằng họ sẽ dỡ bỏ các hạn chế lái xe dựa trên biển số, biện pháp mà nhiều thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện để giảm tắc nghẽn giao thông.

Báo cáo cho biết người dân thấy thông báo của ChatGPT rất thú vị và sau đó chia sẻ nó trong nhiều nhóm mạng xã hội. Theo một ảnh chụp màn hình được công bố cùng với báo cáo, người này đã xin lỗi các thành viên khác trong nhóm WeChat và nói: “Tôi nhận ra hành động của mình đã gây bất tiện cho chính quyền”.

Tháng 5, cảnh sát ở tỉnh Cam Túc (phía tây bắc Trung Quốc) đã bắt giữ một người đàn ông sử dụng ChatGPT để tạo ra tin tức giả về một vụ tai nạn tàu hỏa và phát tán nó lên mạng, thu hút hơn 15.000 lượt xem.

Theo trang Insider, người đàn ông họ Hong bị buộc tội sử dụng ChatGPT để tạo ra tin tức giả về “vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng khiến 9 người thiệt mạng ở tỉnh Cam Túc”. Cảnh sát cho thấy vụ bắt giữ Hong thông qua một loạt ảnh trong bài đăng trên WeChat.

Đây là vụ bắt giữ đầu tiên kể từ khi quy định mới về deepfake của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 1. Luật này nhằm ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ có thể thay đổi dữ liệu khuôn mặt và giọng nói.

Đơn vị cảnh sát an ninh mạng địa phương đã được thông báo về bài viết “vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng” (xuất bản vào ngày 25.4), sau đó thực hiện cuộc điều tra về vấn đề này.

Cảnh sát đã phát hiện ra 21 tài khoản dạng blog trên công cụ tìm kiếm Baidu đã xuất bản tin giả đó đồng thời với nội dung tương tự tại các địa điểm khác nhau. Thời điểm này, những bài đăng này đã được xem hơn 15.000 lần, theo cảnh sát tỉnh Cam Túc.

Cảnh sát an ninh mạng Cam Túc tìm ra các bài đăng giả mạo liên kết với một công ty do Hong điều hành, đăng ký tại thành phố Thâm Quyến - trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc.

Hong sau đó thừa nhận anh đã sử dụng ChatGPT để tạo tin giả về "vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng" trước khi đăng chúng lên mạng, theo cảnh sát Cam Túc. Anh ta đang bị giam giữ vì bi nghi có hành vi "chống đối và gây rối", tội danh có mức án tù tối đa là 10 năm.

Tháng 8, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 6 người trong một cuộc trấn áp một tổ chức lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake để tạo ra hình ảnh giả mạo các giấy tờ tùy thân được sử dụng để lừa đảo cho vay nhắm vào các ngân hàng và người cho vay tiền.

Những tranh cãi xung quanh AI cũng nảy sinh ở nước ngoài. Tháng 3 vừa qua, Brian Hood, Thị trưởng khu vực Hepburn Shire ở Úc, đã gửi thông báo pháp lý tới OpenAI sau khi ChatGPT trả lời sai rằng ông dính vào một vụ bê bối hối lộ và tham nhũng.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã đưa ra cảnh báo trong năm nay về việc những kẻ lừa đảo sử dụng giọng nói nhân bản AI để mạo danh người khác, điều này có thể được thực hiện chỉ bằng đoạn âm thanh ngắn về giọng nói của một người.

Gần đây, những người và tổ chức có tác phẩm được sử dụng để huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn đã phản đối mạnh mẽ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng loạt. Trong một vụ kiện sẽ được theo dõi chặt chẽ về tác động pháp lý, tờ The New York Times đã kiện OpenAI và Microsoft, cáo buộc các mô hình ngôn ngữ lớn mạnh mẽ của họ sử dụng nội dung hàng triệu bài viết để huấn luyện mà không được phép.

Một số tác giả, gồm cả Michael Chabon (người đoạt giải Pulitzer) và diễn viên hài Sarah Silverman, đã kiện OpenAI và Meta Platforms vì những lý do tương tự. Đầu tháng 12, một tòa án ở Vương quốc Anh đã ra phán quyết rằng vụ kiện bản quyền của Getty Images chống lại Stability AI có thể được tiến hành xét xử.

Các vụ kiện này đều xoay quanh một câu hỏi đơn giản chưa được trả lời: Việc đào tạo các mô hình AI dựa trên dữ liệu gồm cả nội dung có bản quyền là hợp pháp hay không?

Bài liên quan
Lý do Trung Quốc vẫn chạy sau Mỹ trong cuộc đua AI do ChatGPT khởi xướng
Từ những năm 2010 trở đi, Trung Quốc đã cạnh tranh với Mỹ về trí tuệ nhân tạo (AI) và vượt trội ở vài lĩnh vực, chẳng hạn nhận dạng khuôn mặt. Năm 2017, Trung Quốc đã công bố “Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo”, đặt ra mục tiêu cuối cùng là trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về AI vào 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
33 phút trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4 hacker ở Trung Quốc bị bắt vì phát triển ransomware với sự trợ giúp của ChatGPT